Giới chuyên gia đề cao tầm quan trọng của việc hỗ trợ người nghèo hậu dịch COVID-19

Trong bối cảnh nhiều quốc gia đang tìm cách hồi sinh nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, giới chuyên gia cho rằng việc tăng cường "các hàng rào phòng thủ khí hậu" và nâng cao điều kiện sống của những cộng đồng dễ bị tổn thương có thể tạo ra việc làm và hỗ trợ ứng phó hiệu quả với các "cú sốc" trong tương lai.

Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã dự báo gần một nửa lực lượng lao động toàn cầu phải đối mặt với nguy cơ mất kế sinh nhai vì cuộc khủng hoảng y tế COVID-19, trong đó mức độ ảnh hưởng đối với lực lượng lao động trẻ tuổi lại không đồng đều. Các nhà kinh tế học cho rằng những nỗ lực của chính phủ nhằm phục hồi nền kinh tế hậu COVID-19 có thể mang lại nhiều lợi ích, từ việc giải quyết tình trạng bất bình đẳng và biến đổi khí hậu thông qua các khoản đầu tư vào năng lượng sạch, xe điện và nhà giá rẻ. ILO ước tính đầu tư vào xe điện, trong đó có cả các phương tiện công cộng, sẽ tạo ra 15 triệu việc làm trên phạm vi toàn cầu.

Người vô gia cư tới các khu lều tạm để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Guatemala City, Guatemala, ngày 1/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Thái Lan, một dự án nâng cấp hệ thống thủy lợi ở vùng Đông Bắc - nơi thường xuyên hứng chịu hạn hán, đã tuyển dụng những người lao động bị mất việc, qua đó phần nào giải quyết nhu cầu việc làm của người dân. Theo đó, hơn 300 người lao động trở về làng sau khi mất việc trên thành phố đã được thuê để cải tạo khoảng 100 hồ chứa và đập nhỏ cùng hệ thống phun tưới nhỏ giọt và máy bơm chạy bằng năng lượng Mặt Trời. Các sinh viên mới tốt nghiệp đang tìm việc làm cũng được tuyển để bổ túc kiến thức cho nông dân về sử dụng hạt giống năng suất cao, trồng rau và cải thiện hoạt động tưới tiêu tốt hơn.

Người đứng đầu Quỹ Khám phá sáng kiến hoàng gia, ông Karan Supakitvilekakarn cho biết: "Chúng tôi đang làm việc với giới chức địa phương, các công ty tư nhân và Bộ Nông nghiệp để giải quyết nhu cầu của nông dân trong vùng. Có như vậy, chúng ta mới có thể củng cố và nâng cao năng lực chống chịu và phổ biến các kĩ năng mới, và do đó mọi người đều có thể hưởng lợi ích".

Theo kế hoạch ban đầu, dự án trên sẽ đem lại lợi ích cho khoảng 5.200 nông dân thuộc tỉnh Khon Kaen, Udon Thani và Kalasin. Dự án sau đó sẽ được nhân rộng tại nhiều tỉnh khác nơi có thể xây dựng hệ thống quản lý nước bằng gói kích thích kinh tế của chính phủ. Ông Karan nhấn mạnh những khoản đầu tư này sẽ giúp khu vực nâng cao năng lực ứng phó hiệu quả trước các biến động khí hậu trong tương lai, trong khi người dân thất nghiệp khi trở về quê hương có thể có nguồn thu nhập ổn định bằng nghề làm nông.

Trong khi đó, tại Ấn Độ, nơi các khu ổ chuột của lao động nhập cư đã trở thành điểm nóng dịch bệnh, Chính phủ liên bang hồi tháng trước đã thông báo sẽ triển khai chương trình cho thuê nhà với mức giá phải chăng dành cho người lao động và dân nghèo đô thị như một phần của các biện pháp kích thích kinh tế.

Theo nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Viện Môi trường Stockholm ở Bangkok nhận định đại dịch COVID-19 đã phơi bày "những lỗ hổng" về cơ sở hạ tầng bao gồm cách quản lý nguồn nước, nước thải và rác thải. Trong mọi trường hợp, người dân tại các khu định cư tạm bợ đặc biệt chịu ảnh hưởng nặng nề trước những tác động của biến đổi khí hậu. Vấn đề sức khỏe của những người này lại tạo ra gánh nặng kinh tế-xã hội lớn đối với cộng đồng dân cư vốn phải đối mặt với thu nhập bất ổn và các biện pháp bảo vệ an toàn xã hội tối thiểu.

Trong khi đó, nhà nghiên cứu Gautam Bhan ở Ấn Độ nhận định các biện pháp hỗ trợ tạm thời, như phân phối thực phẩm và cung cấp nơi ở, sẽ không đủ giải quyết những vấn đề mà người dân nghèo phải đối mặt xét về dài hạn. Do những người dân nghèo đô thị thường không có khả năng chống chịu trước những "cú sốc", các giải pháp hỗ trợ nhóm đối tượng này cần được xem là một trong những vấn đề ưu tiên hàng đầu trong các chương trình bảo trợ xã hội.

Theo TTXVN/Báo Tin tức