Qua 28 năm đồng hành cùng nông dân phát triển nông nghiệp

Ngay sau thời điểm tái lập tỉnh, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) chi nhánh Ninh Thuận chính thức thành lập. Trải qua 28 năm hình thành và phát triển, Agribank Ninh Thuận luôn phát huy vai trò ngân hàng thương mại chủ lực, đồng hành và tiếp sức trong việc hỗ trợ vốn cho nông dân đầu tư phát triển sản xuất, thúc đẩy nông nghiệp tỉnh nhà ngày càng khởi sắc.

Sự lớn mạnh của Agribank Ninh Thuận ngày càng được khẳng định, nhớ lại những ngày đầu mới thành lập, đơn vị chỉ có 4 chi nhánh tại Tp. Phan Rang-Tháp Chàm, huyện Ninh Sơn, Ninh Phước và Ninh Hải, tổng vốn huy động vào thời điểm đó chỉ có 18,4 tỷ đồng, tổng dư nợ 19,14 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu chiếm 9,4% trong tổng dư nợ. Vượt qua những khó khăn ban đầu, Agribank Ninh Thuận tập trung xây dựng kế hoạch, đổi mới tái cơ cấu vốn theo hướng trọng tâm, trọng điểm gắn liền với tình hình sản xuất đặc thù ở từng địa phương, từng bước mở rộng khu vực giao dịch. Hiện nay mạng lưới đã phát triển lên 8 chi nhánh, thành lập thêm 2 phòng giao dịch; qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để hộ nông dân cũng như tổ chức, doanh nghiệp tiếp cận nhanh chóng nguồn vốn vay. Bên cạnh sự quyết tâm của đơn vị, cộng với niềm tin của khách hàng nên hoạt động kinh doanh của ngân hàng nâng lên đáng kể.

Cán bộ, nhân viên Agribank chi nhánh Ninh Thuận hướng dẫn khách hàng làm thủ tục vay vốn.

Trong những năm qua, chính sách về phát triển nông nghiệp, nông thôn (NNNT) được Chính phủ, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm, chú trọng; ban hành nhiều đề án mang tính thiết thực, đưa hoạt động kinh tế của tỉnh phát triển toàn diện. Bám sát chỉ đạo của cấp trên, Agribank Ninh Thuận chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai nhiều chương trình tín dụng, tập trung ưu tiên vốn cho các cá nhân, hộ sản xuất nông nghiệp, ngư dân và các đối tượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông-lâm nghiệp. Chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm 2020, tổng vốn huy động của đơn vị trên lĩnh vực NNNT đạt 3.726 tỷ đồng, tổ chức giải ngân thông qua 7 chương trình tín dụng, đáp ứng vốn vay cho hàng ngàn lượt cá nhân, hộ gia đình, chủ trang trại, Hợp tác xã… với tổng kinh phí 6.388 tỷ đồng, tăng 38 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, chiếm trên 75% tổng dư nợ cho vay của toàn chi nhánh. Từ nguồn vốn trên đã tạo động lực quan trọng giúp người dân có thêm điều kiện đầu tư, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; áp dụng khoa học-kỹ thuật, nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập trong sản xuất.

Chúng tôi tìm đến gia đình chị Trần Thị Nô, ở thôn Thái Giao, xã Phước Thái (Ninh Phước) là một trong những khách hàng thân thiết, lâu năm của ngân hàng Agribank, sau khi được vay vốn, chị đầu tư xây dựng hiệu quả mô hình sản xuất cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm. Chị Nô chia sẻ: Năm 2010, gia đình được Agribank chi nhánh Ninh Phước cho vay 100 triệu đồng để trồng lúa và chăn nuôi gia súc. Sau 1 năm làm ăn hiệu quả, trả xong vốn vay ban đầu, tôi tiếp tục làm hồ sơ và được ngân hàng tiếp tục cho vay, đến nay đạt gần 1 tỷ đồng. Từ vốn ngân hàng, gia đình có thêm điều kiện mở rộng sản xuất lên 10 ha lúa, xây dựng chuồng trại chăn nuôi bò, dê với tổng đàn hiện có trên 150 con; đầu tư mua 4 máy cày phục vụ làm đất và thu hoạch cho bà con trong vùng. Ngoài ra, Agribank Ninh Thuận còn là kênh tín dụng hỗ trợ đắc lực, thúc đẩy hoạt động đánh bắt, khai thác thủy hải sản của ngư dân trong tỉnh ngày càng lớn mạnh. Đơn cử như hộ ông Lê Minh Trí, ở thôn Mỹ Tân, xã Thanh Hải (Ninh Hải), được vay số tiền gần 13 tỷ đồng, ông đầu tư đóng mới con tàu vỏ composite theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP, với công suất trên 800 CV, trang bị máy móc, thiết bị hiện đại mở rộng ngư trường khai thác. Nhờ đó, sản lượng đánh bắt tăng mạnh, lợi nhuận bình quân mỗi năm đạt khoảng 1 tỷ đồng. Ngoài 2 hộ tiêu biểu trên, trên địa bàn tỉnh còn nhiều nông hộ sau khi tiếp cận vốn Agribank đã hình thành các mô hình sản xuất quy củ, cho thu nhập ổn định hàng trăm triệu đồng mỗi năm, tạo cơ hội việc làm cho nhiều lao động tại địa phương; điển hình như hộ bà Phạm Nguyên Phát, ở thôn Tà Lú 1, xã Phước Đại với mô hình chăn nuôi bò, heo kết hợp kinh doanh thức ăn chăn nuôi; ông Nguyễn Thất, thôn Thạch Hà, xã Quảng Sơn (Ninh Sơn) trồng mía, mỳ và thu mua nông sản…

Nguồn vốn Agribank tiếp sức cho ngư dân trong tỉnh có điều kiện cải hoán, đóng mới tàu thuyền vươn khơi đánh bắt xa bờ.

Song song đó, Agribank còn triển khai các giải pháp rút ngắn thời gian, đổi mới quy trình thủ tục vay vốn, sẵn sàng nâng mức vay đối với các dự án mang tính khả thi. Tăng cường phối hợp, liên kết với một số tổ chức hội, đoàn thể để nhanh chóng đưa vốn đến tay khách hàng; thông qua hoạt động của tổ vay vốn đã hạn chế tình trạng nợ xấu, sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ gốc và lãi theo thỏa thuận với tổ chức tín dụng. Đến cuối năm 2019, tỷ lệ nợ xấu của đơn vị là 51,8 tỷ đồng, giảm 8,58% so với thời điểm mới tách tỉnh. Điều đáng ghi nhận hơn, Agribank còn đồng hành, chia sẻ khó khăn với các khách hàng trong quá trình sản xuất bị thiệt hại như điều chỉnh, giảm lãi suất vay, kéo giãn thời hạn trả nợ. Điều này, góp phần xây dựng niềm tin, tạo sự gắn bó mật thiết giữa nông dân với ngân hàng.

Từ những kết quả đạt được, Agribank Ninh Thuận tiếp tục khẳng định vai trò chủ đạo, hướng mục tiêu trọng tâm vào thị trường tín dụng NNNT. Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Giám đốc Agribank Ninh Thuận, cho biết: Mục tiêu đề ra từ nay đến cuối năm 2020 và những năm tiếp theo, ngân hàng chú trọng xây dựng đồng bộ các giải pháp, ưu tiên nguồn lực đầu tư mạnh mẽ cho “tam nông”. Song song đó, đơn vị sẽ chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền cũng như đầu tư vốn cho nông dân, doanh nghiệp tham gia sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết 30/NQ-CP ngày 7-3-2017 của Chính phủ. Đồng thời, tập trung giải ngân vốn đảm bảo, kịp thời đối với các dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn liên kết sản xuất chuỗi giá trị, chương trình cơ giới hóa phục vụ sản xuất nông nghiệp, chế biến và tiêu thụ…

Có thể nói, cơ cấu tín dụng cho vay của Agribank Ninh Thuận ngày càng có chuyển biến rõ nét, phát triển đúng hướng theo tinh thần chỉ đạo, chủ trương, chính sách thúc đẩy NNNT của Chính phủ, của tỉnh. Qua đó, góp phần cùng với chính quyền địa phương thực hiện thắng lợi mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, tạo diện mạo nông thôn mới; đẩy mạnh hoạt động sản xuất phát triển bền vững.