Cây thuốc quanh ta: Cây Hương Phụ

Còn gọi là củ gấu, cỏ gấu, cỏ cú.

Tên khoa học Cyperus rotundus L.

Thuộc họ Cói Cyperaccae

I. Mô tả cây:

Cây cỏ gấu là một loại cỏ khó tiêu diệt đối với nhà nông, nhưng là một vị thuốc quý nếu biết sử dụng. Các nhà đông y thường truyền nhau câu: “Nam bất thiểu trần bì, nữ bất ly hương phụ” có nghĩa là chữa bệnh cho nam giới không thể thiếu được vị trần bì và chữa bệnh cho nữ giới không thể không dùng vị hương phụ.

Trong khi làm cỏ nếu biết xử lý thì vừa giải quyết được một loại cỏ dại vừa có thêm một vị thuốc quý.

Cỏ gấu là một loại cỏ sống lâu năm, cao 20-60cm, thân rễ phát triển thành củ, tùy theo đất rắn hay xốp củ phát triển to hay nhỏ, ở vùng bờ biển củ to dài còn gọi là hải hương phụ (hương phụ vùng biển). Lá nhỏ hẹp, ở giữa lưng có gân nổi lên, cứng và bóng, phần dưới lá ôm lấy thân cây.

Vào tháng 6 trên ngọn cây có 3 đến 8 cụm hoa hình tán màu xám nâu, hoa lưỡng tính, 3 nhị dài chừng 2mm, nhụy có đầu núm chia thành 2 nhánh như lông tơ. Quả 3 cạnh màu xám.

II. Tác dụng dược lý: Đã được nghiên cứu

1. Theo Trương Phát Sơ, Trương Diệu Đức và Lưu Thiệu Quang (1935, Trung hoa y học tạp chí tập 1, kỳ 2: 148-156) đã dùng vị hương phụ nguồn gốc ở tỉnh Quảng Đông, nhưng bán ở Nam Kinh chế thành cao lỏng 5%, tiến hành thí nghiệm 102 lần trên tử cung cô lập của thỏ, mèo, chó và chuột bạch đã chứng minh hương phụ có khả năng ức chế sự co bóp của tử cung, làm dịu sự căng thẳng của tử cung dù con vật có thai hay không có thai đều như nhau, gần như có tác dụng trực tiếp làm cho cơ tử cung dịu lại. So sánh tác dụng của cao lỏng hương phụ và cao lỏng đương quy (một vị thuốc bắc hiện nay còn phải nhập có tác dụng chữa bệnh phụ khoa) thì tác dụng giống nhau, nhưng tác dụng của đương quy thì mạnh hơn.

2. Năm 1959, một số tác giả ở Quí Dương y học viện (Trung Quốc) báo cáo nghiên cứu và chứng minh tác dụng giảm đau trên chuột nhắt trắng.

III. Công dụng và liều dùng:

Hương phụ là một vị thuốc kinh nghiệm nhân dân. Tính chất của hương phụ trong các sách cổ: vị cay, hơi đắng, ngọa, vào hai kinh can và tam tiêu. Có tác dụng lý khí, giải uất, điều kinh, chỉ thống (làm hết đau), chữa khí uất, ung thư, ngực bụng chướng đau.

Hương phụ thường được dùng:

1. Chữa kinh nguyệt không đều, thấy kinh đau bụng, viêm tử cung mãn tính, các bệnh phụ nữ trước và sau khi sinh nở.

2. Đau dạ dày do thần kinh, giúp sự tiêu hóa, ăn không tiêu, chữa nôn mửa, đau bụng, đi lỵ.

Ngày dùng 6 đến 12 gam dưới dạng thuốc sắc, thuốc bột hay thuốc viên hoặc rượu thuốc.