"Nắng mới" trên đại ngàn Bác Ái

Trong những năm kháng chiến gian khó chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhân dân huyện Bác Ái đã anh dũng nhất tề đứng lên chống trả kẻ thù xâm lược, bảo vệ quê hương. Ngày nay kế thừa truyền thống văn hóa, cách mạng của cha ông, đảng bộ và nhân dân Bác Ái tiếp tục đoàn kết xây dựng quê hương ngày một phát triển, no ấm.

Lịch sử vẻ vang

Trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Bác Ái đã được Tỉnh ủy chọn là căn cứ cách mạng đầu tiên của tỉnh dựa vào thế hiểm trở của rừng rậm, núi cao, nhiều hang động. Mặc dù, thực dân Pháp tập trung lực lượng tổ chức càn quét với nhiều thủ đoạn như dồn dân vào các khu tập trung để kiểm soát chặt chẽ, hòng chia rẽ lực lượng cách mạng với đồng bào miền núi. Song với niềm tin sâu sắc vào cách mạng, đồng bào Bác Ái kiên quyết cùng cán bộ đứng lên đánh đuổi kẻ thù. Tháng 10-1950, Bác Ái đã trở thành huyện miền núi đầu tiên trong tỉnh có chính quyền, có cấp ủy trực tiếp lãnh đạo để cùng với quân và dân trong tỉnh tiếp tục tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và tiến đến dành thắng lợi năm 1954. Bước vào thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, phát huy tinh thần đoàn kết, trung thành với Đảng với Bác Hồ kính yêu, đồng bào các dân tộc trong huyện đã kề vai sát cánh cùng đảng bộ, chính quyền đấu tranh anh dũng, mưu trí chống trả quyết liệt kẻ thù. Trong cuộc chiến đấu đầy cam go, mặc dù không có vũ khí hiện đại, dân quân Bác Ái sáng tạo ra các vũ khí thô sơ như: cung tên, chông đu, chông treo, hầm chông...làm cho quân thù khiếp sợ, thua cuộc. Điển hình là trận tập kích khu tập trung Bà Râu, trận phục kích đánh đại đội quân giặc tại đèo Gia Túc bằng bẫy đá của anh hùng Pi Năng Tắc và tiêu biểu vào ngày 30-8-1960 quân dân Bác Ái nổi dậy phá đồn Tà Lú, Ma Ty tiêu diệt kẻ thù, giải phóng huyện nhà, vinh dự là một trong những địa phương giải phóng sớm nhất ở miền Nam. Với chiến công hiển hách mà quân và dân Bác Ái đạt được, Đảng và Nhà nước đã phong tặng cho 10 đơn vị, tập thể và 4 cá nhân danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Vùng đất anh hùng thay “áo mới”

Trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới và phát triển, huyện Bác Ái vận động bà con thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu; xây dựng các vùng chuyên canh cây trồng thích ứng với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương; xây dựng cơ bản hệ thống hạ tầng giao thông, điện, trường, trạm y tế; thực hiện các chương trình, chính sách hỗ trợ sinh kế cho nhân dân...Trong đó, thành quả đáng tự hào mà địa phương đạt được chính là thay đổi từ nền nông nghiệp lạc hậu với lối sản xuất “chọc lỗ, trỉa hạt” sang sản xuất theo hướng hiện đại. Trong đó, nông dân chủ động lựa chọn những loại cây trồng, vật nuôi mới cho năng suất, chất lượng cao; áp dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất; chuyển từ sản xuất tự cung, tự cấp sang sản xuất mang tính thương mại. Từ đây mở ra hướng đi làm giàu cho nông dân cũng như địa phương với nhiều loại cây trồng mới như cây bưởi, mía, dưa lưới. Nhờ sự đi lên của ngành nông nghiệp địa phương mà thu nhập của bà con nâng lên gần 14 triệu đồng/người/ năm, tỷ lệ hộ nghèo kéo giảm còn 34,24%.

Một góc Trung tâm huyện Bác Ái. Ảnh: P.B

Những đổi thay của huyện còn đến từ việc phát triển hạ tầng giao thông, thông qua nguồn vốn hỗ trợ rất lớn của Trung ương, của tỉnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân giao thương hàng hóa giữa các vùng, khu vực, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội. Ngoài tuyến Quốc lộ 27B huyết mạch chạy dọc qua 5 xã trên địa bàn huyện đến Quốc lộ 1 thuộc tỉnh Khánh Hòa, thì hiện nay Bác Ái đã có thêm những tuyến đường kết nối giao thông trọng điểm như: Tỉnh lộ 705, 707, tuyến đường nối Phước Đại-Phước Hòa, Phước Đại-Phước Chính...Đồng bộ với hệ thống giao thông là sự đầu tư lớn về hệ thống thủy lợi, kênh mương. Đến nay, toàn huyện có hệ thống hơn 40 hồ đập, ao nước, kênh mương nội đồng, thủy lợi đảm bảo điều kiện sản xuất cây trồng và chăn nuôi cho người dân với tổng diện tích gieo trồng toàn huyện đạt 11 ngàn ha, đàn gia súc trên 55 ngàn con.

Khác với quá khứ trước đây, người dân Bác Ái hôm nay có niềm tin mãnh liệt vào sự thay đổi của việc học đối với bản thân, gia đình cũng như quê hương. Minh chứng bằng tỷ lệ học sinh đến trường hàng năm được tăng lên đáng kể, đạt trên 98%; có hàng trăm sinh viên là con em đồng bào học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và hiện đang đảm nhiệm tốt nhiều chức vụ quan trọng tại địa phương; các bậc phụ huynh quan tâm hơn chuyện học của con cái. Song song đó, chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân cũng nâng lên, đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, 100% xã có cơ sở y tế, cơ bản đáp ứng nhu cầu khám và chữa bệnh cho nhân dân.

Nắm bắt lợi thế, tiềm năng để vươn lên

Đồng chí Mẫu Thái Phương, Bí thư Huyện ủy Bác Ái cho biết: Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự vững tin và đồng lòng của các tầng lớp nhân dân, Bác Ái đang đổi thay từng ngày, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện. Đây là động lực và mục tiêu giúp địa phương khắc phục hạn chế, khó khăn để hội nhập và phát triển với những định hướng mới, nhiệm vụ mới, mục tiêu mới ở tầm cao hơn, trong đó tập trung khai thác các lợi thế, tiềm năng sẵn có về tự nhiên, con người, khí hậu để chuyển mình vươn lên.

Những năm gần đây, huyện Bác Ái đang tập trung kêu gọi, thu hút nhà đầu tư, tập trung vào các ngành, lĩnh vực: Công nghiệp hỗ trợ sản xuất, chăn nuôi; nông nghiệp công nghệ cao; năng lượng tái tạo, năng lượng sạch... nhằm tạo sức bật thay đổi diện mạo và đời sống của nhân dân địa phương. Dù số lượng các doanh nghiệp tại địa phương còn ít song nhờ triển khai các hoạt động, chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã hướng tới lựa chọn Bác Ái là điểm đến lý tưởng để kinh doanh và làm ăn trong thời gian dài, trong đó phải kể đến các doanh nghiệp lớn như: Công ty TNHH Công nghệ cao Ninh Thuận Agritech, Nhà máy Điện mặt trời Thiên tân Solar...

Bên cạnh đó, Bác Ái còn nổi tiếng với nhiều điểm du lịch thu hút đông du khách, như: thác Chapơr, suối lạnh, vườn Quốc gia Phước Bình, các khu di tích lịch sử cách mạng cùng nền văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc Raglai. Khai thác hiệu quả tiềm năng này cho phát triển du lịch, huyện Bác Ái tích cực triển khai công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của bà con địa phương cũng như tổ chức hoạt động văn hóa, tham quan sinh thái tự nhiên, qua đó tạo nên sản phẩm du lịch độc đáo, mới lạ, thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm. Đồng hành cùng địa phương trong định hướng trên, nhiều cá nhân là đồng bào ở địa phương đã mạnh dạn đầu tư vốn và kiến thức để làm du lịch với các mô hình homestay kết hợp với du lịch sinh thái tự nhiên ở xã Phước Bình, Phước Thành. Đây là những tín hiệu khả quan cho thấy đà phát triển ngành công nghiệp không khói của địa phương.

Tạm biệt huyện miền núi trên những con đường mới, khang trang sáng rực bởi đèn điện, điểm xuyết những cửa hàng, biển hiệu mà bà con vừa mới xây dựng, chúng tôi tin rằng với đà phát triển này, tiềm năng và cơ hội mới, cùng sức mạnh của toàn dân, Bác Ái hứa hẹn sẽ đạt được những bước tiến dài và vững chắc trên con đường đổi mới và hội nhập.