Phát huy giá trị làng nghề truyền thống của đồng bào Chăm trong tỉnh

Sau 45 năm giải phóng Ninh Thuận, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; 28 năm tái lập tỉnh, cùng với sự đồng hành, hỗ trợ thiết thực của Đảng và Nhà nước, diện mạo làng nghề truyền thống của đồng bào Chăm trong tỉnh có bước chuyển mình đáng kể, không chỉ nâng cao đời sống của người dân mà còn góp phần tích cực trong việc bảo tồn văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Đồng bào Chăm được biết đến với nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng. Trải qua thời gian, một số nghề mai một, hiện chỉ còn nghề làm gốm, dệt thổ cẩm và nghề thuốc nam được các nghệ nhân gìn giữ và lưu truyền cho đến ngày nay. Trong đó, làng dệt Mỹ Nghiệp, gốm thủ công Bàu Trúc, ở thị trấn Phước Dân (Ninh Phước) nằm trong chương trình bảo tồn và đầu tư phát triển, là điểm khai thác du lịch của tỉnh; đồng thời, sản phẩm của 2 làng nghề được UBND tỉnh chọn là sản phẩm đặc thù, đã được bảo hộ Nhãn hiệu chứng nhận, điều này có ý nghĩa thiết thực trong việc truy xuất nguồn gốc, đảm bảo quy trình sản xuất chất lượng, tác động tích cực đến khả năng tiêu thụ và nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.

Sản phẩm dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp ngày càng được khách hàng ưu chuộng.

Làng gốm Bàu Trúc với bề dày lịch sử hình thành hàng trăm năm và được đánh giá là làng nghề cổ nhất Đông Nam Á. Làng nghề hiện có 1 hợp tác xã (HTX), 4 công ty và 50 cơ sở chuyên làm gốm, với trên 500 lao động tham gia sản xuất, sản lượng xuất bán ra thị trường trong và ngoài nước đạt từ 120.000-150.000 sản phẩm các loại. Với phương pháp thủ công chứa đựng tính nghệ thuật cao, nghệ nhân đã thổi hồn vào đất, tạo ra những sản phẩm tinh tế phục vụ cho đời sống, sinh hoạt. Nghệ nhân Đàng Thị Phan, chia sẻ: Trong quá trình phát triển với những bước thăng trầm khó khăn nhất định, nhưng người dân vẫn duy trì và bám lấy nghề. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, ngày nay sản phẩm gốm Chăm đã được cải tiến đáng kể, không còn là những mẫu truyền thống đơn giản để làm vật dụng đun, nấu và đựng như xưa mà đã chuyển dần sang gốm mỹ nghệ với nhiều mẫu mã phong phú, đa dạng, kết hợp hài hòa giữa tính truyền thống và hiện đại, nên được khách hàng ưu chuộng. Năm 2017, người dân làng gốm hết sức vui mừng khi “Nghệ thuật làm gốm truyền thống làng Bàu Trúc” được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đặc biệt hơn, sau hơn 2 năm được công nhận, Chính phủ tiếp tục giao nhiệm vụ cho đoàn công tác Phân viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam đến khảo sát, xây dựng đề án để trình tổ chức UNESCO công nhận nghề làm gốm là Di sản văn hóa phi vật thể thế giới; đây được xem là niềm tự hào, vinh dự của người dân địa phương, từ đó tạo niềm phấn khởi hăng say lao động sản xuất, quyết tâm xây dựng làng nghề ngày càng khởi sắc.

Còn đối với làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, thông qua bàn tay khéo léo của người thợ, từng sợi chỉ với những họa tiết được đan xen, rực rỡ, mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống của người Chăm. Trước xu thế phát triển chung, sản phẩm dệt không chỉ đơn thuần đáp ứng nhu cầu đời sống của người dân, phục vụ nghi thức của người Chăm mà còn phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Ngoài sản xuất trong hộ gia đình, hình thức liên kết sản xuất ngày càng được mở rộng; đến nay, làng nghề đã hình thành được 1 HTX, 22 cơ sở dệt thổ cẩm, với tổng doanh thu mỗi năm đạt 15 tỷ đồng, giải quyết việc làm ổn định cho 800 lao động tại địa phương. Bên cạnh tập trung sản xuất, kinh doanh, các cơ sở luôn quan tâm đến công tác bảo tồn và phát triển làng nghề. Bà Lâm Nữ Minh, Phó Giám đốc HTX dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp cho biết: Ngoài chú trọng đổi mới mẫu mã, chúng tôi vận động các nghệ nhân lành nghề truyền đạt lại nghề cho thế hệ trẻ, thành lập đội văn nghệ, câu lạc bộ nhạc cụ để biểu diễn các hoạt động văn hóa dân gian của đồng bào Chăm gắn liền với sự hình thành và phát triển làng nghề trong dịp lễ, tết; tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch đến tham quan và mua sắm.

Tạo hình các sản phẩm bằng đôi bàn tay khéo léo ở làng gốm Bàu Trúc. Ảnh: S.Ngọc

Nhằm “chắp cánh” cho làng nghề của đồng bào Chăm ngày càng phát triển, từng bước khẳng định thương hiệu trên thị trường, tỉnh ta đã có nhiều chính sách hỗ trợ, đầu tư toàn diện về mọi mặt. Từ năm 2016 đến nay, 2 làng nghề được phân bổ nguồn vốn trên 90 tỷ đồng để sửa chữa các hạng mục đường bê tông, nhà trưng bày, cổng làng nghề, hỗ trợ gốm Bàu Trúc xây dựng 2 mô hình lò nung gốm, kinh phí 40 triệu đồng; tạo điều kiện cho 12 cơ sở, hộ kinh doanh vay vốn 940 triệu đồng phát triển sản xuất, kinh doanh; mở 4 lớp đào tạo nghề cho 120 học viên và 12 nghệ nhân tham gia nghiên cứu, sưu tầm, khôi phục chỉnh sửa và phục chế 4 hoa hoa văn đã thất truyền. Bên cạnh đó, công tác quảng bá, xúc tiến du lịch luôn được quan tâm, chú trọng. Thông qua kinh phí của Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh, tổ chức 24 lượt hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh, góp phần tích cực trong việc quản bá sản phẩm làng nghề đến với du khách. Đến nay, đã có gần 200 công ty lữ hành kết nối, đưa khách về tham quan làng nghề; chỉ tính riêng trong năm 2019, các làng nghề đã đón trên 20.000 lượt khách đến tham quan, mua sắm; mở ra cơ hội phát triển kinh tế bền vững cho người dân cũng như thúc đẩy phát triển du lịch tại địa phương.

Tin rằng, với những định hướng và giải pháp cụ thể của chính quyền các cấp cùng với sự chung sức, chung lòng của người dân, tiếp tục đưa làng nghề gặt hái nhiều thành công trên chặng đường tiếp theo; góp phần phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng quê hương Ninh Thuận ngày càng giàu đẹp.