Chiến thắng Phan Rang tháng 4-1975: Một số vấn đề về nghệ thuật quân sự

Sau những chiến thắng vang dội trên mặt trận Tây Nguyên, Huế, Đà Nẵng, quân và dân ta đã tiêu diệt, làm tan rã hai quân đoàn, hai quân khu, giải phòng toàn bộ Tây Nguyên và hầu hết các tỉnh Duyên hải miền Trung, phá hủy, thu giữ nhiều vũ khí trang bị, phương tiện chiến tranh, làm đảo lộn thế chiến lược của địch, tạo ra cục diện chiến lược hoàn toàn có lợi cho cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân năm 1975.

Song với bản chất ngoan cố, xảo quyệt, trong cơn tuyệt vọng chính quyền Nguyễn Văn Thiệu cùng với quan thầy Mỹ cố gắng tập trung sức lực còn lại nhằm chặn đứng cuộc tiến công của ta, giữ vững phần đất còn lại cho đến mùa mưa, cùng với những nỗ lực ngoại giao để đi đến một “cuộc đàm phán công bằng” trên bàn thương lượng. Theo đó, Thiệu quyết định thiết lập tuyến phòng thủ từ xa bảo vệ Sài Gòn.

Về nội bộ, để lập lại kỷ cương, vực dậy tinh thần của binh lính Việt Nam Cộng hòa vốn đã dao động cực độ, làm giảm sức ép của Mỹ và các đảng phái chính trị ở Sài Gòn, Thiệu đã ra lệnh bắt giam ba viên tướng đã để mất Phước Long, Tây Nguyên, Nha Trang, bổ nhiệm Nguyễn Bá Cẩn, Chủ tịch Quốc hội thay Trần Thiện Khiêm kiêm Thủ tướng Chính quyền Sài Gòn. Về quân sự, Thiệu cho sáp nhập phần còn lại của Quân khu 2 vào Quân khu 3, thiết lập Sở Chỉ huy tiền phương do Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi trực tiếp chỉ huy, xây dựng Phan Rang thành tuyến phòng thủ mạnh, thực hiện thủ đoạn ngoại giao tác động vào một số nước mà chúng cho rằng có thể buộc ta phải ngồi vào bàn thương lượng, ngăn chặn đà tiến công và thắng lợi của ta nhằm đạt tới mục tiêu chính trị của họ như những gì đã diễn ra trong lịch sử.

Ngày 3-4-1975, Nguyễn Văn Thiệu đã trình bày trước Phó đại sứ Hoa Kỳ Lehman và Tướng Fredrick C.Weyand bản kế hoạch “Nỗ lực tối đa” nhằm giữ vững những phần đất còn lại. Để thực hiện ý đồ, đích thân Nguyễn Văn Toàn, Tư lệnh Quân đoàn 3, cùng với Nguyễn Vĩnh Nghi, Phó Tư lệnh và Chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang, Tư lệnh Sư đoàn 6 Không quân tổ chức xây dựng tuyến phòng thủ Phan Rang. Lực lượng phòng thủ Phan Rang gồm: Sư đoàn 2 với 2 trung đoàn bộ binh; Liên đoàn 31 biệt động quân; Lữ đoàn 2 dù, 4 tiểu đoàn bảo an; Sư đoàn 6 không quân với hơn 150 máy bay các loại ở sân bay Thành Sơn, hải quân ở cảng Ninh Chử cùng nhiều xe tăng, pháo binh các loại. Quá trình tác chiến được các căn cứ không quân Biên Hòa và lực lượng hải quân ở phía sau chi viện. 

Bộ đội đánh chiếm Tòa hành chính - cơ quan đầu não của chính quyền tỉnh Ninh Thuận lúc 9 giờ 30 phút, ngày 16-4-1975. Ảnh tư liệu

Về ta, nhiệm vụ tiến công đập tan tuyến phòng thủ Phan Rang, tiêu diệt, làm tan rã, phá hủy, thu giữ toàn bộ vũ khí trang bị, cơ sở vật chất kỹ thuật của địch, giải phóng hoàn toàn tỉnh Ninh Thuận được giao cho Sư đoàn 3 (đoàn Sao Vàng). Đây là lực lượng phái đi trước trong đội hình tiến công của Cánh quân Duyên hải miền Trung do Trung tướng Lê Trọng Tấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng làm Tư lệnh. Sư đoàn được biên chế 3 Trung đoàn Bộ binh, 1 Trung đoàn Pháo binh, 1 Tiểu đoàn Pháo cao xạ 37 ly; được tăng cường Trung đoàn 25 thuộc Quân đoàn 3 và Trung đoàn 101 thuộc Quân đoàn 2 cùng với 1 tiểu đoàn xe tăng, xe bọc thép.

Xe tăng quân giải phóng truy kích quân địch tại cửa ngõ vào sân bay Thành Sơn. Ảnh tư liệu

Sau ba ngày đêm kiên quyết, liên tục tiến công từ ngày 14 đến 16-4-1975, ta đã tiêu diệt, loại khỏi vòng chiến đấu 2675 tên địch, bắt sống 1.675 tên, trong đó có Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, Chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang, 1 Đại tá cố vấn Mỹ và toàn bộ sĩ quan, nhân viên chuyên môn kỹ thuật thuộc Sở Chỉ huy tiền phương của Quân đoàn 3, thu giữ 40 máy bay các loại, 37 khẩu pháo, thu và phá hủy nhiều vũ khí trang bị, cơ sở vật chất kỹ thuật của địch, giải phóng hoàn toàn tỉnh Ninh Thuận.

Thắng lợi của trận đánh Phan Rang đã góp phần tạo điều kiện cho mặt trận Xuân Lộc nhanh chóng giành thắng lợi. Cùng với chiến thắng Xuân Lộc, ta đã đập tan tuyến phòng thủ từ xa của địch, mở toang cánh cửa tiến vào Sài Gòn, để các binh đoàn cơ động chiến lược, quân giải phóng nhanh chóng, triển khai đội hình tiến công, hình thành thế bao vây, áp sát Sài Gòn từ nhiều hướng, làm suy sụp hoàn toàn tinh thần chiến đấu của quân đội Việt Nam Cộng hòa, buộc Nguyễn Văn Thiệu phải từ chức, tạo ra thời cơ thực hiện tổng công kích, tổng khởi nghĩa, giành thắng lợi quyết định kết thúc chiến tranh trong tháng 4-1975.

Tiến công địch tại Hộ Diêm. Ảnh tư liệu

Từ thắng lợi của trận đánh Phan Rang tháng 4-1975, bước đầu rút ra một số vấn đề về nghệ thuật quân sự có thể tiếp tục nghiên cứu, phát triển, vận dụng trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc tương lai, đó là:

Thứ nhất, triệt để tận dụng thế và thời cơ do chiến lược tạo ra, tích cực, chủ động tạo thế trận vững chắc, chuyển hóa linh hoạt, tạo bất ngờ trong tiến công.

Lực lượng, mưu kế, thế trận và thời cơ là những vấn đề cốt lõi của nghệ thuật quân sự, nhân tố hợp thành tạo ra sức mạnh tổng hợp lớn nhất để giành thắng lợi trong tác chiến và chiến tranh. Các nhân tố này luôn vận động biến đổi, phụ thuộc trước hết vào nỗ lực chủ quan của ta, trên cơ sở tận dụng lợi thế và thời cơ do cấp trên tạo ra, kịp phát hiện, tận dụng, khoét sâu những sai lầm của địch để tạo lập thế trận hiểm hóc, vững chắc, linh hoạt, bảo đảm luôn đánh địch trong thế chủ động, là điều kiện quyết định thắng lợi ở cả quy mô chiến lược, chiến dịch và chiến đấu. Sau các đòn tiến công chiến lược ở mặt trận Tây Nguyên, Huế, Đà Nẵng, thế trận chiến lược của địch đã bị phá vỡ và đảo lộn, tương quan thế, lực chiến lược đã thay đổi có lợi cho ta, tinh thần binh lính địch dao động mạnh... là điều kiện, thời cơ để ta nhanh chóng cơ động một lực lượng lớn, vượt qua hơn 400 km, sớm triển khai tiến công vào tuyến phòng thủ của địch ở Phan Rang trong thế chưa hoàn chỉnh là một bất ngờ cho địch. Khi ta thực hành đột phá vào tuyến phòng thủ Phan Rang rõ ràng lúc này yếu tố bí mật, bất ngờ đã rất hạn chế, nhưng bằng nghệ thuật tạo lập, chuyển hóa thế trận khéo léo và linh hoạt, ta đã tiếp tục gây cho địch những bất ngờ mới cả về thời cơ, cách đánh và hướng tiến công.

Thứ hai, vận dụng linh hoạt, sáng tạo cách đánh trong hành tiến, kiên quyết, liên tục tiến công, luôn đánh địch trong thế chủ động.

Tận dụng, phát huy cao độ hiệu quả và yếu tố bất ngờ của các đòn tiến công chiến lược tạo ra, luôn đánh địch trong thế chủ động, vận dụng sáng tạo cách đánh địch trong hành tiến là một thành công, bước phát triển mới của ta về nghệ thuật quân sự. Thông thường để chuẩn bị cho trận đánh cấp trung đoàn, sư đoàn tiến công địch phòng ngự trong công sự, công tác tổ chức, chuẩn bị chiến đấu cần phải có thời gian, thường là tương đối dài, với các bước công tác được tiến hành một cách cụ thể, tỉ mỉ theo một quy trình khá nghiêm ngặt. Tuy nhiên, để tận dụng, nắm được thời cơ chiến lược tạo ra, luôn đánh địch trong thế chủ động, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ của chiến trường, các lực lượng của ta đã quán triệt, thực hiện nghiêm túc tư tưởng chỉ đạo “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”. Với tinh thần thời gian là lực lượng, thời gian là sức mạnh; đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, các cấp cùng với tất cả chiến sĩ trong lực lượng vũ trang và nhân dân khắc phục mọi khó khăn, làm tốt công tác chuẩn bị, kiên quyết, liên tục tiến công địch trong hành tiến là một yếu tố quan trọng tạo ra sức đột phá mạnh, giành thắng lợi nhanh, hạn chế được thương vong, tổn thất. Để tiến công địch trong hành tiến, việc tổ chức ra một bộ phận cán bộ đi trước có một số thành phần cơ bản, vừa đi vừa nắm địch, vận dụng nhiều phương pháp nắm địch, vừa cơ động vừa hình thành quyết tâm, sơ bộ giao nhiệm vụ, chỉ thị hiệp đồng; kết hợp chặt chẽ với cấp trên cùng xác định, điều chỉnh quyết tâm, bổ sung nhiệm vụ, bổ sung, điều chỉnh hiệp đồng trong giai đoạn chuẩn bị cũng như trong suốt quá trình thực hành tiến công; vừa đánh địch vừa triển khai đội hình chiến đấu, cùng với tác phong chỉ huy sâu sát, kiên quyết, linh hoạt, kịp thời... là những giải pháp quan trọng bảo đảm cho tiến công địch trong hành tiến giành thắng lợi.

Thứ ba, vận dụng cách đánh linh hoạt, sáng tạo, kết hợp chặt chẽ các hình thức, thủ đoạn tác chiến và đấu tranh tạo ra hiệu xuất chiến đấu cao.

Nhiệm vụ tiến công tiêu diệt địch ở tuyến phòng thủ Phan Rang diễn ra trên không gian rộng lớn với nhiều đối tượng địch ở các trạng thái khác nhau, tính chất các loại mục tiêu cũng rất đa dạng, như: địch phòng ngự trong căn cứ sân bay Thành Sơn, phòng ngự có công sự kiên cố, tương đối kiên cố, có vật cản khá phức tạp như chi khu quân sự Du Long, ấp Suối Đá…; hoặc mới chyển vào phòng ngự công sự, vật cản còn sơ sài như cụm phòng ngự ở Bà Râu, Kiền Kiền, Ba Tháp… địch đổ bộ đường không ở khu vực Kiền Kiền, Ba Tháp…; cơ động phản kích ngoài công sự trên hướng Đường 11 do Trung đoàn 25 đảm nhiệm… Theo đó, tâm lý, tinh thần chiến đấu của mỗi loại đối tượng địch cũng khác nhau. Vì thế, việc lựa chọn, vận dụng kết hợp chặt chẽ các hình thức, thủ đoạn tác chiến và đấu tranh có ý nghĩa rất quan trọng. Để nhanh chóng phá vỡ thế trận phòng ngự của địch, Sư đoàn đã sử dụng, kết hợp chặt chẽ các thủ đoạn chiến đấu như: đột phá chính diện vào chi khu quân sự Du Long, kết hợp với hai mũi vu hồi đánh vào ấp Bà Râu, từ đó hình thành thế bao vây, tiến công quân địch phòng ngự ở ấp Suối Đá, phát triển tiến công vào phía sau chi khu quân sự Du Long, cùng với mũi vu hồi chia cắt, chặn đứng con đường rút ra biển, đã nhanh chóng phá vỡ cửa ải Du Long, để lực lượng bộ binh và xe tăng thọc sâu đánh chiếm thị xã. Phối hợp với lực lượng tiến công trên các hướng, lực lượng pháo binh đã chế áp có hiệu quả quân địch, chi viện đắc lực cho bộ binh cùng xe tăng, xe bọc thép tiến công; pháo binh, cao xạ khóa chặt được sân bay Thành Sơn… Kết hợp chặt chẽ với các đòn tiến công về quân sự, các lực lượng của ta đã tích cực chủ động sử dụng đòn tiến công binh vận đã góp phần quan trọng làm tan rã nhanh lực lượng địch trên tuyến phòng thủ Phan Rang, bắt sống 1.675 tên trong đó có hai tướng địch, thu nhiều vũ khí trang bị, hạn chế thương vong, tổn thất là một thành công về nghệ thuật quân sự.

Thứ tư, kết hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương, phát huy sức mạnh tác chiến hiệp đồng binh chủng, liên tục tiến công, tạo sức đột phá nhanh, mạnh làm thất bại mọi ý đồ, hành động của địch.

Nhân dân tham gia lễ mít-tinh chào mừng năm đầu tiên giải phóng Ninh Thuận. Ảnh tư liệu

Sức mạnh của địch ở tuyến phòng thủ Phan Rang là phòng ngự trong công sự, có hỏa lực không quân, pháo binh, hải quân tại chỗ chi viện mạnh, có khả năng cơ động nhanh từ lực lượng không quân ở sân bay Thành Sơn, hải quân ở Ninh Chử cùng với xe tăng, xe bọc thép trên tuyến phòng thủ Phan Rang. Muốn tạo được sức tiến công, đột phá mạnh, nhanh chóng phá vỡ tuyến phòng thủ có tổ chức của địch, cần phát huy sức mạnh tổng hợp của các quân, binh chủng, của lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương bằng tác chiến hiệp đồng, là một nội dung nghệ thuật quan trọng. Để tận dụng thời cơ, tạo bất ngờ cho địch, Sư đoàn đã hiệp đồng chặt chẽ với chính quyền, nhân dân địa phương huy động gần 1.000 lượt ô tô các loại, nhanh chóng đưa toàn bộ lực lượng, phương tiện đến nơi tập kết an toàn, kịp triển khai đánh địch trong thế chủ động đã là một thắng lợi. Phát huy sức mạnh sở trường của lực lượng pháo binh, phòng không, xe tăng; chỉ với hai khẩu pháo 85 ly, 1 đại đội pháo cao xạ, kết hợp với một số đòn đánh tập trung của pháo binh ở một số thời điểm quan trọng, được hiệp đồng chặt chẽ, cùng với lực lượng vũ trang địa phương, ta đã khống chế có hiệu quả lực lượng không quân, pháo binh địch, tạo điều kiện cho các trung đoàn nhanh chóng đột phá tiến công trên các hướng. Tận dụng thời cơ, khi cửa ải Du Long bị phá vỡ, hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng tiến công trên các hướng, dưới sự chi viện mạnh mẽ của hỏa lực pháo binh, phòng không, Trung đoàn 101 cùng với tiểu đoàn xe tăng đã nhanh chóng thọc sâu vượt qua một số điểm phòng ngự bên ngoài, đánh thẳng vào trung tâm thị xã, làm suy sụp hoàn toàn sức kháng cự của địch, nhanh chóng phát triển giải phóng hoàn toàn tỉnh Ninh Thuận, tạo đà phát triển giải phóng Phan Thiết, Hàm Tân… góp phần tạo thế cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, kết thúc chiến tranh.

Niềm vui được mùa của bà con nông dân sau ngày giải phóng 16-4. Ảnh tư liệu

Trận đánh Phan Rang là một trận đánh lớn của Cánh quân Duyên hải ở giai đoạn cuối của chiến tranh giải phóng, đã để lại cho chúng ta những kinh nghiệm hay về nghệ thuật quân sự, là những gợi ý cho nhiệm vụ nghiên cứu phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Theo Kỷ yếu Hội thảo khoa học Đập tan “lá chắn thép” Phan Rang -Ý nghĩa và bài học lịch sử