Phát triển hạ tầng giao thông thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Qua 28 năm tái lập và phát triển, ngành Giao thông vận tải (GTVT) nỗ lực phấn đấu thực hiện nhiệm vụ “đi trước mở đường”, thể hiện vai trò là ngành kinh tế quan trọng của tỉnh nhà, tạo nên “huyết mạch” phát triển kinh tế.

Không ngừng nâng cao năng lực vận tải

Xác định giao thông là “huyết mạch” để phát triển kinh tế địa phương, ngay từ những năm tái lập tỉnh, tỉnh ta luôn quan tâm phát triển mạng lưới giao thông. Cùng với vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, Sở GTVT đã tận dụng mọi nguồn lực để kiến thiết lại kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng hiện đại. Những công trình giao thông quan trọng, cấp thiết được đầu tư xây dựng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, phục vụ dân sinh. Trong giai đoạn 2016-2019, tỉnh đã huy động trên 2.110 tỷ đồng đầu tư các tuyến đường giao thông; nhiều công trình có quy mô lớn đã được đầu tư nâng cấp, xây dựng mới với hơn 87 km đường giao thông tuyến tỉnh, liên huyện và đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thành 6 tuyến đường giao thông nội thị theo hình thức BT. Tỉnh cũng đã phối hợp cùng Bộ GTVT hoàn thành trên 66 km đường giao thông thuộc dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 27 đoạn qua Ninh Thuận...

Cầu An Đông (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm).

Từ nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu của Trung ương và các nguồn vốn huy động khác, tỉnh cũng đã đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các tuyến đường giao thông đến trung tâm các xã miền núi, đó là: Dự án Nâng cấp đường Phước Đại - Phước Trung có tổng chiều dài 18,2 km, với tổng mức đầu tư 116,55 tỷ đồng. Dự án đường Ba Tháp - Suối Le - Phước Kháng cũng được đầu tư hoàn thành đi vào sử dụng từ tháng 5-2019, có tổng chiều dài 17 km, tổng mức đầu tư 171,6 tỷ đồng, phục vụ tốt nhu cầu đi lại, lưu thông hàng hóa của nhân dân, góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo; kịp thời ứng phó với thiên tai. Hiện nay, tỉnh đang thực hiện tuyến đường vành đai phía Bắc, nối Tỉnh lộ 702 đến Quốc lộ 1A. Đây là tuyến đường kết nối trực tiếp giữa Khu công nghiệp Du Long với Cảng biển Ninh Chữ, nhằm rút ngắn khoảng cách vận chuyển nguyên liệu, hàng hóa, thiết bị, máy móc từ Cảng biển Ninh Chữ đến Khu công nghiệp Du Long, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển công nghiệp, nhất là việc vận chuyển máy móc, thiết bị, vật tư phục vụ cho việc xây dựng các dự án năng lượng tái tạo. Đồng thời kết nối các vùng dân cư, các khu đô thị, khu du lịch sinh thái ven biển, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế du lịch.

Tuyến đường ven biển Mũi Dinh-Cà Ná kết nối với Quốc lộ 1A góp phần tạo động lực phát triển kinh tế khu vực phía nam của tỉnh. Ảnh: Văn Nỷ

Theo Sở GTVT, đến nay, hệ thống đường bộ trên địa bàn tỉnh có 3 tuyến quốc lộ đi qua, 10 tuyến đường tỉnh, trên 200 tuyến đường đô thị và tuyến đường huyện, 150 tuyến đường xã, thị trấn. Tổng số đường bộ trên địa bàn tỉnh tính đến cuối năm 2019 đạt 1.345 km, so với diện tích tự nhiên của tỉnh đạt 0,42 km/km2 (năm 1992 là 0,17 km/km2), bằng mục tiêu Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra, tạo thành mạng lưới đường bộ khá rộng khắp trên địa bàn tỉnh.

Ông Võ Đức Triều, Giám đốc Sở GTVT cho biết: Qua 28 năm nỗ lực phấn đấu thực hiện nhiệm vụ được giao, ngành GTVT đã cơ bản hoàn thành mục tiêu chung, đó là: Tạo được hệ thống giao thông của tỉnh tương đối đồng bộ, liên thông, đảm bảo sự bền vững, nhanh chóng, thuận tiện, an toàn, hiệu quả, bước đầu đáp ứng được nhu cầu vận chuyển ngày càng tăng; gắn được hệ thống giao thông của tỉnh với khu vực và cả nước; việc đầu tư xây dựng theo hướng văn minh, hiện đại; đảm bảo phục vụ chiến lược phát triển kinh tế-xã hội và quốc phòng-an ninh. Năng lực vận tải liên tục tăng khá (bình quân trên 10%/năm), chất lượng phục vụ cũng được cải thiện rõ rệt. Kết quả trên đã góp phần thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng GRDP của tỉnh cao và bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về phát triển so với các tỉnh trong cả nước.

Tiếp tục hoàn thiện mạng lưới giao thông

Bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, ngành GTVT xác định các mục tiêu và giải pháp thực hiện trong thời gian tới, đó là: Tiếp tục hoàn thiện mạng lưới đường hiện có, nhất là đường huyện, đường tỉnh tạo ra sự liên thông và khai thác tiềm năng từng khu vực; cứng hoá từ 80% đường giao thông nông thôn và xây dựng cải tạo hệ thống cầu cống đảm bảo giao thông thông suốt trong mùa mưa lũ; đảm bảo các trục đường chính đô thị Phan Rang - Tháp Chàm đều có vỉa hè. Nâng dần mật độ đường giao thông trên địa bàn tỉnh và phát triển hệ thống giao thông đường biển trong đó có cả cảng biển, bến thủy nội địa theo hướng đa mục tiêu vừa tạo động lực, khai thác tiềm năng về kinh tế biển.

Đường ven biển Bình Tiên - Cà Ná kết nối mạng lưới giao thông khu vực, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Ảnh: Duy Anh

Để thực hiện được các mục tiêu trên, ngành GTVT tập trung tham mưu UBND tỉnh tiếp tục xúc tiến kêu gọi đầu tư, xúc tiến đẩy nhanh tiến độ thực hiện một số dự án lớn hết sức quan trọng có ý nghĩa bứt phá, tăng tốc sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh của tỉnh. Cụ thể, sớm hoàn thành toàn bộ dự án Nâng cấp mở rộng tuyến Quốc lộ 27 qua địa bàn; đầu tư tuyến đường vành đai và đường nối từ Quốc lộ 27B đến Lâm Đồng (tuyến tránh qua đèo Ngoạn Mục); Phối hợp với tỉnh Lâm Đồng kiến nghị Bộ GTVT sớm triển khai đầu tư phục hồi tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt nhằm tăng cường phát triển du lịch. Kêu gọi đầu tư xây dựng Cảng biển quốc tế Cà Ná tiếp nhận tàu đến 50.000 tấn, nâng cấp cảng Ninh Chữ thành cảng hàng hóa tiếp nhận tàu đến 10.000 tấn; thực hiện Đề án và tổ chức đấu thầu lại vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt để thay thế doanh nghiệp xe buýt đang hoạt động đã hết thời gian hợp đồng. Tranh thủ tối đa sự hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương; sử dụng hợp lý và hiệu quả nguồn vốn từ Quỹ bảo trì đường bộ để sửa chữa kịp thời các tuyến đường nhằm bảo đảm cho hệ thống giao thông đường bộ của tỉnh luôn được an toàn, thông suốt.

Phát huy tinh thần đoàn kết và truyền thống của quê hương Ninh Thuận, ngành GTVT cùng các ngành, địa phương trong tỉnh quyết tâm xây dựng quê hương Ninh Thuận ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.