Thử nghiệm vắc-xin, thuốc chữa COVID-19 ngày càng khó vì không tìm đủ tình nguyện viên

Các nhà nghiên cứu đang phải đối mặt với những rào cản về đạo đức và vấn đề kĩ thuật mà nổi bật nhất là việc không có đủ đối tượng tham gia thử nghiệm lâm sàng.

Diễn biến nhanh chóng của đại dịch COVID-19 đang đặt ra thách thức khác thường trong nghiên cứu, phát triển các loại vắc-xin, thuốc điều trị căn bệnh này, buộc các nhà nghiên cứu phải làm lại từ đầu, hoặc thậm chí bỏ qua thử nghiệm lâm sàng. Ngoài ra, lệnh phong tỏa phòng dịch cũng khiến các công trình nghiên cứu không huy động đủ số lượng người tự nguyện tham gia.

Remdesivir, thuốc dùng để điều trị Ebola, được xem xét dùng để điều trị COVID-19. Ảnh: Reuters

Trong tháng này, các nhà khoa học Trung Quốc đã phải dừng hai công trình nghiên cứu vốn trước đây được kỳ vọng là sẽ xác định được công dụng của thuốc điều trị do tập đoàn Gilead Science sản xuất. Nguyên nhân là do nhóm nghiên cứu không tìm được đủ số bệnh nhân tham gia thử nghiệm khi dịch đã qua đỉnh. Trong khi đó, các nhà nghiên cứu ở Gilead và nhiều nơi khác lại đang chọn giải pháp bỏ các công cụ tiêu chuẩn như giả dược để đẩy nhanh thử nghiệm dù biết rằng điều này có thể sẽ phải hy sinh quy trình nghiêm ngặt.

Thách thức lớn nhất hiện nay chính là tìm đủ bệnh nhân trước khi tốc độ lây nhiễm giảm nhờ các biện pháp giãn cách xã hội. Chính việc thiếu bệnh nhân đồng ý tham gia thử nghiệm đã hủy hoại các nỗ lực phát triển vắc-xin và thuốc trị bệnh trong các đợt dịch trước đây, như dịch Ebola ở Tây Phi.

Hai thử nghiệm lâm sàng bị dừng lại ở Trung Quốc nằm trong kế hoạch thử nghiệm thuốc Remdesivir của hãng Gilead, từng cho kết quả tích cực khi thử nghiệm trên chuột. Sau khi thiết lập các tiêu chí nghiêm ngặt về đối tượng tham gia, nhóm nghiên cứu phải vất vả tìm cho đủ bệnh nhân trước khi các biện pháp đóng cửa làm giảm mức độ lây lan của virus.

Theo các chuyên gia, nỗ lực của chính quyền yêu cầu mọi người ở nhà và thực hiện giãn cách xã hội còn khiến những người tham gia thử nghiệm gặp khó khăn hơn trong di chuyển và nhiễm virus ở cấp độ đủ để đánh giá vắc-xin mới.

Ông Andrew Pollard, chuyên gia thuộc nhóm nghiên cứu tại Đại học Oxford, nói: “Nếu virus không lây lan, không có trường hợp nhiễm bệnh, sẽ rất khó đánh giá hiệu quả vắc-xin”.

Nhóm nghiên cứu của ông Pollard tuần trước mới thực hiện tiêm vắc-xin thử nghiệm đối với những người tình nguyện ở Anh, nơi mà biện pháp đóng cửa đã bắt đầu làm giảm số lượng ca mắc.

Để vượt qua thách thức này, ông Pollard cho rằng các nhà nghiên cứu cần xem xét một số nhóm đối tượng nhất định, như nhân viên y tế - những người phơi nhiễm tự nhiên trước virus, hoặc là tìm kiếm nhóm người ở nước ngoài tại những nơi mà virus đang lây lan nhanh.

Theo TTXVN/Báo Tin tức