Trên quê hương Ninh Sơn anh hùng

Trở lại Ninh Sơn vào những ngày tháng 4 lịch sử, dọc hai bên đường trung tâm huyện, rực rỡ cờ hoa chào mừng Kỷ niệm 45 năm ngày giải phóng Ninh Thuận, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Từng là vùng đất khó khăn, kiên cường thuộc chiến khu Anh Dũng xưa, nay Ninh Sơn đang trỗi dậy những sức bật mới với nhiều nhà máy, công trình và cánh đồng mẫu lớn, dần hình thành những vùng quê trù phú, tươi đẹp.

Ngược về xã vùng cao Ma Nới, mảnh đất chiến khu xưa, từng được coi là xa xôi, nghèo khó nhất của huyện miền núi Ninh Sơn. Con đường nhựa trải dài từ Quốc lộ 27 băng qua vùng trọng điểm mía, mỳ đến trung tâm xã Ma Nới khá thuận lợi đã nối liền vùng căn cứ cách mạng xưa với miền xuôi thành một dải. Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước cùng sự nỗ lực của người dân Ma Nới anh hùng, bộ mặt nông thôn miền núi nơi đây đã có nhiều thay đổi vượt bậc. Hệ thống giao thông, thủy lợi, kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh đã và đang được quan tâm đầu tư xây dựng khá hoàn chỉnh. Hầu hết các hộ dân đã có nước sạch sinh hoạt, có điện lưới, phương tiện đi lại, sản xuất… Ông Camau Chinh, Bí thư Đảng ủy xã Ma Nới cho biết: Từ một vùng đất anh hùng, kiên cường trong chiến đấu Ma Nới vừa vinh dự được công nhận là xã An toàn khu, được quan tâm đầu tư nhiều nguồn lực. Chuyển biến rõ nét nhất trong những năm gần đây là hệ thống đường giao thông, thủy lợi được đầu tư xây dựng đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con phát triển sản xuất, vươn lên làm giàu.

Một góc trung tâm Ninh Sơn hôm nay. Ảnh: Hữu Phương

Qua gần 5 năm thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện (khóa XI), Ninh Sơn đã có các giải pháp mạnh mẽ khai thác tiềm năng, lợi thế của huyện miền núi, tranh thủ tối đa nguồn vốn các chương trình, dự án hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất. Đảng bộ huyện chú trọng lãnh đạo phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng toàn diện, hiệu quả, bền vững, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng khoa học-kỹ thuật, công nghệ mới, bảo đảm nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Sau gần 5 năm thực hiện Nghị quyết Đảng bộ huyện lần thứ XI, huyện Ninh Sơn đã có sự tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh, đúng định hướng và tương đối ổn định, vững chắc. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản phát triển theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả. Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm tăng bình quân 1,3%; sản lượng lương thực đạt 80 ngàn tấn, tốc độ tăng bình quân hàng năm 0,72%; chuyển đổi 82,5ha diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có giá trị, thích ứng với biến đổi khí hậu. Từng bước triển khai các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, đem lại hiệu quả kinh tế cao, nhất là thực hiện liên kết tốt với các doanh nghiệp đối với cây trồng chủ lực. Chăn nuôi tiếp tục phát triển cả về chất lượng và giá trị kinh tế, tổng đàn gia súc hiện có 72.052 con, tăng 45,66% so với năm 2015; từng bước chuyển đổi mạnh từ phương thức chăn nuôi nông hộ sang chăn nuôi tập trung, quy mô lớn theo hướng trang trại. Sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và xây dựng tăng trưởng khá mạnh, một số lĩnh vực có bước phát triển đột phá. Tốc độ tăng bình quân hàng năm 26,8% kế hoạch; nhiều dự án thủy điện và điện mặt trời được triển khai đi vào hoạt động đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu ngân sách, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đến nay, có 4/7 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân toàn huyện đạt 13,7 tiêu chí, tăng 2 tiêu chí so với năm 2015. Kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm đầu tư, bước đầu có phát triển tích cực; tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua các năm, từ 25,95% đầu nhiệm kỳ, đến nay chỉ còn 9,74%.

Mùa chôm chôm Lâm Sơn luôn thu hút du khách. Ảnh: V.Miên

Về mục tiêu và giải pháp phát triển trong những năm tới, đồng chí Nguyễn Tiến Đức, Bí thư Huyện ủy Ninh Sơn cho biết: Mục tiêu hàng đầu của Đảng bộ huyện là đẩy mạnh phát triển kinh tế- xã hội, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân; phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho đầu tư, sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh phát triển kinh tế với trọng tâm là phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, năng lượng tái tạo, chế biến nông, lâm sản, dịch vụ du lịch để nâng cao chất lượng và hiệu quả của nền kinh tế; xây dựng Ninh Sơn trở thành trung tâm động lực về phát triển nông, lâm nghiệp của tỉnh; phấn đấu nâng thu nhập bình quân của người dân đạt mức khá của tỉnh. Tổng giá trị sản xuất đến năm 2025 đạt 8.007 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt 12-13%. Phấn đấu đến năm 2025 thu ngân sách trên địa bàn đạt 210,3 tỷ đồng, trong đó huyện thu đạt 95 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đến đạt 53,3 triệu đồng (gấp 1,3 lần) so với năm 2020; có 6/7 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Phát huy truyền thống của huyện anh hùng, trong sự nghiệp đổi mới hôm nay, quân và dân huyện Ninh Sơn tiếp tục đoàn kết, chung sức chung lòng, vượt qua khó khăn, phấn đấu đạt được những thành tựu to lớn hơn nữa trong phát triển kinh tế-xã hội, quyết tâm xây dựng huyện nhà ngày càng giàu đẹp.