Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm: Vươn mình phát triển

Sau 28 năm tái lập tỉnh (1992-2020), từ một thị xã nhỏ bé, đến nay Phan Rang - Tháp Chàm đã trở thành đô thị loại II. Qua 6 kỳ đại hội, mỗi thời kỳ, Đảng bộ thành phố Phan Rang - Tháp Chàm đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho người dân, xây dựng thành phố ngày càng phát triển.

Những ngày đầu tái lập tỉnh, Phan Rang- Tháp Chàm đối diện với nhiều khó khăn, thử thách: cơ sở vật chất phục vụ cho sản xuất và đời sống lạc hậu, nghèo nàn; đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn; đặc biệt tình trạng thiếu việc làm là vấn đề bức xúc xã hội… Để khôi phục, xây dựng, kiến thiết kinh tế- xã hội, Phan Rang- Tháp Chàm đã bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ VI, nhiệm kỳ 1991-1995, với mục tiêu: Tăng cường đoàn kết toàn dân, khắc phục khuyết điểm, tồn tại, khai thác mọi tiềm năng, ổn định một bước phát triển kinh tế- xã hội, giữ vững an ninh chính trị trật tự và an toàn xã hội, giao dịch hàng hóa và dịch vụ, cùng 5 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm; trong đó nhiệm vụ quan trọng nhất là phát huy mọi khả năng các thành phần kinh tế dưới sự quản lý của Nhà nước, ổn định và sản xuất an toàn, giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ dân số, ổn định và cải thiện đời sống nhân dân. Với sự quyết tâm, đồng thuận của toàn Đảng bộ và nhân dân, kinh tế thị xã đạt tốc độ tăng trưởng khá. Cơ chế quản lý kinh tế mới bắt đầu hình thành và hoạt động hiệu quả. Nền kinh tế hàng hóa với nhiều thành phần kinh tế tiếp tục phát triển. Nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra, làm nền tảng cho những chặng đường tiếp theo trong công cuộc khôi phục, xây dựng và phát triển.

Một góc Tp. Phan Rang - Tháp Chàm. Ảnh: D.A

Nỗ lực, quyết tâm, khát vọng vươn lên đã được đền đáp xứng đáng. Năm 2007, Phan Rang- Tháp Chàm vinh dự được Chính phủ “thăng hạng” công nhận là thành phố thuộc tỉnh, tạo thêm động lực, niềm tin cho toàn Đảng bộ, các tầng lớp nhân dân đoàn kết, nỗ lực, phấn đấu quyết tâm đưa thành phố vươn lên trở thành đô thị văn minh, hiện đại, thân thiện với môi trường. Trên cơ sở đánh giá, nhận định tình hình phát triển, Đảng bộ đã nhanh chóng thay đổi chiến lược phát triển, cơ cấu lại nền kinh tế từ công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp, thương mại- dịch vụ, nông nghiệp-thủy sản thành thương mại- dịch vụ, công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp- thủy sản. Đặc biệt, nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết 06- NQ/TU ngày 8-12-2011 của Tỉnh ủy về “Xây dựng Tp.Phan Rang- Tháp Chàm đạt chuẩn đô thị loại II vào năm 2015, định hướng phát triển đến năm 2020”, thành phố đã bắt tay hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch sử dụng đất; trên cơ sở đó, định hướng, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển, đặc biệt quan tâm đến đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, chỉnh trang đô thị và hình thành các khu đô thị mới, tạo dấu ấn, diện mạo mới cho thành phố.

Những năm qua, hàng loạt dự án cầu, đường với tổng kinh phí hàng nghìn tỷ đồng được xây dựng và đi vào hoạt động. Trước tiên phải kể đến các tuyến như Quốc lộ 1, đoạn qua trung tâm thành phố (đường Lê Duẩn); tuyến tránh Quốc lộ 27 về hướng Lâm Đồng; tỉnh lộ 702, 703, 704... Gắn kết với các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ là hệ thống các trục đường phố chính, tuyến đường nội thành được đầu tư xây mới, mở rộng, như: tuyến đường đôi phía Bắc vào thành phố, tuyến đường Nguyễn Văn Cừ-Nguyễn Thị Minh Khai, Trường Chinh, Trần Phú, Hải Thượng Lãn Ông…; đặc biệt, công trình cầu An Đông có tổng kinh phí trên 1.300 tỷ đồng, nối hai bờ sông Dinh tại thôn Phú Thọ, phá thế chia cắt và kết nối thành phố với các huyện Ninh Phước, Thuận Nam, tạo thành chuỗi liên kết du lịch trong tỉnh cũng như khu vực Nam Trung Bộ và là điểm nhấn cho tuyến đường ven biển Bình Tiên- Cà Ná, có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế thành phố nói riêng và cả tỉnh nói chung. Các dự án lớn như Khu đô thị mới Đông Bắc, Khu đô thị biển Bình Sơn- Ninh Chữ…không những mở rộng không gian đô thị mà còn giúp thành phố hình thành những khu mua sắm sầm uất, thông thương hàng hóa, phát triển sản xuất, tạo bước đột phá phát triển.

Cầu An Đông tạo kết nối Tp. Phan Rang-Tháp Chàm với các huyện Ninh Phước, Thuận Nam
góp phần tạo thuận lợi cho giao thương và phát triển du lịch. Ảnh: Văn Nỷ

Bên cạnh đó, thành phố tập trung các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế gắn với giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội, quốc phòng an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Trong lĩnh vực kinh tế, thành phố xác định lấy thương mại-dịch vụ, du lịch là ngành mũi nhọn, công nghiệp-xây dựng là động lực để tạo đột phá phát triển. Với sự nỗ lực, quyết tâm, đồng thuận của toàn Đảng, toàn dân, định hướng đúng đắn, giải pháp hiệu quả đã giúp thành phố đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực, minh chứng sự trưởng thành vượt bậc. Năm 2015, thành phố vinh dự được công nhân đạt chuẩn đô thị loại II. Năm 2010, tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế đạt 6.427 tỷ đồng, thì đến năm 2015 là 9.869 tỷ đồng và đến năm 2020, ước đạt 16.818 tỷ đồng. Trong đó, thương mại- dịch vụ là ngành kinh tế mũi nhọn đóng góp đáng kể cho tăng trưởng của thành phố, với tỷ trọng chiếm 63%; tiếp đó là công nghiệp- xây dựng chiếm khoảng 30%. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2015 là 1.534 tỷ đồng thì đến cuối năm 2019 gần 2.520 tỷ đồng, ước năm 2020 gần 2.639 tỷ đồng.

Ấn tượng đổi thay của thành phố trẻ còn được thể hiện qua những chỉ tiêu phát triển đô thị, chỉ tiêu phát triển xã hội. Ước tính đến cuối năm 2020, mật độ cây xanh đô thị, cây xanh công cộng hiện đã tăng lên đạt ở mức 9 m2/người; 100% người dân được sử dụng nước sạch sinh hoạt; 98,5% rác thải đô thị được thu gom; 100% đường phố và 85% con hẻm được chiếu sáng; thu nhập bình quân đầu người đạt 83,6 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,97%; 100% xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế...

Phát huy truyền thống cách mạng và những thành quả trong quá trình xây dựng và phát triển, những năm tiếp theo, Đảng bộ và nhân dân thành phố tiếp tục phát huy ý chí và khát vọng phát triển; năng động, sáng tạo; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; hoàn thiện và nâng cao chất lượng các tiêu chuẩn đô thị loại II, xây dựng Tp.Phan Rang- Tháp Chàm là đô thị xanh, môi trường an toàn, thân thiện, phát triển bền vững, từng bước trở thành đô thị văn minh, xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của tỉnh nhà.