Gỡ khó cho “tàu 67” vươn khơi bám biển

Qua thời gian triển khai thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 7-7-2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, đến nay có 43 dự án được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt đủ điều kiện đăng ký vay vốn tín dụng để đóng mới, nâng cấp tàu cá (tàu 67) với tổng dự toán 489,328 tỷ đồng. Hiện tất cả các dự án đã hoàn thành, gồm 1 tàu vỏ thép, 24 tàu vỏ composite, 18 tàu vỏ gỗ; về nghề đánh bắt có 36 tàu khai thác xa bờ, 7 tàu dịch vụ hậu cần.

Hiệu quả “tàu 67”

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), các chính sách hỗ trợ đóng mới tàu cá theo Nghị định 67 và Nghị định 17 của Chính phủ đã tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân trong tỉnh được hỗ trợ bảo hiểm, chính sách hỗ trợ 1 lần để đủ sức vươn khơi xa, bám biển, tăng thu nhập bằng nghề đánh bắt hải sản, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Theo đó, từ năm 2015 đến 2019, UBND tỉnh quyết định chi trả phí bảo hiểm khai thác hải sản được ngân sách Nhà nước hỗ trợ theo đề nghị của Công ty Bảo Việt Ninh Thuận với số tiền hơn 26,275 tỷ đồng. Trong 4 tháng đầu năm 2020, Sở NN&PTNT đã tiếp nhận và thẩm định hồ sơ đề nghị chi trả bảo hiệm đợt 1 cho 287 tàu với tổng số tiền gần 3 tỷ đồng. Đối với chính sách hỗ trợ 1 lần sau đầu tư đóng mới có 6 tàu đi vào hoạt động được hỗ trợ tổng số tiền trên 33 tỷ đồng.

Tàu cá của ngư dân Mỹ Tân, xã Thanh Hải (Ninh Hải) vươn khơi đánh bắt hải sản. Ảnh: Văn Miên

Đồng chí Nguyễn Khắc Lâm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Thông qua các chính sách hỗ trợ, đã góp phần tăng năng lực khai thác trên địa bàn tỉnh, sản lượng khai thác tăng nhanh. Hiện tại, toàn tỉnh có 1.184 tàu cá có công suất từ 90CV trở lên; trong đó, 696 tàu đủ điều kiện hoạt động khai thác và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa. Tổng sản lượng khai thác hải sản từ đầu năm đến nay đạt 43,66 nghìn tấn; trong đó, tháng 5 đạt 11,87 nghìn tấn, tăng 4,6% só với tháng cùng kỳ năm trước. Nhiều chủ dự án “tàu 67” làm ăn có hiệu quả, thực hiện cam kết trả lãi ngân hàng đúng theo kỳ hạn. Điển hình các tàu cá làm nghề lưới vây ở xã Thanh Hải (Ninh Hải) có trường hợp đã tích lũy đủ vốn đóng mới chiếc thứ hai, hình thành đội tàu kích thước lớn, gắn thiết bị giám sát hành trình khai thác biển xa, đảm bảo hợp pháp theo quy định.

Khắc phục tồn tại

Tuy vậy, vẫn có một số dự án “tàu 67” hoạt động không hiệu quả, chưa thực hiện trả nợ ngân hàng đúng theo cam kết. Cụ thể, tàu vỏ thép Dương Văn Thắng nằm bờ lâu ngày, Ngân hàng Agribank Ninh Thuận đã định giá lại, tổ chức đấu giá, đang chờ người đăng ký mua. Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Giám đốc Ngân hàng Agribank Ninh Thuận, cho biết: Nguyên nhân của hạn chế tập trung vào các yếu tố như ngư trường nguồn lợi hải sản giảm sút so với các năm trước, nhiều “tàu 67” mặt dù tích cực hoạt động dài ngày vùng biển xa nhưng vẫn không có lãi. Phương thức khai thác đơn lẻ, thiếu tính chủ động, nên hiệu quả không cao; khâu dịch vụ hậu cần phát triển tự phát, nhỏ lẻ, chưa giải quyết được nhu cầu tiêu thụ sản phẩm sau khai thác dẫn đến thường xuyên xảy ra tình trạng được mùa mất giá. Khả năng tài chính của một số chủ “tàu 67” còn thấp, thiếu vốn lưu động để tổ chức khai thác, thu mua hải sản. Để giải quyết những tồn tại trên, Sở NN&PTNT đã tham mưu UBND tỉnh đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Ninh Thuận chỉ đạo quyết liệt thực hiện cơ chế chuyển đổi chủ tàu theo Thông tư số 12/1018/TT-NHNN ngày 27-4-2018 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với các trường hợp không đủ năng lực để hoạt động khai thác hải sản, nhằm bảo tồn nguồn vốn vay cho các ngân hàng thương mại.

Tàu vỏ Composite của ngư dân Nguyễn Văn Mười ở thị trấn Khánh Hải được Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho vay theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP. Ảnh: Văn Nỷ

Nghị định 67 và Nghị định 17 của Chính phủ là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước mang tính đột phá, đồng bộ, phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của đông đảo ngư dân, góp phần phát triển ngành Thủy sản theo hướng công nghiệp và bền vững. Ngư dân được tiếp cận vận hành tàu cá hiện đại, công nghệ khai thác, bảo quản tiên tiến, ngư trường được mở rộng giảm áp lực cho khai thác vùng ven bờ. Nhiều “tàu 67” hoạt động có hiệu quả góp phần nâng cao đời sống cộng đồng ngư dân ven biển, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Tháo gỡ khó khăn trong quá trình chuyển đổi cho các chủ “tàu 67”; tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân tiếp cận chính sách bảo hiểm tàu cá, thuyền viên, để yên tâm hơn khi vươn khơi, bám biển là những nhiệm vụ trọng tâm UBND tỉnh đang chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương tập trung thực hiện có hiệu quả.