Sau gần 2 năm triển khai thực hiện Luật Thủy sản 2017

Thời gian qua, Chi cục Thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tích cực phối hợp với các sở, ngành liên quan, các địa phương ven biển đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đưa Luật Thủy sản năm 2017 vào cuộc sống, tạo chuyển biến tích cực trong nâng cao nhận thức cho ngư dân chấp hành các quy định khai thác thủy sản.

Luật Thủy sản năm 2017 (luật mới) có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2019 với nhiều điểm mới, như: Quy định về cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản mà luật cũ năm 2003 không đề cập đến; quy định quyền cấp hạn ngạch khai thác về các địa phương, xã hội hóa đăng kiểm tàu cá để phù hợp với luật pháp quốc tế về bảo vệ, bảo tồn nguồn lợi thủy sản. Đặc biệt, đã luật hóa các nội dung liên quan đến vấn đề IUU (đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định), trong đó có khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) đối với thủy sản Việt Nam.

Xác định việc triển khai thực hiện luật mới có hiệu quả sẽ tạo bước ngoặt đối với ngành Thủy sản chuyển hướng phát triển bền vững, nên Chi cục Thủy sản đã tích cực phối hợp tổ chức nhiều lớp tập huấn, tọa đàm tuyên truyền các nội dung của luật, các văn bản dưới luật có liên quan cho chủ tàu, thuyền trưởng, thuyền viên, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật của ngư dân. Theo báo cáo của Chi cục Thủy sản, từ đầu năm đến nay đơn vị đã tổ chức 3 lớp tuyên truyền về quy định mới của luật, với 180 ngư dân tham gia. Các hoạt động tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng về cấm khai thác thủy sản bất hợi pháp cũng được tăng cường. Ngư dân Trần Công Bình, ở phường Đông Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm), chủ tàu cá đóng mới có công suất 800CV từ vốn tín dụng ưu đãi theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ làm nghề lưới rê, cho biết: Nhờ được ngành chức năng tuyên truyền, tập huấn, nên hầu hết ngư dân, đặc biệt là những người tham gia khai thác xa bờ đều nắm rõ, tuân thủ các quy định của luật mới, như ghi nhật ký khai thác để truy xuất nguồn gốc thủy sản, quản lý tàu cá theo hạn ngạch.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý hoạt động khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo quy định của luật mới, ngành chức năng khuyến khích ngư dân tuân thủ quy định lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Đến nay, toàn tỉnh có 19/20 tàu có chiều dài từ 15 m trở lên lắp thiết bị giám sát hành trình. Thực hiện cấp mới, cấp đổi 797 giấy phép khai thác thủy sản theo luật mới; triển khai đánh dấu tàu cá cho 875 tàu; cấp giấy chứng nhận cho 5 cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá trên địa bàn tỉnh. Triển khai đăng kiểm tàu cá theo Thông tư số 23/2018/TT ngày 15-1-2018 của Bộ NN&PTNT. Theo lãnh đạo Chi cục Thủy sản, chuyển biến tích cực nhất trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động khai thác thủy sản xa bờ là việc ban hành quyết định giao hạn ngạch giấy phép khai thác và lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá đã góp phần ngăn chặn tình trạng vi phạm vùng biển nước ngoài.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai thực hiện luật mới vẫn còn gặp những khó khăn nhất định. Tại cuộc họp nghe báo cáo kết quả luật mới do UBND tỉnh tổ chức vào ngày 7-5 vừa qua, đồng chí Nguyễn Khắc Lâm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Luật mới quy định UBND cấp tỉnh xác định hạn ngạch giấp phép khai thác thủy sản, sản lượng cho phép khai thác theo loài tại vùng ven bờ và vùng lộng thuộc phạm vi quản lý trên cơ sở kết quả điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của loài thủy sản tại vùng ven bờ, vùng lộng của địa phương. Tuy nhiên, hiện tại công tác nghiên cứu, đánh giá chưa tổ chức thực hiện được, nên không có cơ sở để xác định hạn ngạch cấp giấy phép khai thác thủy sản tại vùng biển thuộc phạm vi quản lý của tỉnh. Bộ NN&PTNT khống chế chỉ tiêu khai thác, giao hạn ngạch giấy phép vùng khơi cho Ninh Thuận là 585 tàu, do vậy các tàu đóng mới, thay thế không còn chỉ tiêu giấy phép khai thác. Sở NN&PTNT đã đề xuất với Bộ NN&PTNT bổ sung thêm 199 chỉ tiêu nhưng đến nay vẫn chưa có phản hồi. Theo Quyết định số 235/TCTS-KTTS ngày 13-4-2020 của Tổng cục Thủy sản, tỉnh ta chỉ được công nhận và cấp giấy chứng nhận cơ sở đăng kiểm tàu cá loại III và chỉ được thực hiện đăng kiểm đối với tàu cá có chiều dài dưới 15 m. Điều này gây khó khăn cho tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên (toàn tỉnh có 769 tàu) phải ra ngoài tỉnh đăng kiểm mất thời gian, tốn thêm chi phí.

Theo đồng chí Nguyễn Khắc Lâm, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trên, hiện nay ngành Thủy sản đang khẩn trương tuyển dụng kỹ sư điện đưa đi đào tạo nghiệp vụ đăng kiểm; đồng thời, hỗ trợ ngư dân khi có nhu cầu ra tỉnh ngoài đăng kiểm. Sở NN&PTNT cũng đã đề xuất Bộ NN&PTNT xem xét chỉ đạo tổ chức điều tra, nghiên cứu, thông báo kết quả đánh giá nguồn lợi thủy sản tại vùng ven bờ, vùng lộng để tỉnh có sơ sở xác định, phê duyệt hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản tại vùng biển thuộc phạm vi quản lý của tỉnh. Cùng với đó, Chi cục Thủy sản đang khẩn trương lập kế hoạch bổ sung trang thiết bị, con người theo quy định để đề nghị Tổng cục Thủy sản công nhận cơ sở đăng kiểm loại II.

Với việc đề ra các giải pháp khắc phục khó khăn trong thực hiện luật mới, tin rằng ngành Thủy sản sẽ có bứt phá theo hướng chú trọng khai thác xa bờ, gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản.