Chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp

Vụ đông - xuân 2019-2020 được sự hỗ trợ của ngành chức năng, các địa phương làm tốt công tác triển khai mô hình chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất nông nghiệp, qua đó góp phần nâng cao năng suất, chất lượng các mặt hàng nông sản và thu nhập cho nông dân.

Sản xuất vụ đông-xuân 2019-2020 gặp khó khăn do thiếu nước, có tới 7.000ha đất nông nghiệp ngưng sản xuất. Để tạo đột phá trong tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, nhiều mô hình hiệu quả được các địa phương triển khai, nhân rộng. Đồng hành cùng với các địa phương, Nhân dân trong tỉnh thực hiện chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, Sở Khoa học và Công nghệ chuyển giao các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học áp dụng vào thực tiễn nhằm giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận, nâng cao sức cạnh tranh của mặt hàng nông sản.

Nông dân thôn Thái An, xã Vĩnh Hải (Ninh Hải) thực hiện mô hình cánh đồng lớn sản xuất nho.

Với quyết tâm duy trì sản xuất ở những vùng khô hạn, trong chỉ đạo sản xuất vụ đông - xuân 2019-2020, các địa phương chú trọng vận động nông dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích nghi với điều kiện khí hậu nắng nóng, tạo chuyển biến tích cực. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cũng như những vụ trước, vụ này các mô hình chuyển giao tiến bộ KHKT như tưới tiết kiệm nước, “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa, bao lưới trên giàn táo… tiếp tục được duy trì với quy mô lớn hơn. Đáng quan tâm là, từ hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, nông dân chú trọng đầu tư áp dụng kỹ thuật tưới tiết kiệm nước vào sản xuất các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như nho, táo, măng tây xanh, với tổng diện 1.264 ha.

Đối với sản xuất lúa, điểm mới là triển khai mô hình thâm canh lúa cải tiến tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Châu Rế (xã Phước Hải, Ninh Phước) thuộc dự án Nâng cao vai trò phụ nữ trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp do tổ chức SNV hỗ trợ, quy mô 34,61 ha/60 hộ tham gia. Kết quả mô hình giảm được lượng giống gieo sạ từ 80-100 kg/ha, giảm được 2 lần tưới/vụ, năng suất đạt 7 tấn/ha, cao hơn 4,5 tạ, lợi nhuận cao hơn 4,1 triệu đồng/ha so với ruộng sản xuất đại trà.

Sau khi triển khai thành công mô hình thí điểm bao lưới trên giàn táo, đến vụ này được nhân rộng. Theo đó, đã thực hiện gần 140 ha với 501 hộ ở địa bàn 5 huyện, thành phố tham gia. Hiệu quả của mô hình bao lưới giảm tỷ lệ trái táo bị hư hại từ 5-10%, giảm số lần phun thuốc từ 18-22 lần/vụ, năng suất cao hơn 1,5 lần so với trồng táo không bao lưới. Thực hiện Quyết định số 1957/QĐ-UBND ngày 6-12-2019 của UBND tỉnh về việc giao chỉ tiêu kế hoạch triển khai mô hình cánh đồng lớn năm 2020, vụ đông - xuân 2019-2020 cả tỉnh thực hiện 22 cánh đồng lớn; trong đó, 3 cánh đồng lúa diện tích hơn 2.224 ha, 2 cánh đồng măng tây xanh 35 ha, 1 cánh đồng nho gần 30 ha, 1 cánh đồng bắp 80 ha. Các cánh đồng lớn áp dụng tiến bộ KHKT mới vào tất cả các khâu sản xuất, nên đạt hiệu quả kinh tế cao.

Công nhân Công ty TNHH Linh Đan Ninh Thuận thu hoạch măng tây xanh ở xã An Hải (Ninh Phước). Ảnh: Văn Nỷ

Phát huy những thành tích đạt được, vụ hè - thu 2020, tỉnh tiếp tục chỉ đạo nhân rộng những mô hình sản xuất hiệu quả, hướng tới hình thành các vùng cây trồng đặc thù mang lại giá trị kinh tế cao, quy mô hàng hóa. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao Trung tâm Khuyến nông tỉnh xây dựng, triển khai kế hoạch chuyển đổi cây trồng đạt hiệu quả cao. Tăng cường công tác hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ KHKT vào sản xuất, triển khai, nhân rộng mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện nắng hạn như mô hình tưới tiết kiệm nước; mô hình xen canh, luân canh có hiệu quả; áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đối với một số cây trồng đặc thù như nho, táo, măng tây xanh…

KHKT là giải pháp tác động trực tiếp đến năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Với sự đóng góp to lớn của cộng đồng các nhà khoa học, sự vào cuộc của các doanh nghiệp đã đóng góp có hiệu quả vào phát triển sản xuất nông nghiệp, bảo đảm nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hoá nông sản trên thị trường. Nhiều kết quả nghiên cứu khoa học đã được chuyển giao, ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp như giống mới, quy trình công nghệ, tiến bộ kỹ thuật mới đã góp phần giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận và mang lại hiệu quả kinh tế cao.