Dấu ấn chặng đường 28 năm xây dựng và phát triển

Trải qua chặng đường 28 năm xây dựng và phát triển, đến nay Ninh Thuận đã qua 6 kỳ đại hội tỉnh Đảng bộ, từ Đại hội VIII (1992-1995) đến Đại hội XIII (2015 - 2020). Trong từng gia đoạn, tỉnh đã cụ thể hóa các Nghị quyết của Đảng bằng nhiều chương trình, đề án, kế hoạch để tổ chức thực hiện, nhờ đó kinh tế - xã hội (KT-XH) của địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực qua từng năm.

Biến bất lợi thành lợi thế phát triển

Tỉnh Ninh Thuận được tái lập từ ngày 1-4-1992 theo Nghị quyết kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa VIII. Khi mới tái lập, hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất thiếu thốn, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn. Trong bối cảnh đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sớm ổn định bộ máy, ổn định tư tưởng cho cán bộ, công chức, viên chức; đồng thời tập trung chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Đặc biệt, để phát huy tiềm năng, nội lực hướng đến phát triển bền vững, trong từng giai đoạn, tỉnh đã đánh giá, nhận diện và tranh thủ các nguồn lực để từng bước khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế. Dấu ấn nổi bật là vào năm 2010, tỉnh đã thuê nhà tư vấn nước ngoài: Tập đoàn Monitor của Mỹ và Arup của Anh lập Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1222/QĐ-TTg ngày 22-7-2011. Đây là bước đi tiên phong, qua đó giúp tỉnh xác định 6 nhóm, ngành, sản phẩm ưu tiên để biến bất lợi thành lợi thế phát triển phù hợp.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh tham quan Nhà máy Điện mặt trời BP Solar 1, xã Phước Hữu (Ninh Phước) trong ngày dự lễ khánh thành. Ảnh: Duy Anh

Trong lần về dự hội thảo tại tỉnh vào cuối năm 2019, Tiến sĩ Trần Du Lịch, Thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng nhóm tư vấn hợp tác phát triển vùng duyên hải miền Trung đánh giá: Khí hậu bán sa mạc đã biến Ninh Thuận thành vùng đất khắc nghiệt nhất cả nước, nhưng điều đó không thể khuất phục ý chí và tinh thần của người dân nơi đây. Minh chứng cụ thể là tỉnh đã lật ngược biến những bất lợi thế đó trở thành lợi thế bài bản để chuyển mình phát triển, đặc biệt là biến tiềm năng nắng - gió làm năng lượng tái tạo, biến tiềm năng rộng lớn về đất đai để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, biến đặc sắc về văn hóa của các dân tộc và biến nét hoang sơ của biển để phát triển du lịch đẳng cấp. Trong đó, có một số dự án trọng điểm, quy mô lớn, như Khu du lịch sinh thái Nam Núi Chúa, Mũi Dinh Ecopark; đặc biệt tại Ninh Thuận đã hình thành sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế với sự ra đời của khu nghỉ dưỡng Amanoi Resort bên bờ vịnh Vĩnh Hy.

Resort Amanoi (Ninh Hải). Ảnh: CTV

Không chỉ thuận lợi để phát triển năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) và du lịch, nắng - gió còn giúp cho Ninh Thuận phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao và trở thành đặc sản của địa phương như: nho, táo, hành, tỏi, măng tây, nha đam, dê, cừu... Bên cạnh đó, nhiều loại cây ăn trái như: bưởi da xanh, măng cụt, sầu riêng, chôm chôm..., cũng đơm bông kết trái, giúp người nông dân làm giàu ở những vùng đất một thời khô khát. Ngay cả những loài cây tưởng như chỉ trồng được ở những vùng có khí hậu ôn đới như: Dưa lưới, dâu Tây, nhưng hiện nay cũng đã trồng được ở xứ nắng Ninh Thuận và cho kết quả bất ngờ, góp phần làm phong phú và đa dạng các giống cây trồng, giúp cho người nông dân có cơ hội làm giàu từ chính mảnh vườn, thửa ruộng của mình.

Đột phá trong tăng trưởng kinh tế

Rút kinh nghiệm từ các địa phương đi trước, trong những năm gần đây, tư duy phát triển kinh tế của Ninh Thuận đã được các đồng chí lãnh đạo tỉnh mở rộng ra nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, trong công tác quy hoạch, xúc tiến, mời gọi đầu tư tỉnh đã đổi mới mang tính chủ động, có chiều sâu để chọn lựa những nhà đầu tư có quyết tâm và năng lực tốt nhất. Đi liền với đó, tỉnh còn chủ động đề xuất, kiến nghị các cơ chế, chính sách đối với Trung ương, nhờ đó tháng 8 năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP về thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh phát triển KT-XH, ổn định sản xuất, đời sống Nhân dân giai đoạn 2018 – 2023. Đây là những cơ chế, chính sách tập trung vào các nhóm ngành đột phá, trụ cột của tỉnh về phát triển năng lượng tái tạo, thủy điện tích năng, tổ hợp điện khí, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao.... qua đó, mở ra cơ hội có một không hai đối với các nhà đầu tư trong việc tham gia đầu tư vào địa bàn tỉnh.

Mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao Phúc Farm, xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn). Ảnh: Hữu Phương

Nhờ quyết tâm cải cách mạnh mẽ, đến nay Ninh Thuận đã mang một diện mạo hoàn toàn khác; tốc độ tăng trưởng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) hàng năm cao dần đều. Đà tăng trưởng được xác lập vững, sức hấp dẫn đầu tư của tỉnh tăng rõ nét. Cụ thể, nếu giai đoạn 1992 – 2016, GRDP bình quân đạt 8,7%/năm thì đến năm 2018 đạt 10,25%; đặc biệt năm 2019, GRDP của tỉnh đạt 13,18% (thuộc nhóm 5 tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất cả nước); đây cũng là năm thứ hai liên tiếp tỉnh thực hiện hoàn thành vượt mức 15/15 chỉ tiêu phát triển KT-XH. Riêng quý I-2020, tổng giá trị sản xuất các ngành đạt trên 7.915 tỷ đồng, tăng 10,8% so với cùng kỳ. Đáng chú ý là thu ngân sách, chỉ đạt vài chục tỷ đồng vào năm 1992, đến năm 2011 vượt qua ngưỡng 1.000 tỷ đồng và năm 2019 đã đạt con số trên 4.270 tỷ đồng, tăng gấp hàng chục lần so với năm 1992; trong đó thu nội địa đạt hơn 2.895 tỷ đồng, tăng 16,8% so với số thu năm 2018, hoàn thành trước 3 năm so với kế hoạch của cả nhiệm kỳ 5 năm (2015-2020). Về cơ cấu kinh tế đã có sự chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng ngành công nghiệp và xây dựng (CN&XD) tăng từ 15,8% năm 1992 lên 44,2% vào năm 2019; khu vực dịch vụ tăng từ 29,4% lên trên 40% và ngành nông, lâm, thủy sản giảm từ 54,8% năm 1992 xuống còn 39,5% năm 2019. Thu nhập bình quân đầu người liên tục tăng, từ 1,37 triệu đồng/người năm 1995 đến năm 2019 tăng lên 50,4 triệu đồng/người/năm. Tổng mức đầu tư toàn xã hội tăng từ 67,8 tỷ đồng năm 1992 lên trên 22.000 tỷ đồng vào năm 2019. Nhiều hồ, đập thủy lợi được đầu tư đưa vào khai thác, góp phần đưa diện tích gieo trồng tăng từ 47.708 ha năm 1992 lên trên 82.260 ha vào năm 2019.

Công nhân Công ty TNHH Thông Thuận - Chi nhánh Ninh Thuận chế biến tôm xuất khẩu. Ảnh: V.Miên

Hướng tới thành công, trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước, thời gian qua tỉnh tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư nên đã thu hút được các tập đoàn, tổng công ty lớn, có thương hiệu, năng lực, uy tín trong và ngoài nước. Năm 2018, thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của tỉnh đạt 8.000 tỷ đồng và lần đầu tiên nằm trong tốp 10 tỉnh có thu hút đầu tư FDI cao nhất cả nước. Năm 2019, thu hút vốn đăng ký đầu tư của tỉnh tiếp tục cán đích 24.000 tỷ đồng, với 34 dự án. Riêng lĩnh vực năng lượng, đến thời điểm đầu năm 2020, trong tổng số 31 dự án được cấp quyết định chủ trương đầu tư đã có 3 dự án điện gió, 18 dự án điện mặt trời đưa vào vận hành, khai thác, với tổng công suất hòa lưới điện quốc gia đạt trên 1.330MW. Các dự án điện gió, điện mặt trời đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành giai đoạn 2018 – 2019 với tiến độ đầu tư nhanh, an toàn đã bổ sung kịp thời nguồn điện mới cho hệ thống điện quốc gia, góp phần quan trọng đảm bảo cung ứng điện cho phát triển KT-XH và nhu cầu sinh hoạt của người dân. Qua đó, thúc đẩy giá trị sản xuất ngành CN&XD của tỉnh trong năm qua đạt trên 13.680 tỷ đồng, tăng 26,4% so với cùng kỳ. Trong quý I-2020, mặc dù phải chịu tác động kép: Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường và tình hình hạn hán đang diễn ra, nhưng giá trị sản xuất ngành CN&XD vẫn đạt trên 3.448 tỷ đồng, tăng 23,2%.

Kỳ vọng bước tăng trưởng mới

Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, trong giai đoạn 2021-2030, các nhóm ngành: Năng lượng sạch; du lịch; nông-lâm-thủy sản; sản xuất chế biến; giáo dục đào tạo; kinh doanh bất động sản tiếp tục là ưu tiên phát triển của Ninh Thuận. Để khai thác hết tiềm năng, lợi thế to lớn từ 6 nhóm trụ cột này, cuối năm 2019, tỉnh ta đã tổ chức Hội thảo “Định hướng phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2020 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Tại hội thảo này, nhiều nhà khoa học, chuyên gia kinh tế hàng đầu của Việt Nam được tỉnh mời tham dự. Qua đó, tỉnh đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp, nhiều gợi mở định hướng, cách tiếp cận mới để thực hiện có hiệu quả định hướng phát triển trong giai đoạn tới.

Điện gió Đầm Nại (Thuận Bắc) đã đi vào hoạt động thương mại. Ảnh: Văn Nỷ

Đồng chí Lưu Xuân Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Trên cơ sở các ý tưởng hay, có giá trị thực tiễn đã được trình bày, thảo luận tại hội thảo, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiếp thu, nghiên cứu để bổ sung, phát triển thành các đề án, giải pháp cụ thể để tổ chức triển khai thực hiện. Theo đó, nhiệm vụ trọng tâm mà tỉnh ưu tiên trong 5 năm tới, đó là tiếp tục tận dụng có hiệu quả các cơ chế, chính sách mà Chính phủ đã ban hành tại Nghị quyết số 115/NQ-CP để phát triển ngành năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) trở thành trung tâm đi đầu trong cả nước. Trước mắt trong năm 2020 chủ động phối hợp Bộ Công Thương và Tập đoàn điện lực Việt Nam để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình truyền tải, đảm bảo giải tỏa công suất nguồn năng lượng tái tạo đã được phê duyệt, bổ sung quy hoạch.

Đối với từng dự án, tỉnh thể hiện quyết tâm tạo sự đồng thuận về mục tiêu phát triển; thực hiện tốt việc an dân trong các vùng dự án; đồng thời chứng minh cho người dân thấy được lợi ích khi chuyển đổi cơ cấu kinh tế, thay đổi nghề nghiệp ở các vùng dự án bằng cách tập trung việc đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho hộ dân các vùng dự án. Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh khai thác tiềm năng, lợi thế dọc hai bên tuyến đường ven biển để phát triển kinh tế biển; thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng cho tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn qua tỉnh; chủ động trong các chương trình liên kết vùng, tập trung xây dựng đề xuất phát triển các chương trình phát triển du lịch chung của vùng tam giác Nha Trang - Phan Rang - Đà Lạt... Phấn đấu kết thúc năm 2020 đưa tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 11-12%; GRDP bình quân đầu người đạt 59 - 60 triệu đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt khoảng 23.000 – 25.000 tỷ đồng; giải quyết việc làm mới cho khoảng 16.500 lao động; giảm tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) từ 1-1,5%....

Để đạt được mục tiêu trên, theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, Ninh Thuận cần phải có một quyết tâm chính trị cao; cần đề ra nhiều chính sách để huy động nguồn lực, trước mắt tận dụng thời cơ, tạo bước đột phá với 3 trụ cột kinh tế (năng lượng, du lịch, nông ngư nghiệp và công nghiệp chế biến). Đi liền với đó phải tạo môi trường đầu tư mang tính cạnh tranh vượt trội, ưu tiên cải thiện 3 nhân tố: chính sách, thể chế; đào tạo nguồn nhân lực và chính sách thu hút nguồn nhân lực; đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông. Đồng thời, phải thu hút được các doanh nghiệp, các tập đoàn kinh tế lớn, phải mở rộng liên kết vùng và tận dụng được các cơ chế, chính sách để Trung ương trao thêm quyền, thêm lực, quyết tâm tạo sự bứt phá, “vượt đích” các chỉ tiêu KT-XH mà UBND tỉnh đã đề ra. Kết quả này không chỉ tạo đà cho nhiệm kỳ mới 2020-2025, đây còn là động lực để Ninh Thuận hướng đến phát triển ngang tầm các tỉnh, thành phố trong khu vực và cả nước.