Ngày làm việc thứ 3, kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV:

Quốc hội nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIV tại Nhà quốc hội (Hà Nội), ngày 22-5, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021; điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020.

Tại điểm cầu tỉnh ta, tham dự có các đồng chí: Nguyễn Bắc Việt, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh; Nguyễn Thị Hồng Hà, UVTV Tỉnh uỷ, Phó Trưởng đoàn chuyên trách ĐBQH đơn vị tỉnh; Đàng Thị Mỹ Hương, Trưởng Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh, đại biểu quốc hội; Đại tá Phạm Huyền Ngọc, Uỷ viên Uỷ Ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, đại biểu quốc hội.

Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh họp trực tuyến tại điểm cầu tỉnh ta.

Trong phiên làm việc buổi sáng, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội đã nghe Phó Thủ tướng, Bộ Trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Thoả thuận quốc tế; Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thoả thuận quốc tế. Tiếp đó, Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2021 và Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của năm 2020. Phần lớn thời gian còn lại của phiên làm việc buổi sáng, đã có 21 đại biểu tham gia phát biểu ý kiến, thảo luận trực tuyến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng, pháp lệnh năm 2020.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng các ý kiến thảo luận của các ĐBQH rất sôi nổi, phong phú, thẳng thắn với tinh thần trách nhiệm cao. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ giao thường trực Ủy ban Pháp luật phối hợp với Bộ Tư pháp, các cơ quan tổ chức hữu quan giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến của ĐBQH để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại những phiên họp tới.

Trong phiên làm việc buổi chiều, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội đã nghe Bộ Trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Tiếp theo, chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đã trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chính lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Tiếp đó, Quốc hội đã thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Sau thảo luận, cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.