Tương lai nào cho quan hệ Mỹ - Trung hậu COVID-19?

Đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 không chỉ thay đổi trật tự thế giới mà còn tác động lớn và tiêu cực đến quan hệ giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ và Trung Quốc.

Quan hệ song phương bị cắt đứt?

Mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington đã xấu đi nhanh chóng trong những tháng gần đây sau khi Tổng thống Trump và một số quan chức cấp cao Mỹ cáo buộc Trung Quốc không cảnh báo cho thế giới mức độ nghiêm trọng của COVID-19 dẫn đến sự lây lan dịch bệnh trên toàn cầu và khiến kinh tế thế giới suy thoái. Tuy nhiên, Trung Quốc đã bác bỏ cáo buộc trên, khẳng định nước này luôn minh bạch thông tin.

Trả lời phỏng vấn kênh Fox Business Network ngày 14-5-2020, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bày tỏ thất vọng khi Trung Quốc ban đầu không kiểm soát được đại dịch COVID-19. Ông Trump cho rằng dịch bệnh đã gây tổn hại đến thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung đạt được hồi tháng 1-2020 - thỏa thuận từng được ông ca ngợi là một thành tựu lớn. Tổng thống Mỹ cũng nói rằng ông không muốn đối thoại với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở thời điểm hiện tại, đồng thời nhấn mạnh thậm chí có thể cắt đứt quan hệ với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Trong khi đó, phản ứng trước tuyên bố của Tổng thống Mỹ, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 15-5 khẳng định: Mối quan hệ song phương ổn định Trung-Mỹ mang lại lợi ích cho cả hai nước. Người phát ngôn bộ này Triệu Lập Kiên cho rằng Mỹ cần hợp tác với Trung Quốc để đạt được mối quan hệ ổn định.

Theo trang Foundation for Defense of Democracies, sự cạnh tranh quyền lực giữa Mỹ và Trung Quốc đang nóng dần lên. Mỹ đang dùng tất cả các nỗ lực nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc, khi mà chính quyền Tổng thống Trump đang đổ lỗi cho Trung Quốc về thất bại trong kiềm chế dịch bệnh COVID-19. Trong khi đó, bài viết của tác giả Doug Bandow trên tạp chí Foreing Policy cho rằng Mỹ cần phải khôn khéo vạch ra chiến lược hợp lý để đối phó với những thách thức mà Trung Quốc đang đặt ra, đồng thời vẫn duy trì mối quan hệ với quốc gia châu Á này.

Đổ vỡ thỏa thuận thương mại?

Hồi giữa tháng 1-2020, Mỹ và Trung Quốc đã chính thức ký thỏa thuận thương mại Giai đoạn 1, chấm dứt căng thẳng thương mại kéo dài gần hai năm giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. Theo đó, Trung Quốc cam kết mua thêm lượng hàng hóa trị giá 200 tỷ USD từ Mỹ trong hai năm tới. Cụ thể, Trung Quốc sẽ mua thêm 32 tỷ USD các mặt hàng nông nghiệp, bao gồm thịt bò, đậu nành và hải sản, 52,4 tỷ USD sản phẩm năng lượng, bao gồm khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), dầu thô và than đá, 37,9 tỷ USD hàng hóa dịch vụ và 77,7 tỷ USD hàng hóa công nghiệp. Đổi lại, Washington sẽ không áp thuế đối với 160 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc, ban đầu dự kiến có hiệu lực từ ngày 15-12-2019, đồng thời hạn chế một số mức thuế đã áp với hàng hóa Trung Quốc.

Tuy nhiên, Tổng thống Trump hôm 11-5 khẳng định không ủng hộ Mỹ mở lại các cuộc đàm phán với Trung Quốc về thỏa thuận thương mại Giai đoạn 1. Washington cũng đang hoài nghi về việc Bắc Kinh tôn trọng cam kết mua 200 tỷ USD hàng hóa của Mỹ. Thực tế thì Trung Quốc cũng đang làm chậm cam kết của nước này. Họ đã mua thêm đậu tương và năng lượng từ Mỹ, song cũng tăng lượng mua từ các nước khác và giảm hơn 2 lần tỷ lệ mua trong số còn lại của khung thời gian hai năm của thỏa thuận.

Trong khi đó, Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc trước đó một ngày dẫn các nguồn tin thân cận với Chính phủ Trung Quốc cho hay, nhiều cố vấn chính phủ đang hối thúc các cuộc đàm phán mới và có thể hủy bỏ thỏa thuận thương mại nói trên.

Theo nhận định của tờ The Business Times, ngày càng có dấu hiệu cho thấy cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung giờ đây đang dần biến thành một cuộc chiến về công nghệ và chính trị. Mặc dù lợi ích của cả hai nước là duy trì mối quan hệ theo đúng lộ trình vì sự không tuân thủ hoàn toàn thỏa thuận thương mại này có thể làm gia tăng mức độ suy giảm kinh tế hiện nay. Nhưng khi những căng thẳng Mỹ-Trung tiếp tục tăng lên, thỏa thuận thương mại Giai đoạn 1 giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể không tồn tại sau đại dịch COVID-19. Chính vì vậy, các nhà phân tích cho rằng, thay vì chấm dứt hoàn toàn thỏa thuận thương mại Giai đoạn 1, cả hai bên có thể quyết định việc thực hiện thỏa thuận ở mức tối thiểu “để giữ thể diện”.

Leo thang cuộc chiến công nghệ

Các biện pháp hạn chế mới của Mỹ nhằm vào Tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc tiếp tục làm leo thang căng thẳng cuộc cạnh tranh giành quyền kiểm soát công nghệ toàn cầu giữa hai cường quốc.

Trung Quốc ngày 16-5-2020 đã hối thúc Mỹ chấm dứt “sự cấm đoán vô lý đối với Tập đoàn Huawei và các doanh nghiệp Trung Quốc”, sau khi Washington công bố các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới nhằm hạn chế nguồn cung cấp chất bán dẫn cho Huawei. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng các hành động của chính quyền Mỹ “hủy hoại nền sản xuất, chuỗi cung ứng và giá trị toàn cầu”. Trước đó, ngày 15-5, Bộ Thương mại Mỹ thông báo sẽ sửa đổi một quy định xuất khẩu nhằm hạn chế hoạt động thu mua chất bán dẫn của Huawei. Chất bán dẫn này vốn là các sản phẩm trực tiếp của công nghệ và phần mềm của Mỹ.

Huawei là nhà cũng cấp thiết bị viễn thông hàng đầu thế giới và tiên phong trong lĩnh vực công nghệ 5G. Hồi năm 2019, Mỹ đã cấm Huawei cung cấp dịch vụ cho các hệ thống của Chính phủ Mỹ đồng thời khuyến cáo các lĩnh vực tư nhân không sử dụng thiết bị của Huawei. Washington lâu nay cho rằng hai tập đoàn Huawei và ZTE của Trung Quốc có quan hệ chặt chẽ với chính phủ và các thiết bị từ các nhà sản xuất này có thể được sử dụng để do thám các quốc gia và công ty khác. Trong khi đó, hai công ty này luôn bác bỏ cáo buộc trên của Mỹ.

Hôm 27-4 vừa qua, Mỹ công bố các biện pháp hạn chế xuất khẩu mới đối với Trung Quốc, ngăn chặn Trung Quốc sở hữu các thiết bị sản xuất chất bán dẫn và công nghệ tiên tiến khác qua đường thương mại dân sự, sau đó chuyển cho quân sự sử dụng. Quy định mới của Bộ Thương mại Mỹ yêu cầu, trong trường hợp các công ty Mỹ muốn bán sản phẩm liên quan tới quân sự cho Trung Quốc, dù người mua là dân sự thì cũng phải xin phép và được Bộ Thương mại thông qua. Bộ Thương mại Mỹ còn bãi bỏ miễn trừ đối với việc xuất khẩu các sản phẩm dân dụng, bao gồm mạch tích hợp, thiết bị viễn thông, radar và máy tính cao cấp... Trước đây, các sản phẩm này được miễn trừ xin giấy phép nếu chúng được xuất khẩu vì mục đích phi quân sự và để các thực thể phi quân sự sử dụng.

Về vấn đề này, nhiều chuyên gia cho rằng không đợi tới khi đại dịch COVID-19 qua đi và cuộc chiến thương mại hạ nhiệt, cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung đã nóng lên. Và trong tương lai, dự báo cuộc chiến này sẽ tiếp tục tăng cường độ. Theo giới quan sát, khi nền kinh tế toàn cầu dần phục hồi sau đại dịch COVID-19, việc thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung Giai đoạn 1 bị phá vỡ hoàn toàn sẽ có tác động tiêu cực đối tăng trưởng của cả Mỹ và Trung Quốc. Và hệ quả là nó có thể làm tê liệt lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc. Ông Shaun Roache, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á-Thái Bình Dương thuộc công ty dịch vụ tài chính S&P Global, đánh giá: “Mối đe dọa về việc áp đặt các mức thuế quan cao hơn và cuộc “Chiến tranh lạnh” về công nghệ đang trở nên mạnh mẽ có thể làm gián đoạn thương mại và đầu tư về công nghệ, làm mất đi năng lượng của lĩnh vực công nghệ - vốn vẫn hứa hẹn là một động cơ cho sự phục hồi trong năm 2020”.

Theo TTXVN