Rà soát cây xanh và triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho học sinh

Sau sự việc cây xanh bật gốc gây thương vong cho học sinh tại Trường THCS Bạch Đằng (TP. Hồ Chí Minh), thực hiện chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo, các đơn vị trường học trên địa bàn huyện Bác Ái và Ninh Sơn đã tiến hành rà soát cây xanh và khẩn trương thực hiện nhiều biện pháp đảm bảo an toàn cho học sinh.

Trường Phổ thông dân tộc bán trú Phước Đại A là một trong số các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện Bác Ái có số lượng cây xanh nhiều và tương đối đa dạng với gần 100 cây, thuộc các họ bàng, cà chí, cốc rừng,…Trong số này, có 21 cây có tuổi thọ từ 10 đến 30 năm tuổi. Những cây càng nhiều tuổi thì gốc càng to, tán càng rộng và cho nhiều bóng mát, nên thường tập trung nhiều học sinh đến vui chơi trong giờ giải lao. Để đảm bảo an toàn cho học sinh tại các khu vực này, tổ kiểm tra của nhà trường phối hợp với nhân viên bảo vệ thường xuyên kiểm tra, phát hiện sớm những cây có dấu hiệu mục rỗng, nguy cơ bật gốc để kịp thời xử lý, thông báo cho giáo viên và học sinh toàn trường biết, cảnh giác né tránh. Cô giáo Lê Thị Kim Chi, Phó Hiệu trưởng Trường PTDTBT Phước Đại A, cho biết: Thời gian qua, công tác quản lý cây xanh được nhà trường hết sức quan tâm. Bên cạnh việc thường xuyên kiểm tra, cắt tỉa cành đối với những cây lâu năm, nhà trường còn tiến hành trồng, chăm sóc cây mới để dần thay thế những cây đã có dấu hiệu mất an toàn. Đặc biệt, sau các sự cố cây xanh gãy, đổ, bật gốc gây nguy hiểm cho học sinh tại các tỉnh, thành phố trên cả nước trong thời gian gần đây, thực hiện chỉ đạo của Phòng Giáo dục và Đào tạo, nhà trường đã khẩn trương rà soát cây xanh, đồng thời tổ chức các giờ học ngoại khóa, giúp học sinh tìm hiểu về hệ thống cây xanh trong trường, tác dụng và những mối nguy hiểm, những lưu ý khi vui chơi hoặc di chuyển gần các cây lâu năm, cây có hiện tượng mục rỗng, bật gốc… cũng như những kỹ năng xử lý tình huống, kỹ năng tự vệ khi gặp sự cố xảy ra liên quan đến cây xanh trong trường.

Tiết học ngoại khóa tìm hiểu về hệ thống cây xanh và kỹ năng bảo vệ bản thân trước các nguy cơ mất an toàn liên quan đến cây xanh trường học tại Trường PTDTBT Phước Đại A (Bác Ái)

Thời gian qua, công tác quản lý cây xanh cũng luôn được Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Tân Sơn A (huyện Ninh Sơn) chú trọng. Thầy giáo Võ Văn Tài, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Toàn trường hiện có hơn 120 cây, đặc biệt là 5 cây xà cừ to, nhiều cành, tuổi thọ trung bình trên 20 năm. Để đảm bảo an toàn cho gần 900 học sinh, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của học sinh, nhà trường đã chủ động chặt tỉa những cành cao, dài, khô, kiểm tra gốc, rễ và các khu vực xung quanh, đồng thời tiến hành cắm biển báo nguy hiểm để học sinh biết không di chuyển hoặc chơi đùa dưới các gốc cây, đặc biệt là không tránh trú khi có hiện tượng mưa, giông, lốc.

Qua rà soát, trong 66 cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS và PTDTBT trên địa bàn huyện Ninh Sơn và Bác Ái có gần 1.000 cây xanh, chủ yếu thuộc cây bóng mát và lấy gỗ như: Lim, bàng, phượng, xà cừ, điều, me và một số cây rừng khác trên 10 năm tuổi. Đây là những địa phương thường xảy ra mưa to kèm giông, lốc, gây nguy cơ mất an toàn từ cây xanh trong trường học, do đó, để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh và giáo viên, ngành Giáo dục và chính quyền địa phương cần có kế hoạch, giải pháp để quản lý tốt hệ thống cây xanh, đặc biệt là các loại cây cổ thụ, lâu năm. Các trường học thường xuyên rà soát, kịp thời phát hiện các cây xanh trong khuôn viên sân trường có nguy cơ gãy, đổ, sâu gốc...; có kế hoạch định kỳ, nhất là vào trước mùa mưa bão về việc cắt cây, tỉa cành, bảo vệ cây, hạn chế tối đa nguy cơ gây mất an toàn đối với học sinh.