Ưu tiên phương thức xét tuyển đại học, cao đẳng bằng học bạ

Năm học 2019-2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia với mục đích vừa lấy kết quả để xét tốt nghiệp THPT, vừa xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, mà chỉ tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT nhằm mục đích xét tốt nghiệp. Trước sự thay đổi này, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh đã chủ động đưa ra các phương án tuyển sinh phù hợp.

Đầu tháng 6-2020, Trường Cao đẳng sư phạm Ninh Thuận đã công bố Đề án tuyển sinh năm 2020. Theo đó, năm nay, nhà trường xét tuyển 120 chỉ tiêu ngành Sư phạm giáo dục mầm non (hệ cao đẳng) với 2 phương thức tuyển sinh. Phương thức 1: Dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020; phương thức 2: Dựa vào học bạ hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT. Riêng môn Năng khiếu mầm non, Trường sẽ tổ chức thi tuyển như mọi năm.

Đối với phương thức 1, xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020 theo tổ hợp khối M00 (Văn, Toán, Năng khiếu mầm non). Với phương thức 2, thí sinh có thể chọn lựa hình thức có lợi nhất trong 3 hình thức sau đây:

Hình thức 1: Xét tuyển dựa vào kết quả điểm trung bình môn học văn hoá ở bậc THPT của lớp 12 và điểm thi Năng khiếu mầm non theo tổ hợp môn để xét tuyển. Điểm xét tuyển = (điểm trung bình môn 1 + điểm trung bình môn 2 + [điểm thi môn Năng khiếu mầm non] x 2)/4 + điểm ưu tiên (khu vực, đối tượng).

Hình thức 2: Xét tuyển dựa vào kết quả điểm xét tốt nghiệp của kỳ thi tốt nghiệp THPT và điểm thi Năng khiếu mầm non. Điểm xét tuyển = (điểm xét tốt nghiệp THPT + [điểm thi môn năng khiếu MN] x 2)/3 + điểm ưu tiên (khu vực, đối tượng).

Hình thứ 3: Xét tuyển dựa vào điểm trung bình chung các môn lớp 12 và điểm thi Năng khiếu mầm non. Điểm xét tuyển = (điểm trung bình chung các môn lớp 12 + [điểm thi môn năng khiếu MN] x 2)/3 + điểm ưu tiên (khu vực, đối tượng).

Hai phương thức trên được xét độc lập với nhau, mỗi phương thức xét 50% tổng chỉ tiêu, thí sinh có quyền lựa chọn 1 hoặc cả 2 phương thức để đăng ký xét tuyển. Trường sẽ xét tuyển điểm từ cao xuống thấp đến khi đủ chỉ tiêu tuyển sinh. Ngưỡng chất lượng đầu vào theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bà Nguyễn Thị Hà Giang, Trưởng bộ phận Đào tạo, Phân hiệu Trường Đại học Nông Lâm Tp. Hồ Chí Minh tại Ninh Thuận, cho biết, năm 2020, Phân hiệu tổ chức xét tuyển 370 chỉ tiêu/8 nhóm ngành. Nhằm giúp thí sinh tối đa hóa cơ hội trúng tuyển, phân hiệu tận dụng tối đa 4 phương thức xét tuyển: Xét tuyển 40-50% chỉ tiêu dựa trên kết quả học tập của 5 học kỳ bậc THPT (xét học bạ bậc THPT từ HK1 năm lớp 10 đến HK1 năm lớp 12) đối với thí sinh tốt nghiệp năm 2020 có điểm trung bình 5 học kỳ của mỗi môn trong tổ hợp môn xét tuyển phải đạt từ 6.0 trở lên; xét tuyển 50-60% chỉ tiêu dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào được công bố sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020; xét tuyển khoảng 10-15% chỉ tiêu dựa trên kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tổ chức năm 2020; ngoài ra, phân hiệu ưu tiên tuyển sinh đối với phương thức tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Hiện nay, Phân hiệu đã mở phần mềm trực tuyến để tạo thuận lợi cho thí sinh đăng ký xét tuyển.

Theo bà Nguyễn Thị Hà Giang khuyên thí sinh nên tận dụng tối đa các phương thức xét tuyển, đặc biệt là phương thức xét tuyển bằng học bạ, bởi hình thức xét tuyển vào đại học đối với phương thức này rất đa dạng. Khi lựa chọn xét tuyển bằng học bạ sẽ tiết kiệm thời gian, chi phí cho thí sinh. Thí sinh cũng có lợi thế về mặt tâm lý, có thể thoải mái và tự tin trước khi bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Với những học sinh có kết quả học tập giỏi, xuất sắc, các bạn có nhiều cơ hội để lựa chọn vào những trường đại học tốp trên, những ngành đào tạo đang “hot” hiện nay. Học sinh đã tốt nghiệp THPT các năm trước cũng có cơ hội đến với giảng đường đại học bằng hình thức xét tuyển này.