Gợi ý một số nội dung tập trung thảo luận Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV

LTS: Thực hiện Kế hoạch số 223-KH/TU ngày 20-2-2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thảo luận, góp ý vào dự thảo các văn kiện Đại hội XIII của Đảng và dự thảo văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV. Báo điện tử Ninh Thuận trân trọng giới thiệu về Gợi ý một số nội dung tập trung thảo luận dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV tại đại hội đảng bộ cấp huyện và tương đương.

I- Về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII nhiệm kỳ 2015-2020:

Đề nghị cho ý kiến về:

1. Nhận định, đánh giá tổng quát: Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, Đảng bộ và Nhân dân trong tỉnh đã có nhiều nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thử thách để đạt được những thành quả rất quan trọng: Kinh tế phát triển tích cực trên nhiều mặt; văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, chính trị xã hội ổn định; đời sống Nhân dân được cải thiện; quốc phòng - an ninh được giữ vững; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, có năng lực lãnh đạo, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; tạo những tiền đề quan trọng cho sự phát triển của tỉnh giai đoạn tiếp theo.

2. Kết quả thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đề ra: Đã thực hiện hoàn thành 26/27 chỉ tiêu, trong đó: kinh tế 06/07 chỉ tiêu, xã hội 11/11 chỉ tiêu, môi trường 03/03 chỉ tiêu, quốc phòng – an ninh 03/03 chỉ tiêu, xây dựng Đảng 03/03 chỉ tiêu.

3. Đánh giá về nhận định và những kết quả thực hiện các nhiệm vụ trên các lĩnh vực cụ thể:

- Kinh tế phát triển nhanh, chuyển dịch cơ cấu đúng hướng; tiềm năng, lợi thế bước đầu được khai thác, gắn với đảm bảo môi trường.

- Đầu tư phát triển tăng trưởng khá, cơ cấu nguồn vốn đầu tư chuyển dịch tích cực, nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng.

- Văn hóa, xã hội có nhiều chuyển biến tiến bộ, chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên, an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống của Nhân dân được cải thiện.

- Kinh tế - xã hội miền núi được quan tâm đầu tư và phát triển ổn định.

- Chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng – an ninh được giữ vững và tăng cường, quan hệ đối ngoại được mở rộng.

- Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan Nhà nước được nâng lên, kỷ luật, kỷ cương hành chính được tăng cường.

- Vai trò của Mặt trận, các hội, đoàn thể trong tỉnh được phát huy, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố.

- Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh được triển khai quyết liệt và đạt kết quả tích cực toàn diện.

4. Đánh giá tổng quát kết quả đạt được về: sự toàn diện, mức độ, liều lượng chưa ? nguyên nhân đạt được sát đúng chưa ?.

5. Những hạn chế, khuyết điểm trên các lĩnh vực; nguyên nhân hạn chế, khuyết điểm đã xác đáng, đúng với thực tiễn chưa ?

6. Các bài học kinh nghiệm gồm 05 nhóm vấn đề: (1) Chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, (2) Phát huy truyền thống đoàn kết, nhất trí của Đảng bộ, Nhân dân và củng cố niềm tin của Nhân dân, (3) Đổi mới tư duy lãnh đạo, chỉ đạo, (4) Phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện, (5) Sự chỉ đạo của Trung ương và sử dụng nguồn nhân lực từ bên ngoài đã đầy đủ, phù hợp, sát thực tiễn chưa ?

II- Về phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu giai đoạn 2020-2025

Đề nghị cho ý kiến về:

1. Dự báo tình hình, những thuận lợi, khó khăn cần bổ sung yếu tố nào khác?

2. Phương hướng và mục tiêu đã đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh giai đoạn tới chưa ? Cần bổ sung thêm nội dung gì ?

3. Các chỉ tiêu chủ yếu nêu trong dự thảo Báo cáo (gồm: 05 chỉ tiêu về kinh tế, 05 chỉ tiêu về văn hóa - xã hội, 03 chỉ tiêu về môi trường, 02 chỉ tiêu về quốc phòng – an ninh, 03 chỉ tiêu về xây dựng Đảng) đã thể hiện quyết tâm, năng động, sáng tạo để phấn đấu xây dựng Ninh Thuận trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực và cả nước chưa ?.

4. Nhiệm vụ chủ yếu trên từng ngành, lĩnh vực, cho ý kiến về:

- Về kinh tế:

+ Tiếp tục xác định: “Kinh tế biển trở thành độnglực phát triển của tỉnh; các lĩnh vực trọng điểm, gồm: năng lượng tái tạo, du lịch đẳng cấp cao, nông nghiệp đặc thù ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến và kinh tế đô thị”.

+ Nhiệm vụ cụ thể của từng ngành, lĩnh vực: Phát triển nông nghiệp, công nghiệp – xây dựng, dịch vụ, tài chính – ngân hàng, phát triển các thành phần kinh tế.

+ Nhiệm vụ cụ thể phát triển kinh tế vùng: Vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

+ Nhiệm vụ huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển.

+ Nhiệm vụ quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái; tích cực chủ động thích nghi và ứng phó với biến đổi khí hậu.

- Về văn hóa – xã hội:

+ Nhiệm vụ về giáo dục và đào tạo, nâng cao nguồn nhân lực.

+ Nhiệm vụ phát triển khoa học và công nghệ.

+ Nhiệm vụ phát triển văn hóa, thể dục – thể thao, thông tin, báo chí.

+ Nhiệm vụ nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân và công tác dân số.

+ Thực hiện tốt các chính sách xã hội.

- Về quốc phòng – an ninh, nội chính, đối ngoại.

- Về nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan Nhà nước.

+ Hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp.

+ Hoạt động của Ủy ban nhân dân các cấp.

+ Hoạt động của các cơ quan tư pháp.

- Về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân.

- Xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh.

+ Xác định nhiệm vụ trọng tâm công tác xây dựng Đảng là tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ chủ chốt đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

+ Nhiệm vụ xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức.

+ Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu quả.

+ Nhiệm vụ nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên.

+ Nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ và bảo vệ chính trị nội bộ.

+ Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng.

+ Công tác dân vận.

+ Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

+ Nhiệm vụ đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.

5. Về các nhóm giải pháp

- Năm nhóm giải pháp đột phá: (1) Cơ chế, chính sách, (2) Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, (3) Phát triển nguồn nhân lực, (4) Đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo và tăng cường ứng dụng, chuyển giao khoa học, công nghệ vào sản xuất, (5) Huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực thúc đẩy phát triển.

- Năm giải pháp theo lĩnh vực: (1) Xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, (2) Phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, (3) Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, (4) Phát huy vai trò các đoàn thể và thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, (5) Đảm bảo quốc phòng – an ninh và công tác nội chính.

Các giải pháp đã đầy đủ chưa, đã đủ mạnh để thực hiện phương hướng, mục tiêu và các nhiệm vụ đề ra ? Cần bổ sung thêm giải pháp khác không ?.

6. Về xác định các chương trình, đề án trọng điểm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội, nhất là 07 chương trình, đề án mới trong nhiệm kỳ 2020-2025 đã phù hợp chưa ? Cần bổ sung thêm không ?.

Ngoài những nội dung gợi ý nêu trên, có thể góp ý thêm về bố cục, dung lượng, hình thức trình bày của dự thảo Báo cáo.

BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG BỘ TỈNH