Mỹ - Trung cạnh tranh “siêu cường” về công nghệ

Mỹ không ngừng đẩy mạnh cuộc chiến công nghệ chống lại Trung Quốc trong khi Bắc Kinh luôn tìm cách “vượt mặt” Washington trong lĩnh vực này. Cuộc chạy đua về công nghệ giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới xem ra đang ngày càng tăng tốc.

Mỹ muốn “kìm chân” Trung Quốc

Cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc nhằm giành quyền kiểm soát công nghệ toàn cầu không ngừng nóng lên với những hành động “nã pháo” liên tiếp từ phía Mỹ.

Bộ Thương mại Mỹ ngày 15-5-2020 thông báo sẽ sửa đổi một quy định xuất khẩu nhằm hạn chế hoạt động thu mua chất bán dẫn của Huawei, vốn là các sản phẩm trực tiếp của công nghệ và phần mềm của Mỹ. Huawei là tập đoàn công nghệ của Trung Quốc, đồng thời cũng là nhà cung cấp thiết bị viễn thông hàng đầu thế giới và tiên phong trong lĩnh vực công nghệ 5G. Hồi năm ngoái, Mỹ đã cấm Huawei cung cấp dịch vụ cho các hệ thống của Chính phủ Mỹ đồng thời khuyến cáo các lĩnh vực tư nhân không sử dụng thiết bị của Huawei. Washington lâu nay cho rằng hai tập đoàn Huawei và ZTE của Trung Quốc có quan hệ chặt chẽ với chính phủ và các thiết bị từ các nhà sản xuất này có thể được sử dụng để do thám các quốc gia và công ty khác.

Trước đó, hôm 27-4, Mỹ đã công bố các biện pháp hạn chế xuất khẩu mới đối với Trung Quốc, ngăn chặn Trung Quốc sở hữu các thiết bị sản xuất chất bán dẫn và công nghệ tiên tiến khác qua đường thương mại dân sự, sau đó chuyển cho quân sự sử dụng. Quy định mới của Bộ Thương mại Mỹ yêu cầu, trong trường hợp các công ty Mỹ muốn bán sản phẩm liên quan tới quân sự cho Trung Quốc, dù người mua là dân sự thì cũng phải xin phép và được Bộ Thương mại thông qua. Bộ Thương mại Mỹ còn bãi bỏ miễn trừ đối với việc xuất khẩu các sản phẩm dân dụng, bao gồm mạch tích hợp, thiết bị viễn thông, radar và máy tính cao cấp... Trước đây, các sản phẩm này được miễn trừ xin giấy phép nếu chúng được xuất khẩu vì mục đích phi quân sự và để các thực thể phi quân sự sử dụng.

Theo giới quan sát, Mỹ sẽ tiếp tục đẩy mạnh cuộc chiến công nghệ chống lại Trung Quốc trong thời gian tới. Giáo sư Trần Ba của Đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Trung (Trung Quốc) cho rằng lệnh cấm của Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với các công ty viễn thông Trung Quốc không nằm ngoài những cân nhắc về thương mại. Chuyên gia Gong Honglie từ Viện Quan hệ Quốc tế tại Đại học Nam Kinh nhận định, hiện tại, trong các ngành công nghệ cao như chip và vi mạch, các quốc gia khác vẫn không thể làm được nếu không có công nghệ Mỹ. Trong ngắn hạn, khó có nước nào có thể bắt kịp hoặc vượt qua Mỹ trong lĩnh vực này bởi đó là một chuỗi sản xuất phức tạp.

Trung Quốc tìm cách “vượt mặt” Mỹ

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ William Barr hồi tháng 2-2020 từng thừa nhận về khoảng cách trong công nghệ 5G giữa Washington và Bắc Kinh. Ông Barr cho rằng, Mỹ cần hợp tác với giới công nghệ từ các quốc gia khác để chống lại mối đe dọa từ sự dẫn đầu của Trung Quốc trong công nghệ 5G. Theo ông Barr, hiện nay Mỹ không có nhà sản xuất nào có thể cung cấp toàn bộ các giải pháp cho việc xây dựng mạng viễn thông thế hệ mới. Một số ít đối thủ của tập đoàn công nghệ Huawei là các công ty châu Âu Ericsson và Nokia, tuy nhiên, rất khó để họ cạnh tranh với gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc về giá cả. Các doanh nghiệp Trung Quốc như Huawei và ZTE cung cấp khoảng 40% tổng số thiết bị viễn thông trên thế giới. Huawei chiếm hơn 30% thị trường tại EU, trong khi ngay trên “sân nhà” thì Ericsson và Nokia chỉ chiếm chưa đến 1/3 thị phần cho mỗi công ty. Ông Barr nhấn mạnh để cạnh tranh với Huawei, các nhà sản xuất viễn thông châu Âu cần một đòn bẩy tài chính mạnh mẽ, cũng như một thị trường bán hàng rộng lớn. Mỹ có thể đáp ứng cả hai điều này.

Theo nhận định của các nhà phân tích, Mỹ có truyền thống dựa vào các doanh nghiệp tư nhân để thúc đẩy sự đổi mới phát triển. Trong trường hợp của 5G, các công ty tư nhân không phải lúc nào cũng có thể dự đoán đúng xu hướng hoặc huy động được các nguồn lực cần thiết. Nhưng ở Trung Quốc, nhà nước đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực này, phân bổ nguồn lực một cách hiệu quả. Do đó Bắc Kinh đã vượt lên trước.

Trong việc phát triển blockchain (còn gọi là công nghệ chuỗi khối), có ý kiến cho rằng Trung Quốc cũng đang dẫn trước Mỹ. Blockchain là hệ thống cơ sở dữ liệu cho phép lưu giữ và truyền tải các khối thông tin, hay còn gọi là cuốn sổ cái. Đây là công nghệ sổ cái phân tán làm nền tảng cho nhiều ứng dụng, trong đó có đồng tiền số Bitcoin và có tiềm năng sử dụng trong thanh toán xuyên biên giới, quản lý chuỗi cung ứng và sản xuất, có thể giúp cắt giảm vai trò của các trung gian giao dịch như ngân hàng và phòng thanh toán. Theo báo cáo của hãng thông tin thị trường IDC công bố hồi tháng 11-2019, dự báo chi tiêu của Trung Quốc vào công nghệ blockchain sẽ đạt tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm là 65,7% trong thời gian từ năm 2018 đến 2023. Trong năm 2019, phần lớn đầu tư công nghệ blockchain của Trung Quốc là vào ngành ngân hàng. Các ngành sản xuất, bán lẻ, dịch vụ và chế tạo cũng thu hút nhiều đầu tư vào công nghệ blockchain. Về con số cụ thể, IDC cho rằng Trung Quốc sẽ chi khoảng 2 tỷ USD vào năm 2023 để phát triển công nghệ này.

Mỹ sẽ mất vị thế dẫn đầu về công nghệ?

Các nhà quan sát cho biết, 40 năm trước, nhờ ưu thế kinh tế và công nghệ, Mỹ đã thu hút một lượng lớn các chuyên gia đến từ nhiều quốc gia trên thế giới, khiến cho đơn xin cấp bằng sáng chế của Mỹ luôn đứng đầu thế giới. Tuy nhiên, cùng với sự tiến bộ nhanh chóng của Trung Quốc, số lượng đơn xin cấp bằng sáng chế của nước này đã nhanh chóng bắt kịp, thậm chí vượt xa Mỹ.

Theo tuần báo Nikkei Asian Review số ra gần đây, Trung Quốc đã dẫn trước Mỹ với tỷ lệ 9:1 trong lĩnh vực sáng chế công nghệ. Trung-Mỹ đang cạnh tranh vị trí đứng đầu thế giới về khoa học công nghệ trong 10 năm tới. Mặc dù Mỹ vẫn hùng mạnh, nhưng Trung Quốc đã dẫn trước khá xa về trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử, y học tái tạo, điều khiển tự động và máy bay không người lái, chiếm tỉ lệ 40% toàn cầu, bằng tổng của Nhật Bản và Mỹ cộng lại.

Thực tế cho thấy, số lượng ứng dụng bằng sáng chế ở Trung Quốc trong lĩnh vực máy bay không người lái, trí tuệ nhân tạo và blockchain đã tăng lên nhanh chóng trong những năm gần đây. Trong số bốn nhà công nghệ sáng tạo Baidu, Alibaba, Tencent và Huawei, tổng cộng đã có 6.000 đơn xin cấp bằng sáng chế trong 5 năm qua. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Mỹ từng là một nhà lãnh đạo thế giới về khoa học và công nghệ. Tuy nhiên, trong khi Tổng thống Trump không ngừng cắt giảm kinh phí dành cho nghiên cứu khoa học thì Trung Quốc lại tăng cường đầu tư vào lĩnh vực này.

Theo nhận định của các chuyên gia, công nghệ cao sẽ là nội dung hàng đầu được Chính phủ Trung Quốc được quan tâm. Tháng 11-2019, một quỹ trị giá 147,2 tỷ nhân dân tệ (NDT), tương đương 21 tỷ USD, đã được khởi động để nâng cấp ngành công nghiệp sản xuất. Đây là một phần trong ngân sách nghiên cứu và phát triển trị giá 110 tỷ USD mà Trung Quốc mạnh tay đầu tư.

Nhiều ý kiến dự đoán Trung Quốc và Mỹ có thể tiếp tục mâu thuẫn trong đấu trường công nghệ tới 10 năm nữa. Những quan hệ móc xích về công nghiệp kỹ thuật giữa hai nước sẽ bị phá vỡ, thay vào đó sẽ là những tiêu chuẩn công nghệ, những sản phẩm và dịch vụ đối đầu nhau. Trivium, trang nghiên cứu chính sách chuyên theo sát tình hình chính trị và kinh tế Trung Quốc, cho rằng khoa học và công nghệ sẽ là “đấu trường quan trọng” trong cuộc “cạnh tranh siêu cường” Mỹ-Trung.

Theo TTXVN