Phát triển nghề khai thác thủy sản theo hướng hiện đại và bền vững

Xác định khai thác thủy sản là một trong những ngành quan trọng trong phát triển kinh tế biển, thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo tập trung triển khai thực hiện Đề án tổ chức lại nghề khai thác thủy sản tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2013 - 2020 theo hướng hiện đại và bền vững đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Đề án hướng tới mục tiêu khai thác thủy sản đảm bảo an toàn, ổn định, bền vững, khai thác một cách hợp lý nguồn lợi tự nhiên phù hợp với định hướng phát triển ngành. Đồng thời, gắn với nhiệm vụ an ninh, quốc phòng trên từng vùng biển, tham gia cùng với lực lượng quốc phòng tạo ra thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân. Lấy hiệu quả kinh tế làm động lực, không chỉ nhắm tới lợi ích trước mắt của cá nhân, của ngành, địa phương mà phải đặt trong mối quan hệ tổng thể phát triển kinh tế-xã hội lâu dài của tỉnh và đất nước.

Ngư dân Ninh Hải chuẩn bị ngư lưới cụ vươn khơi bám biển. Ảnh: V.M

Theo đó, đến năm 2020 chuyển đổi 100% các hộ khai thác hải sản bằng các hình thức mang tính hủy diệt nguồn lợi sang các nghề thích hợp; giảm 25% số lượng tàu cá có tổng công suất máy chính nhỏ dưới 20CV. Toàn tỉnh có 833 tàu cá trên 90CV thường xuyên hoạt động khai thác tại vùng khơi; trong đó, 100 - 120 tàu cá hoạt động khai thác tại các vùng biển xa; 100% số tàu là thành viên các tổ, đội ngư dân đoàn kết sản xuất trên biển. Nhân rộng tổ chức hợp tác xã, nghiệp đoàn nghề cá sản xuất theo chuỗi sản phẩm khép kín từ cung ứng hậu cần, khai thác, vận chuyển đến thu mua, chế biến, tiêu thụ theo mô hình có tàu dịch vụ hậu cần trên ngư trường. Giám sát hành trình 100% tàu cá hoạt động tại vùng khơi. Phấn đấu đưa tổng sản lượng khai thác hải sản hàng năm tăng trưởng bình quân từ 1,8 - 2,2%; trong đó, sản lượng khai thác thủy sản tại vùng khơi đạt 60 - 75% tổng sản lượng thủy sản khai thác toàn tỉnh.

Để đạt được mục tiêu trên, nhiệm vụ đặt ra cho ngành chức năng, các địa phương là tổ chức lại sản xuất nghề khai thác thủy sản trên các vùng bờ, vùng lộng và vùng khơi. Nâng cao năng lực quản lý hoạt động khai thác thủy sản. Tổ chức lại dịch vụ hậu cần phục vụ khai thác thủy sản. Các dự án ưu tiên thực hiện Đề án là xây dựng mô hình chuyển đổi nghề; hỗ trợ đóng mới tàu dịch vụ hậu cần trên biển; nghiên cứu cải tiến một số nghề khai thác thủy sản.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, qua thời gian nỗ lực thực hiện Đề án, đến nay cơ bản đạt được các mục tiêu đề ra. Nổi bật là đã hoàn thành công tác phân định ranh giới quản lý hoạt động khai thác thủy sản tại vùng ven bờ giáp ranh giữa Ninh Thuận với Khánh Hòa và Ninh Thuận với Bình Thuận. Thực hiện phân cấp 100% nhiệm vụ quản lý tàu cá gắn máy có tổng công suất máy chính nhỏ dưới 20CV và vùng nước ven bờ cho UBND cấp huyện, thành phố. Tính đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh có 511 tàu cá công suất dưới 20CV, giảm 706 chiếc so với trước khi thực hiện Đề án, vượt mục tiêu đề ra hơn 26%. Cơ bản chấm dứt hoạt động khai thác thủy sản bằng nghề vây rút mùng; chuyển đổi 100% các hộ khai thác thác bằng các hình thức mang tính hủy diệt nguồn lợi trên các thủy vực nội địa sang nghề thích hợp. Chi cục Thủy sản đã thu hồi giấy phép khai thác của 236 tàu cá trong tổng số 276 tàu hoạt động nghề vây rút mùng. Qua công tác tuyên truyền, hướng dẫn, đến nay có 41 tàu cá chuyển nghề vây rút mùng sang nghề khai thác thân thiện môi trường, bền vững, như: lưới vây thưa, câu, lưới chụp...

Ngư dân thị trấn Khánh Hải (Ninh Hải) vươn khơi khai thác hải sản. Ảnh: Văn Nỷ

Về mục tiêu nhân rộng tổ chức hợp tác xã, nghiệp đoàn nghề cá sản xuất theo chuỗi giá trị khép kín cũng được quan tâm thực hiện. Hiện tại, toàn tỉnh có 1.184 tàu công suất từ 90 CV trở lên, vượt mục tiêu đề ra 351 chiếc; trong đó, 770 chiếc có chiều dài từ 15m trở lên đủ điều kiện hoạt động tại vùng khơi. Tính đến đầu tháng 5-2020, toàn tỉnh có 587 tàu cá được gắn thiết bị giám sát hành trình, chiếm 76,2% số lượng tàu cá hoạt động khai thác thủy sản vùng khơi. Hướng tới đạt mục tiêu nhân rộng tổ hợp tác xã, nghiệp đoàn nghề cá sản xuất theo chuỗi sản phẩm khép kín, Chi Cục thủy sản đang phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh xây dựng thí đểm mô hình nghiệp đoàn nghề cá trên biển tại xã Phước Diêm (Thuận Nam); phối hợp với cơ quan chức năng đào tạo 6.364 thuyền viên tàu cá; trong đó, 2.607 thuyền trưởng, 1.213 máy trưởng, số còn lại là thuyền viên.

Kết quả đạt được góp phần thúc đẩy nghề khai thác thủy sản phát triển lên tầm cao mới. Tuy vậy, theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, quá trình thực hiện Đề án gặp một số khó khăn, vướng mắc nhất định cần sớm được tháo gỡ. Mặc dù thời gian qua các cấp, ngành đã tích cực vận động một số tàu chuyển đổi sang các nghề phù hợp, nhưng vẫn còn một bộ phận ngư dân chưa tự giác trong việc chấp hành các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Số lượng tàu cá hoạt động bằng nghề vây rút mùng vẫn không giảm theo đúng mục tiêu của Đề án đặt ra. Đồng chí Nguyễn Khắc Lâm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Để tháo gỡ những khó khăn trên, sở đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm ngăn chặn hành vi khai thác thủy sản trái phép, chấm dứt tình trạng sử dụng chất nổ, hóa chất độc và ngư cụ có mắt lưới nhỏ để khai thác thủy sản.