Tập trung triển khai hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ

Nhằm chia sẻ khó khăn, bảo đảm cuộc sống của người lao động (LĐ) cả nước, góp phần ổn định xã hội, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Để người dân nắm rõ tình hình triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh, phóng viên Báo Ninh Thuận có cuộc phỏng vấn đồng chí Hà Anh Quang, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) xung quanh vấn đề này.

* Phóng viên: Xin đồng chí cho biết là tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh đến nay như thế nào?

- Đồng chí Hà Anh Quang: Trên cơ sở Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày, Sở LĐ-TB&XH đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1496/KH-UBND về việc hỗ trợ người dân trong đại dịch COVID-19. Trên cơ sở đề nghị của UBND các huyện, thành phố; sở đã tổng hợp, trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt danh sách, hỗ trợ cho 4 nhóm đối tượng gồm: Người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội. Tổng số đối tượng đề nghị hỗ trợ 118.976 đối tượng, với tổng kinh phí hỗ trợ 105.285 triệu đồng. Sau khi được phê duyệt, UBND các huyện, thành phố bắt đầu thực hiện chi hỗ trợ cho 4 nhóm đối tượng trên từ chiều ngày 29-4-2020 đến hết ngày 9-5-2020 đã chi trả cho 118.055 đối tượng, với kinh phí 104.546 triệu đồng (đạt 99,23% so với danh sách phê duyệt). Số còn lại chưa chi chủ yếu do một số đi khỏi địa phương; một số trường hợp đã cắt khẩu, đã chết nhưng vẫn lập danh sách hoặc lập danh sách có sự trùng lắp giữa nhóm đối tượng hưởng 2 chế độ. Còn một số ít (khoảng 20 trường hợp) không có tại địa phương, không có thân nhân nên chưa chi trả.

Hiện nay, các địa phương đang thực hiện xác minh, hậu kiểm tra để việc chi trả không bị trùng lắp, sai quy định. Trong quá trình cấp phát luôn có sự giám sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam và đoàn thể ở địa phương. Ngoài ra để đảm bảo triển khai thực hiện đúng các nội dung yêu cầu của Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 666/QĐ-UBND ngày 9-5-2020 về thành lập Tổ thẩm định thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Bên cạnh đó, Sở LĐ-TB&XH đang tiếp tục tham mưu, phối hợp cùng các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn người sử dụng LĐ và người LĐ thực hiện việc kê khai, lập danh sách các nhóm đối tượng theo quy định của Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg để tổng hợp theo quy định; lập danh sách các nhóm đối tượng ngoài quy định của Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg nhưng thực tế có bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 gây ra để tổng hợp, xin ý kiến cấp thẩm quyền xem xét hỗ trợ.

* Phóng viên: Xin đồng chí cho biết, điều kiện thụ hưởng chính sách đối với nhóm đối tượng còn lại như thế nào?

- Đồng chí Hà Anh Quang: Đối với người LĐ tạm hoãn thực hiện hợp đồng LĐ hoặc nghỉ việc không lương: Điều kiện được hỗ trợ khi có đủ các điều kiện sau:

- Thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương từ 1 tháng liên tục trở lên tính từ ngày 1-4-2020 đến 30-6-2020 và thời điểm bắt đầu tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không hưởng lương từ ngày 1-4-2020.

- Đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

- Làm việc tại các doanh nghiệp không có doanh thu hoặc không còn nguồn tài chính để trả lương do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 (sau khi đã sử dụng hết các quỹ dự phòng).

- Chế độ hỗ trợ: 1.800.000 đồng/người nhân với số tháng thực tế bị tạm hoãn và không quá 3 tháng.

Đối với hộ kinh doanh, điều kiện hỗ trợ do cơ quan thuế xác định tại thời điểm ngày 15-1-2020 đối với hộ kinh doanh dưới 100 triệu đồng và tạm ngừng kinh doanh từ ngày 1-4-2020 theo Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh triển khai thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg  ngày 27-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ.

- Chế độ hỗ trợ: 1triệu đồng/hộ nhân với số tháng thực tế bị ngừng kinh doanh và không quá 3 tháng.

Đối với người LĐ bị chấm dứt hợp đồng LĐ, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp: Được hỗ trợ khi có đủ các điều kiện sau đây: Có giao kết hợp đồng LĐ hoặc hợp đồng làm việc trước thời điểm ngày 1-4-2020 và đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; chấm dứt hợp đồng LĐ hoặc hợp đồng làm việc trong khoảng thời gian từ ngày 1-4-2020 đến hết ngày 15-6-2020 nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định; không có thu nhập hoặc có thu nhập thấp hơn mức chuẩn cận nghèo quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg  của Thủ tướng Chính phủ.

- Chế độ hỗ trợ: 1 triệu đồng/người nhân với số tháng thực tế bị mất thu nhập và không quá 3 tháng.

Đối với người LĐ không có giao kết hợp đồng LĐ bị mất việc làm: Điều kiện hỗ trợ khi có đủ các điều kiện sau: Mất việc làm và có thu nhập thấp hơn mức chuẩn cận nghèo quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19-11-2015 của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian từ ngày 1-4-2020.

- Cư trú hợp pháp tại địa phương

- Thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp, làm một trong những công việc sau: bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; thu gom rác, phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hóa; lái xe mô tô 2 bánh chở khách, xe xích lô chở khách; bán lẻ xổ số lưu động; tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe. Căn cứ vào điều kiện và tình hình thực tế, UBND tỉnh quyết định các đối tượng được hỗ trợ khác ngoài các đối tượng trên từ nguồn ngân sách địa phương và các nguồn huy động hợp pháp khác.

- Chế độ hỗ trợ: 1 triệu đồng/người nhân với số tháng thực tế bị mất thu nhập và không quá 3 tháng.

Đối với người sử dụng LĐ vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người LĐ: Điều kiện vay vốn: Người sử dụng LĐ có từ 20% hoặc từ 30 người LĐ trở lên đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ 1 tháng liên tục trở lên; đã trả trước tối thiểu 50% tiền lương ngừng việc cho người lao động trong khoảng thời gian từ ngày 1-4-2020 đến hết ngày 30-6-2020.

- Đang gặp khó khăn về tài chính, không cân đối đủ nguồn để trả lương ngừng việc cho người LĐ, đã sử dụng hết quỹ dự phòng tiền lương để trả lương cho người LĐ ngừng việc.

- Không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm ngày 31-12-2019.

- Chế độ hỗ trợ: Số tiền được vay bằng ½ lương tối thiểu vùng nhân với số LĐ nhân với số tháng thực tế bị ảnh hưởng (tối đa 3 tháng).

* Phóng viên: Xin đồng chí cho biết, để không xảy ra việc trục lợi chính sách, các cơ quan chức năng và địa phương cần phải làm gì?

- Đồng chí Hà Anh Quang: Trước hết cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong nhân dân bằng nhiều hình thức như hỏi- đáp trên phương tiện thông tin công cộng; lập đường dây nóng công khai số điện thoại để trả lời người dân,... Tiếp theo là đề nghị có sự tham gia chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy các cấp, danh sách trình phê duyệt có sự kiểm tra, xác nhận của cấp ủy các cấp. Ngoài ra cần ban hành kế hoạch triển khai thực hiện kịp thời, theo đó phân công, phân nhiệm rạch ròi, cụ thể cho từng Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố; Ủy ban MTTQ Việt Nam và các Hội, Đoàn thể các cấp lập kế hoạch cùng tham gia giám sát từ giai đoạn đầu tiên là lập danh sách, phê duyệt danh sách đến thực hiện giám sát trong quá trình chi hỗ trợ người dân và tổ chức các đoàn giám sát hậu kiểm sau khi chi của các địa phương. Bên cạnh đó UBND các huyện, thành phố cần rà soát kỹ, tách danh sách từng nhóm đối tượng để kiểm tra sự trùng lặp chế độ hỗ trợ. Ngành cũng sẽ tham mưu UBND tỉnh chi lần lượt cho từng nhóm đối tượng để chủ động trong việc kiểm tra, rà soát sự trùng lặp chế độ hỗ trợ, đồng thời hướng dẫn UBND các huyện, thành phố kịp thời về nội dung điều kiện của từng nhóm đối tượng để việc lập danh sách được thực hiện đúng ngay từ đầu.

* Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!