Công ty Điện lực Ninh Thuận: Cung ứng dịch vụ điện theo phương thức giao dịch điện tử

Thực hiện chỉ đạo của Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC), từ năm 2020, Công ty Điện lực Ninh Thuận đẩy mạnh cung cấp dịch vụ điện theo phương thức giao dịch điện tử là bước tiến mới trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Theo đó, đơn vị đang triển khai theo phương thức giao dịch điện tử cung cấp 12 dịch vụ điện trực tuyến mức độ 4 trên cổng Dịch vụ công quốc gia, bao gồm: Cấp điện mới từ lưới điện trung áp; cấp điện mới từ lưới điện hạ áp; thanh toán tiền điện; thay đổi công suất sử dụng điện/thay đổi loại công tơ 1 pha, 3 pha; thay đổi vị trí thiết bị đo đếm; thay đổi mục đích sử dụng điện; thay đổi định mức sử dụng điện; thay đổi chủ thể hợp đồng mua bán điện; thay đổi thông tin đã đăng ký; thay đổi hình thức thanh toán tiền điện; gia hạn hợp đồng mua bán điện; chấm dứt hợp đồng mua bán điện.

Nhân viên Công ty Điện lực Ninh Thuận vệ sinh trạm biến áp.

Người dân trong tỉnh khi truy cập trang web Chăm sóc khách hàng tại địa chỉ https://dichvucong.gov.vn/p/home/dvc-huong-dan-cong-dan-doanh-nghiep.html sẽ được tiếp cận các thông tin chính xác, minh bạch, công khai về giá điện, thủ tục …

Với dịch vụ này, khách hàng không cần phải đến phòng giao dịch của Điện lực các huyện, thành phố khi có nhu cầu đăng ký sử dụng điện mà chỉ cần đăng ký trên địa chỉ website: cskh.evnspc.vn, rồi vào phần dịch vụ trực tuyến để đăng ký. Ngoài ra, khách hàng cũng có thể gọi điện thoại trực tiếp đến tổng đài chăm sóc khách hàng của EVN SPC qua số máy 19001006 hoặc 19009000.

Với điện thoại thông minh, khách hàng có thể tải App chăm sóc khách hàng của EVN SPC (App CSKH) sau đó đăng ký tài khoản là có thể sử dụng nhiều tiện ích, trong đó có dịch vụ cấp điện theo phương thức điện tử.

Sử dụng các dịch vụ điện theo phương thức này, người dân và doanh nghiệp chỉ cần máy vi tính hoặc thiết bị smartphone có kết nối Internet là có thể thực hiện toàn bộ các giao dịch. Toàn bộ hồ sơ giao dịch được lập dưới dạng điện tử, giúp khách hàng dễ dàng tra cứu thông tin, giám sát các thỏa thuận cung cấp dịch vụ giữa khách hàng và ngành điện. Qua đó, mang đến sự thuận lợi nhất cho khách hàng. Một ưu điểm nữa là thay vì ký và lưu hồ sơ trên giấy, khách hàng chỉ cần ký trên trang mạng chăm sóc khách hàng của Công ty Điện lực Ninh Thuận bằng hình thức nhập mã OTP nhận qua thư điện tử (Email) hoặc qua tin nhắn SMS. Tính bảo mật trong giao dịch cũng được chú trọng, chỉ có khách hàng mới được quyền truy cập và sử dụng hợp đồng điện tử.

Ông Đỗ Nguyên Hưng, Giám đốc Công ty Điện lực Ninh Thuận, cho biết: Xác định việc đẩy mạnh cung cấp dịch vụ điện trực tuyến mức độ 4 là nhiệm vụ quan trọng, thể hiện nỗ lực không ngừng đổi mới, hướng đến việc cung cấp dịch vụ điện ngày càng công khai, minh bạch, đơn vị đã nhanh chóng triển khai các giải pháp để đảm bảo việc kết nối Chính phủ với người dân, doanh nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh được hiệu quả.

Nhân viên Công ty Điện lực Ninh Thuận phát khẩu trang miễn phí cho khách hàng đến giao dịch.

Ngay từ quý IV-2019, Công ty đã tiến hành tổ chức đào tạo, tập huấn cho giao dịch viên, yêu cầu tất cả các giao dịch viên phải thực hiện thành thạo việc đăng ký tài khoản, đăng ký sử dụng dịch vụ điện trên cổng Dịch vụ công quốc gia và Dịch vụ điện trực tuyến EVN SPC để hướng dẫn, trả lời khách hàng khi có yêu cầu. Khi khách hàng đến giao dịch trực tiếp tại các quầy giao dịch của Điện lực hoặc tại trung tâm hành chính công địa phương, các giao dịch viên có trách nhiệm hướng dẫn, hỗ trợ khách hàng đăng ký dịch vụ qua cổng Dịch vụ công quốc gia khi khách hàng có nhu cầu.

Đồng thời, vận động cán bộ, công nhân viên đăng ký tài khoản, trải nghiệm sử dụng các dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia để có thể tư vấn cho khách hàng mọi lúc, mọi nơi. Đến ngày 15-4-2020 đã có 532 cán bộ, công nhân viên đăng ký và tham gia trải nghiệm các dịch vụ trên cổng Dịch vụ công quốc gia (chiếm 100% trên tổng số cán bộ, công nhân viên trong Công ty).

Việc Công ty Điện lực Ninh Thuận đẩy mạnh áp dụng phương thức điện tử trong cung cấp dịch vụ điện không chỉ tăng cường sự minh bạch, thuận tiện trong giao dịch dịch vụ điện mà còn đa dạng hoá phương thức giao tiếp giữa khách hàng và ngành Điện. Nhất là trong bối cảnh Chính phủ đang khuyến cáo hạn chế tiếp xúc trực tiếp để ngăn ngừa dịch COVID-19.