Trên đường phát triển

Thuận Bắc - vùng đất ghi dấu những chiến công cách mạng hào hùng đã đi vào trang sử sáng ngời của tỉnh. Nơi đây, sáng 14 - 4 - 1975, bộ đội địa phương, dân quân du kích phối hợp với lực lượng bộ đội chủ lục mở đợt tấn công chọc thủng “Tuyến phòng thủ từ xa” của địch để tiến vào giải phóng Ninh Thuận, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.“Lá chắn thép” của địch ngày ấy bị chiến tranh tàn phá nặng nề, là huyện Thuận Bắc tươi mới hôm nay đang đổi thay từng ngày.

Trở lại Thuận Bắc trong những ngày tháng Tư lịch sử, xe chạy bon bon trên con đường vành đai hồ Bà Râu về Phước Kháng cảm nhận cảnh sắc của xã vùng cao yên ấm với những con đường bê tông ngang dọc, ô tô vào được tận nhà các hộ dân. Gặp đồng chí Ka-tơ Đượng, Bí thư Đảng ủy xã trò chuyện biết được trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, toàn thể bà con ở địa phương đều một lòng theo Đảng, người tham gia làm liên lạc, người làm dân quân tải đạn, nhà cửa các gia đình là nơi che chở cán bộ, bộ đội. Đền đáp công ơn đồng bào Phước Kháng đã cưu mang các chiến sỹ cách mạng suốt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ trường kỳ, năm 1994 tỉnh đưa các hộ sống rải rác trong núi cao về khu định canh, định cư hiện nay để thuận lợi sinh hoạt và sản xuất. Kể từ khi về nơi ở mới, Nhà nước quan tâm đầu tư hạ tầng điện, đường, trường, trạm, nên đời sống vật chất, tinh thần của bà con được cải thiện hơn trước nhiều. Hiện nay, tỷ lệ đường giao thông bê tông nông thôn ở địa phương đạt 100%; 100% hộ gia đình được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh.

Rời Phước Kháng chúng tôi tiếp tục hành trình qua xã Phước Chiến, ấn tượng đầu tiên là hệ thống giao thông được xây dựng thông suốt. Ở vùng núi địa hình phức tạp, đồi núi, nhưng đường sá đi lại rất thuận tiện. Xe lướt nhẹ trên tuyến đường nhựa 706, khi qua hồ Sông Trâu hiện lên trước mắt những khu tái định cư được quy hoạch bài bản. Không riêng gì thôn Đầu Suối B, Động Thông nằm ở trung tâm xã, mà thôn Ma Trai, Đầu Suối A, Tập Lá cách đó 4 km cũng được quy hoạch theo ô bàn cờ, tất cả các con đường nội thôn đều tráng nhựa, đổ bê tông kiên cố. 45 năm sau ngày thống nhất đất nước, Phước Chiến đã chuyển mình đi lên. Nhờ được sự hỗ trợ của Nhà nước, bà con triển khai các mô hình sản xuất hiệu quả, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở khu vực miền núi. Sau 10 năm thực hiện Đề án “Phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả trên đất dốc”, đến nay trên địa bàn xã đã hình thành các vùng trồng cây ăn quả như xoài, chuối, dứa, mãng cầu... Đồng chí Đá Mài Bắn, Bí thư Đảng ủy xã, chia sẻ niềm vui: Nếu thế hệ cha, anh đi trước đã chiến đấu kiên cường để bảo vệ đất nước, thì thế hệ trẻ hôm nay ra sức thi đua lao động sản xuất, làm giàu chính đáng trên chính quê hương anh hùng.

Dạo một vòng quanh huyện Thuận Bắc, từ vùng núi về đồng bằng, ở đâu cũng có nhiều thay đổi. Giai đoạn 2015-2020, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ III, tình hình kinh tế địa phương có bước phát triển vượt bậc, tốc độ tăng trưởng hàng năm ổn định và tăng nhanh vào những năm cuối kỳ kế hoạch, nhiều chỉ tiêu hoàn thành về đích sớm. Từ một huyện sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, Thuận Bắc đang dần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng trưởng các ngành công nghiệp, dịch vụ. Huyện tập trung triển khai Nghị quyết số 06-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển công nghiệp giai đoạn 2016-2020, trong đó ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp lợi thế như: Chế biến thực phẩm, sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác và chế biến khoáng sản. Một số sản phẩm công nghiệp chế biến tiếp tục được đầu tư mở rộng, quy mô sản xuất và chất lượng sản phẩm tăng, như: Nhà máy thạch rau câu Sơn Hải đưa vào vận hành dây chuyền sản xuất thạch và nước rau câu, đá xây dựng đạt 500.000 m3/năm, cát xây dựng 400.000/m3/năm, sản lượng xi măng 250.000 tấn/năm. Đặc biệt, 2 năm cuối kỳ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tiềm năng, lợi thế của huyện được phát huy, nhiều doanh nghiệp đến địa phương đầu tư các công trình, dự án mang tầm quốc gia.

Thuận Bắc khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển năng lượng tái tạo, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Một số dự án năng lượng tái tạo được khởi công, đưa vào hoạt động, đóng góp đáng kể cho phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Giai đoạn này huyện đã thu hút 9 dự án điện mặt trời, điện gió, với tổng công suất 756 MW, vốn đăng ký trên 22.500 tỷ đồng. Đến nay, đã có 5 dự án hoàn thành đưa vào vận hành thương mại; trong đó, có những dự án quy mô lớn, như: Điện gió Đầm Nại, Điện gió, điện mặt trời Trung Nam, Điện mặt trời Xuân Thiện đã đi vào hoạt động với công suất 550 MW, sản lượng điện thương phẩm khoảng 1,4 tỷ kWh/năm, đóng góp lớn vào tăng trưởng chung, thu ngân sách.

Không riêng gì công nghiệp, lĩnh vực nông nghiệp cũng gặt hái được nhiều kết quả. Thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, những năm gần đây huyện tập trung chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất các sản phẩm đặc thù, có lợi thế của huyện, tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất, nhiều mô hình hiệu quả được nhân rộng, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu; từng bước hình thành các cánh đồng sản xuất lớn. Giá trị sản xuất trên 1 ha đất tăng nhanh, năm 2020 đạt 96,3 triệu đồng/ha/năm, tăng 21,3 triệu đồng so với năm 2015. Chăn nuôi phát triển theo hướng nâng cao chất lượng đàn gia súc gắn với quy hoạch đồng cỏ. Quy mô đàn gia súc luôn dùy trì ổn định và có xu hướng phát triển, đạt trên 172.000 con, tăng gần 4% so với năm 2015. Đã xây dựng và được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Nhãn hiệu chướng nhận cho 2 sản phẩm đặc thù của huyện là heo đen và gà.

Đống chí Lê Kim Hoàng, Chủ tịch UBND huyện Thuận Bắc, cho biết: Đạt được kết quả trên, đó là nhờ có sự hỗ trợ kịp thời của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, sự điều hành sâu sát của Huyện ủy, UBND huyện trong thực hiện chương trình trọng tâm, nhiệm vụ đột phá, đây là nét mới về đổi mới phương thức lãnh đạo. Thành quả này là tiền đề quan trọng để huyện tiếp tục thực hiện mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững trong giai đoạn 2021-2025.