Hiệu quả chương trình tín dụng ưu đãi giải quyết việc làm

Chính sách cho vay ưu đãi trong hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng giải quyết việc làm (GQVL) của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh ngày càng phát huy hiệu quả tích cực. Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp; hỗ trợ vốn vay cho người lao động (LĐ) trên địa bàn tỉnh có điều kiện đầu tư khởi nghiệp, mở rộng quy mô sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập.

Chương trình cho vay Quỹ Quốc gia GQVL được NHCSXH tỉnh triển khai từ năm 2003 sau khi nhận bàn giao từ Kho bạc nhà nước. Kế thừa và phát huy kinh nghiệm trong việc quản lý tín dụng ưu đãi, hoạt động cho vay GQVL luôn được duy trì thường xuyên, chất lượng; đảm bảo mục tiêu giải ngân đúng theo kế hoạch, đáp ứng tốt nhu cầu vay vốn của người LĐ. Ông Lê Minh Lộc, Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh, cho biết: Chính sách tín dụng ưu đãi về cho vay GQVL của Chính phủ được xem là một trong những chương trình mang tính thiết thực, thúc đẩy nhanh quá trình giảm nghèo bền vững và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Hàng năm, căn cứ vào nhu cầu vốn vay từ các huyện, thành phố và dựa trên kinh phí phân bổ tín dụng của NHCSXH Việt Nam, Chi nhánh NHCSXH tỉnh, phòng giao dịch các huyện tổ chức tham mưu cho Trưởng Ban Đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh và các địa phương giao chỉ tiêu kế hoạch đến các xã, phường, thị trấn; đồng thời, thực hiện linh hoạt các biện pháp cân đối, thu hồi các khoản vay đến hạn để tổ chức giải ngân vốn kịp thời đến các đối tượng có nhu cầu vay. Trong đó, ưu tiên cho các chương trình, dự án sử dụng nhiều LĐ và vốn để cho vay GQVL đối với những đối tượng là thanh niên, phụ nữ khởi nghiệp.

Từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm của NHCSXH, giúp người lao động trên địa bàn tỉnh có điều kiện đầu tư phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp.

Trên cơ sở bám sát các định hướng, chủ trương phát triển kinh tế ở từng khu vực địa phương, nhiều LĐ sau khi được vay vốn đã tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, xây dựng các mô hình kinh tế nông nghiệp, nông thôn; phát triển ngành nghề truyền thống… mở ra hướng đi mới trong việc nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống gia đình. Đơn cử như hộ anh Ea-Xít Thơ, ở thôn Bà Râu 1, xã Lợi Hải (Thuận Bắc), năm 2014 được vay 20 triệu đồng vốn GQVL từ NHCSXH huyện. Từ số tiền này, anh cải tạo đất, từng bước mở rộng diện tích trồng cây điều lên gần 1 ha; ngoài ra, anh còn canh tác 3,5 sào lúa và chăn nuôi 6 con bò sinh sản; sau khi trừ chi phí, gia đình anh thu lãi gần 100 triệu đồng/năm. Còn đối với gia đình chị Phú Thị Tráng, khu phố 12, thị trấn Phước Dân (Ninh Phước), cũng nhờ nguồn vốn GQVL giúp chị tiếp tục duy trì và phát triển nghề làm gốm truyền thống của gia đình. Chị Tráng, chia sẻ: Năm 2019, sau khi được NHCSXH huyện tạo điều kiện vốn vay 50 triệu đồng, tôi nâng cấp sân phơi và xây dựng lò nung. Nhờ đó, sản phẩm gốm làm ra nhanh hơn, cải thiện đáng kể thu nhập, tạo thêm việc thường xuyên cho 4 LĐ trong vùng.

Tính đến ngày 30-4-2020, tổng dư nợ của 15 chương trình tín dụng ưu đãi của NHCSXH tỉnh đạt 2.203 tỷ đồng, với trên 75,6 ngàn khách hàng (KH) vay vốn; trong đó, dư nợ chương trình cho vay GQVL đạt 108,23 tỷ đồng, chiếm 4,91% trong tổng số dư nợ của toàn chi nhánh, với 3.972 KH vay, bình quân khoảng 27 triệu đồng/KH. Đặc biệt hơn, thông qua chương trình tín dụng cho vay GQVL theo Nghị định số 74/2019/NĐ-CP, ngày 23-9-2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 61/2015/NĐ-CP, ngày 9-7-2015 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ GQVL ban hành trước đây, đã tạo nhiều ưu đãi thuận lợi hơn cho người LĐ. Cụ thể, thông qua Nghị định mới này, đối với các cơ sở sản xuất-kinh doanh, mức vay tối đa sẽ được nâng lên 2 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng cho 1 người LĐ, cao gấp đôi so với mức cho vay trước đây; thời hạn vay vốn tối đa đến 120 tháng, lãi suất được áp dụng bằng với lãi suất tín dụng dành cho hộ cận nghèo là 7,92%/năm; một số trường hợp đặc thù đối với người LĐ là đồng bào dân tộc thiểu số, sinh sống tại vùng khó khăn, người khuyết tật được áp dụng mức lãi suất chỉ 3,96%/năm. Theo đó, từ ngày 8-11-2019 đến 30-4-2020, doanh số cho vay QGVL theo Nghị định mới của NHCSXH tỉnh đạt 41,5 tỷ đồng/1.120 lượt KH vay vốn, tổng dư nợ tăng thêm 30,24 tỷ đồng.

Hướng tới mục tiêu mở ra nhiều cơ hội việc làm cũng như đáp ứng tốt nhu cầu vay vốn cho người LĐ trong thời gian tới, ông Lê Minh Lộc, cho biết thêm: Cùng với nguồn kinh phí phân bổ từ NHCSXH Việt Nam, hiện tại đơn vị đang phối hợp với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội xây dựng đề án cho vay GQVL để tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh bổ sung thêm ngân sách địa phương để tạo thêm nguồn vốn cho vay GQVL. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp người LĐ nâng cao hiệu quả sử dụng vốn; tiếp cận khoa học-kỹ thuật, xây dựng các mô hình phát triển sản xuất phù hợp.