Nhìn lại 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở Thuận Bắc

Từ năm 2016 đến nay, UBND huyện Thuận Bắc đã đề ra nhiều giải pháp đồng bộ, kịp thời thực hiện một số cơ chế chính sách trong đẩy mạnh Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM). Nổi lên là đầu tư kết cấu hạ tầng, hướng trọng tâm vào xây dựng đường giao thông nông thôn, thủy lợi, hệ thống kênh mương nội đồng phục vụ phát triển sản xuất. Qua đó, đời sống của người dân được nâng cao, bộ mặt nông thôn thêm phần khởi sắc.

Theo UBND huyện Thuận Bắc, giai đoạn 2016- 2020, cùng với nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ Chương trình, huyện vận động các doanh nghiệp, đóng góp từ cộng đồng dân cư đã đầu tư kết cấu hạ tầng phát triển sản xuất kinh doanh, cải thiện nhà ở, vệ sinh môi trường, với tổng kinh phí hơn 290,7 tỷ đồng. Qua đó, đã cứng hóa trên 23,5 km đường liên thôn, đường nội đồng, tạo được khí thế phấn khởi, đồng thuận cao trong huy động nguồn lực cộng đồng xây dựng NTM. Chương trình xây dựng NTM mang lại hiệu quả thiết thực, đường làng, ngõ xóm sạch đẹp.

Chương trình xây dựng NTM, xã Phước Kháng vận động nhân dân tham gia làm đường giao thông.

Thực hiện chủ trương ưu tiên đầu tư các công trình thủy lợi theo hướng đa mục tiêu, nâng cao năng lực tưới, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị đơn vị diện tích canh tác, phục vụ nước sinh hoạt cho người và gia súc các vùng khô hạn, trong 5 năm, huyện đã đầu tư xây dựng 8,4 km kênh mương cấp 2, cấp 3, 2 trạm bơm và 1 đập dâng, với tổng kinh phí trên 64 tỷ đồng. Đến nay, trên địa bàn huyện có 4 hồ chứa nước, 14 đập dâng và 4 trạm bơm, tổng năng lực tưới khoảng 3.412 ha đất canh tác, chiếm 50,9% đất sản xuất nông nghiệp.

Hệ thống thủy lợi cơ bản được đầu tư đồng bộ tạo điều kiện cho nông dân mở rộng sản xuất, triển khai các mô hình có hiệu quả, góp phần vào đạt tiêu chí thu nhập. Những năm qua, huyện đã tập trung chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện có hiệu quả chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ đối với các sản phẩm đặc thù, có lợi thế của địa phương. Phát huy hiệu quả các công trình thủy lợi đã đầu tư, huyện xác định rõ các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của từng vùng, từng xã, nhiều mô hình mới có hiệu quả trong sản xuất được nhân rộng, thúc đẩy nông nghiệp tăng trên cả 3 mặt: diện tích, năng suất, giá trị trên 1 ha canh tác đạt 96,3 triệu đồng/ha/năm, tăng 21,3 triệu đồng so với năm 2015. Nông nghiệp phát triển theo hướng liên kết cánh đồng lớn, tính đến nay trên địa bàn huyện đã triển khai được 4 cánh đồng lớn trồng lúa với tổng diện tích 289 ha. Duy trì 34 tổ, nhóm cùng sở thích chuỗi giá trị nuôi bò, dê, cừu, heo đen, chuối sứ tại các xã Lợi Hải, Bắc Sơn, Phước Kháng và Phước Chiến; 3 tổ hợp tác chăn nuôi bò sinh sản tại thôn Xóm Đèn, xã Công Hải; 1 tổ sản xuất măng tây xanh tại xã Công Hải; 1 tổ trồng tỏi tại xã Bắc Sơn.

Nhìn lại 5 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM ở huyện Thuận Bắc ghi nhận địa phương có nhiều cách làm hay, sáng tạo, linh hoạt. Trong điều kiện nguồn vốn chương trình hạn hẹp, cuộc sống của người dân còn khó khăn, huyện lựa chọn những tiêu chí dễ, không cần nhiều kinh phí làm trước, những tiêu chí khó đưa ra bàn bạc công khai để tranh thủ sự đồng thuận của người dân chung sức cùng với chính quyền thực hiện. Kết quả hiện nay, số tiêu chí bình quân/xã của toàn huyện đạt 13,83 tiêu chí. Cụ thể, xã Công Hải 17/19 tiêu chí, Bắc Phong 18/19 tiêu chí, Lợi Hải 16/19 tiêu chí, Bắc Sơn 12/19 tiêu chí, Phước Kháng 11/19 tiêu chí, Phước Chiến 9/19 tiêu chí.

Huyện ủy, UBND huyện Thuận Bắc đang chỉ đạo quyết liệt thực hiện chương trình, phấn đấu đến cuối năm 2020 xã Công Hải đạt tiêu chí 10 (thu nhập), 11 (hộ nghèo); xã Phước Kháng đạt tiêu chí 13 (tổ chức sản xuất); xã Lợi Hải, Bắc Sơn, Phước Kháng, Phước Chiến đạt tiêu chí 17 (môi trường và an toàn thực phẩm), xã Bắc Sơn đạt tiêu chí 18 (hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật), xã Bắc Phong đạt tiêu chí 19 (quốc phòng và an ninh). Huyện đề ra giải pháp thực hiện các tiêu chí, trọng tâm là tiếp tục lồng ghép các nguồn vốn chương trình, dự án để phát triển hạ tầng kinh tế- xã hội ở địa phương. Tập trung chuyển đổi những cây trồng có hiệu quả kinh tế cao, mang tính chất bền vững, lâu dài gắn với liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm. Thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và giải quyết việc làm, nhằm tăng thu nhập cho người dân. Tăng cường công tác đảm bảo an ninh nông thôn để duy trì, giữ vững, đạt tiêu chí 19 ở 6/6 xã.