Giải pháp ứng phó với hạn ở thôn Láng Me

Do thời tiết nắng nóng kéo dài, trên địa bàn xã Bắc Sơn (Thuận Bắc) đã có nhiều nơi đang bị hạn đe dọa, trong đó đáng chú ý là một số vùng sản xuất cuối kênh của thôn Láng Me thuộc khu vực tưới hồ Sông Trâu. Đến đây, chúng tôi nhận thấy hệ thống kênh mương nội đồng đã hoàn toàn cạn khô, cây trồng có dấu hiệu thiệt hại và nhiều gia súc thiếu nước uống.

Theo anh Dương Văn Vĩnh, Trưởng trạm Thủy nông huyện Thuận Bắc, hiện nay (tính đến ngày 8-5) dung tích nước hồ Sông Trâu (Phước Chiến), hồ lớn nhất huyện, chỉ còn 1,44 triệu m3/31,53 triệu m3, tức đã gần mực nước chết (1,1 triệu m3). Với hệ thống kênh chính từ đầu nguồn về đến Kiền Kiền dài 12,5 km, từ đây có kênh nhánh N15 dẫn về Láng Me-Bỉnh Nghĩa dài 5 km, hồ Sông Trâu có vai trò chính trong việc cung cấp nước cho sản xuất của xã Bắc Sơn. Riêng tại thôn Láng Me, nhờ nguồn nước này, nông dân canh tác 120 ha diện tích đất nông nghiệp, bao gồm 97 ha ruộng lúa nước và 23 ha đất trồng màu. Thế nhưng vì kênh mương cạn nước nên vụ đông-xuân vừa rồi và cả vụ hè-thu tới, toàn bộ ruộng lúa không xuống giống, ngừng sản xuất. Anh Lê Văn Tuấn, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng Ban Quản lý thôn Láng Me lo lắng nói: “Nếu không có hạn, ruộng ở đây làm được 2 vụ ăn chắc, cho năng suất lúa tươi trung bình 6,5-7 tạ/sào. Giờ bỏ thành đồng khô cỏ cháy, có chút cỏ bò ăn hết rồi cũng bỏ đồng mà đi”. Đối với đất màu, tận dụng nước xả còn sót lại trong kênh dẫn hồ Sông Trâu, một số hộ dân trồng khoảng 19 ha dưa hồng kim, ớt, hành, cỏ chăn nuôi, song giờ nước cạn khô nên việc duy trì cho cây trồng sinh trưởng hết sức khó khăn.

Ông Nguyễn Sang ở thôn Láng Me, khoan giếng dẫn nước bơm tưới cây trồng ứng phó khô hạn.

Bà Nguyễn Thị Lào, nông dân thôn Láng Me, chia sẻ: “Tôi có 2 ha đất màu, năm 2016 được tỉnh hỗ trợ 1.000 cây giống mãng cầu Thái, tôi trồng và chăm sóc tốt nhưng giờ đã héo lá gần sạch. Nếu có mưa lại, mãng cầu chắc không còn đủ sức để phát triển”. Theo quan sát của chúng tôi, ngay cả cây keo gai, cây dừa vốn chịu hạn giỏi giờ cũng xơ xác, khô rũ. Trước tình hình trên, với phương châm “tự cứu mình trước khi trời cứu”, người dân Láng Me đã nỗ lực, vượt khó, tìm cách đào ao ứng phó với hạn. Để cứu cây trồng, anh Phạm Bình, nông dân trong thôn, thuê máy xúc móc ao sâu 3 m, rộng 30-40 m, dưới lòng suối gần cầu Ba Tháp. Anh cho biết: “Mới đầu ao đào xong có nước ngang tới ngực, nhưng chạy bơm tưới cho khoảng 1,5-1,7 sào ớt được một lúc thì nước đã cạn”. Tính cả những ao đào từ những mùa hạn trước, cả thôn Láng Me hiện có 40-50 ao chứa nước (diện tích trung bình 60-70 m2/ao), tuy nhiên do mạch ngang nên nước giữ trong ao không được lâu, có nắng hạn là nhanh chóng cạn, tương tự như tình trạng ao của anh Phạm Bình.

Không giữ được nước trong ao, bà con thôn Láng Me xoay qua làm giếng khoan, nhưng nhiều giếng khoan sâu 30-50 m mà vẫn chưa có nước. Có hộ làm giếng khoan sâu 70-80 m có nước nhưng lượng nước khiêm tốn, đơn cử hộ ông Nguyễn Thiện đầu tư 70 triệu đồng khoan giếng sâu 75 m nhưng nước lấy được chỉ đủ cho gia súc uống chứ không tưới được hoa màu. Không chịu đầu hàng, nhiều hộ tìm cách khác để giữ nước sản xuất, trong đó điển hình là hộ ông Nguyễn Sang. Ông Sang có 1 ha đất sản xuất, hiện đang trồng 7 sào ớt đã được 2 tháng rưỡi (mới hái lứa đầu), còn lại trồng cỏ chăn nuôi và đang xuống giống trồng hơn 1 sào hành. Khi khô hạn có dấu hiệu ngày càng khắc nghiệt, ông Sang vay ngân hàng 65 triệu đồng để khoan giếng sâu 75 m. Đây là giếng nước hiếm hoi trong thôn có nước, dù ở điểm cao gần chân núi nhưng mỗi giờ có thể bơm lên được 2 m3 nước và được ông dẫn về chứa trong giếng đào có đường kính 5 m, sâu 6 m. Giếng đào được ông Sang làm từ năm 2016 với kinh phí 40 triệu đồng, cứ chạy hết nước lại bơm vào, mỗi ngày liên tục bơm 10 tiếng nên đủ nước sử dụng cho sản xuất.

Láng Me hiện có 501 hộ dân (2.202 khẩu), trong đó có 41 hộ nghèo (143 khẩu) và 65 hộ cận nghèo (267 khẩu). Do đất đai ngưng sản xuất, nhiều hộ trong thôn phải bươn chải, đi làm thuê, làm mướn khắp nơi. Ngoài trồng trọt, người dân Láng Me còn chăn nuôi gia súc để cải thiện cuộc sống, so với trước hạn tổng đàn đã giảm gần nửa, hiện còn: 529 con bò, 725 con dê và 7 con cừu nuôi nhỏ lẻ theo hộ gia đình. Nắng nóng, thiếu thức ăn và nước uống làm gia súc gầy ốm, dễ bị bệnh, có hộ nuôi phải kiếm từng can nước cho bò uống. Vì vậy, trường hợp trữ nước trong giếng đào của hộ ông Nguyễn Sang được Láng Me coi là một điểm sáng cần nhân lên ở các hộ có điều kiện đất đai, mạch nước ngầm tương tự.

Tuy nhiên trước tình trạng không mưa vẫn kéo dài, đàn gia súc và cây trồng có nguy cơ sẽ bị thiệt hại nghiêm trọng, Láng Me đề xuất cứu đói giáp hạt cho các hộ nghèo, cận nghèo, hỗ trợ nước uống cho toàn thôn và thức ăn thô cho đàn gia súc. Theo anh Lê Văn Tuấn, từ thực tế khô hạn tái diễn hằng năm, Láng Me chỉ hy vọng vào dự án liên hồ mà tỉnh dự kiến triển khai. Khi ấy hồ Sông Trâu sẽ đón nhận nguồn nước từ các hồ khác, dẫn nước về vùng cuối kênh Bắc Sơn giúp duy trì nước phục vụ trồng trọt, chăn nuôi trong những ngày hạn.