Bà Bá Thị Hận bảo vệ đàn gia súc trong mùa hạn

Sáng sớm giữa tháng tư, trên đồng đất Tà Quân thuộc địa bàn thôn Hậu Sanh, xã Phước Hữu (Ninh Phước) rộn vang tiếng “be be” của đàn dê, cừu đòi ra chuồng đi ăn trên cánh đồng mùa khô. Bà Bá Thị Hận (ảnh) dân tộc Chăm có trên 40 năm gắn bó với nghề chăn nuôi gia súc có sừng, phát triển kinh tế theo mô hình gia trại đạt hiệu quả cao, được nhiều nông hộ địa phương học tập kinh nghiệm làm theo.

Bà đầu tư vốn liếng đào ao, đào giếng bảo đảm nguồn nước ngọt và tích trữ nguồn rơm chủ động thức ăn cho đàn gia súc vượt qua những tháng mùa khô năm nay. Đàn cừu 300 con được người giúp việc cho gia trại bà Hận lùa đi chăn thả trên những cánh đồng mùa khô. Riêng bà đảm nhận chăn thả 40 con dê đi ăn dưới tán rừng và chăm sóc dê cừu nái trên 20 con mới sinh đang nhốt tại gia trại. Tranh thủ thời gian trò chuyện với chủ gia trại Bá Thị Hận, chúng tôi được biết bà xuất thân từ gia đình có nghề chăn nuôi gia súc truyền thống ở làng Hậu Sanh. Đời ba mẹ của bà nhờ nguồn thu nhập từ đàn gia súc đã bảo đảm cuộc sống gia đình no ấm, nuôi dạy con cháu ăn học trưởng thành. Thời con gái, bà Hận được cha mẹ cho về học nội trú tốt nghiệp đệ nhất cấp (THCS) tại Trường Trung học Pô Klong. Bà là một trong số ít những phụ nữ ở làng Chăm Hậu Sanh được học hành chu đáo trước năm 1975. Nhờ có trình độ học vấn phổ thông căn bản giúp bà khởi nghiệp thành công rồi gắn bó với nghề chăn nuôi gia súc có sừng suốt 35 năm qua. Bà còn nhớ như in buổi đầu khởi nghiệp chăn nuôi nhờ trúng mùa đậu ván và trồng bắp nếp trên cánh đồng làng Hậu Sanh. Vụ mùa năm 1985, bà gieo 2 ha đậu ván kết hợp trồng bắp thời tiết thuận lợi thu hoạch trên 2 tấn đậu và 20 chục xe bò bắp nếp. Bà bán đậu, bán bắp đầu tư vốn mua 10 con dê nái phát triển chăn nuôi gia súc có sừng nuôi nhốt trong khu vực nhà ở khu dân cư.

Từ 10 con dê nái sinh sản được bà chăm sóc chu đáo sinh sôi thành 70 con, bà di dời chuồng trại ra cánh đồng Tà Quân đất đai rộng, xa khu dân cư tiện việc chăn nuôi. Bà Hận bán dê mua cừu và mua bò chăn nuôi theo mô hình bán thâm canh đa dạng. Hiện nay, gia trại của bà Hận có 300 con cừu, 90 con bò nái và 40 con dê nái. Bà Hận giữ lại con cái nuôi cho sinh sản, bán con đực cho nông dân quanh vùng đến mua nuôi vỗ béo. Bà tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi tổ chức và nỗ lực học hỏi phương pháp chữa bệnh cho đàn gia súc thông qua đội ngũ thú y. Nhờ có kiến thức phổ thông giúp bà Hận áp dụng hiệu quả chương trình tập huấn vào thực tiễn chăn nuôi, từ kỹ thuật xây dựng chuồng trại đến tiêm vắc xin phòng bệnh truyền nhiễm, chủ động thức ăn nước uống cho đàn gia súc trong những tháng mùa khô. Nhờ đó, đàn gia súc của bà Hận vượt qua những đợt khô hạn kéo dài của năm 2003 và năm 2014 để duy trì tốt cơ cấu đàn. Tính riêng trong những tháng đầu mùa khô năm nay, bà Hận đầu tư trên 60 triệu đồng đào sâu thêm 3 ao lắp đặt 3 máy bơm D7 bảo đảm đủ nguồn nước uống cho đàn gia súc và trồng 2 sào cỏ bổ sung thêm nguồn thức ăn xanh đợi đến mùa mưa 2020. Bà đầu tư gần 100 triệu xây dựng hai nhà kho chứa rơm kiên cố được rào lưới B.40 với diện tích sử dụng 100 m2. Bà mua 1.000 cục rơm bảo đảm thức ăn cho đàn bò và sử dụng cám gạo, cám viên bổ sung dinh dưỡng cho đàn dê cừu duy trì tốt thể trạng trong những tháng mùa khô.

Nhờ nguồn thu nhập từ đàn gia súc trên 300 triệu đồng/năm, gia đình bà có cuộc sống khá giả và nuôi dạy 5 người con tốt nghiệp đại học ra trường có việc làm ổn định. Bà Hận tạo việc làm thường xuyên cho 2 lao động địa phương thu nhập trên 6 triệu đồng/tháng. Trước thời điểm xảy ra dịch bệnh COVID-19, thương lái tới tận chuồng mua dê cừu đực nuôi vỗ béo với giá trung bình 150.000 đồng/kg và dê cừu thịt với giá 90.000 đồng/kg. Tính riêng ba tháng đầu năm 2020, bà Hận thu nhập trên 100 triệu đồng từ bán dê, cừu vừa bảo đảm cuộc sống gia đình vừa đầu tư chống hạn cho đàn gia súc. Bà Hận cho biết kinh nghiệm trong nghề chăn nuôi là nên dành dụm tích lũy nguồn vốn tự có của gia đình để đầu tư chăn nuôi gia súc; quản lý chặt chẽ bầy đàn để tránh thất thoát trong quá trình chăn chận; tiêm đầy đủ vắc- xin phòng bệnh truyền nhiễm cho đàn gia súc theo hướng dẫn của cán bộ thú y; tiêu độc khử trùng vệ sinh chuồng trại sạch sẽ. Đồng thời phải chủ động thức ăn, nước uống cho đàn gia súc trong những tháng mùa khô hàng năm.