Những cánh chim hòa bình trên vùng đất CH Nam Sudan

Phát huy truyền thống phụ nữ Việt Nam “Anh hùng bất khuất - Trung hậu đảm đang”, thế hệ những nữ chiến sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay lại tiếp tục viết nên trang sử mới.

Những chiến sỹ “Mũ nồi xanh” khoác trên mình bộ quân phục trang nghiêm có lá cờ Tổ quốc trên ngực sẵn sàng nhận nhiệm vụ tham gia gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc ở CH Nam Sudan.

Những bông hoa trên đất thép

Trong điều kiện khó khăn, khắc nghiệt về các tiêu chuẩn, quy trình nghiêm ngặt của Liên hợp quốc, các cán bộ, chiến sĩ Bệnh viện dã chiến cấp 2.1 của Việt Nam đã nêu cao truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” để thích nghi với điều kiện làm việc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ gìn giữ hòa bình (GGHB) tại một đất nước còn nhiều thiếu thốn.

Các chiến sỹ "Mũ nồi xanh" thuộc Cục gìn giữ hòa bình Việt Nam làm nhiệm vụ tham gia gìn giữ hòa bình ở CH Nam Sudan. Ảnh Sa Minh Ngọc.

Là một trong “10 bông hoa” của Bệnh viện dã chiến cấp 2.1, Thiếu úy chuyên nghiệp Phạm Thị Thùy, điều dưỡng trưởng khoa của Khoa Ngoại 1 Bệnh viện dã chiến 2.1 (sinh 1993) đang công tác tại bệnh viện Quân Y 175 không thể quên được những tháng ngày công tác tại vùng đất chiến sự CH Nam Sudan. Đó là một trải nghiệm thú vị của tuổi thanh xuân mà không phải ai cũng có được và đó cũng là niềm tự hào của Thùy khi được chọn đứng trong hàng ngũ những chiến sĩ “mũ nồi xanh” thực hiện nhiệm vụ quốc tế ở CH Nam Sudan.

“Khi mới nhận quyết định tham gia lực lượng GGHB, bố mẹ tôi rất lo lắng, chỉ sợ tôi khổ. Nhưng khi biết được nguyện vọng của tôi, bố mẹ cũng rất tự hào và ủng hộ tôi phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Ban Chỉ huy giao phó”, Thiếu úy Thùy chia sẻ.

Những ngày đầu mới sang Nam Sudan, cái gì cũng mới lạ, từ điều kiện môi trường, thời tiết, khí hậu, công việc, đồ ăn…, cô và mọi người đều phải học cách thích nghi. Thùy cho biết, vì không quen với điều kiện sống bên này và cũng không liên lạc được với gia đình nên tuần đầu tiên cô bị stress nặng, rồi dẫn đến những cơn đau dạ dày cũ tái phát.

Còn với Trung uý Sa Minh Ngọc, Trợ lý Phòng Công tác địa bàn, Cục GGHB Việt Nam, nguyên là sỹ quan hành chính, Phụ trách Phòng Tác chiến và bộ phận hành chính thuộc Ban Điều hành Bệnh viện dã chiến 2.1 thì trước khi chính thức lên đường thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ GGHB LHQ tại CH Nam Sudan, chị đã từng được nghe qua những câu chuyện, bài học chia sẻ kinh nghiệm từ các sỹ quan đi trước nên Ngọc cũng lường trước được phần nào những khó khăn, vất vả mà mình cũng như các đồng đội sẽ phải đối mặt tại địa bàn. Nhất là với các nữ chiến sĩ thì những khó khăn, vất vả đó lại tăng lên gấp bội (về điều kiện ăn, ở, sinh hoạt, công việc…). Bên cạnh những vật chất thiết yếu để phục vụ sinh hoạt trong hơn một năm tại Phái bộ, có thể nói, hành trang quan trọng nhất mà Ngọc và các đồng đội mang theo trước khi lên đường có lẽ chính là sự quyết tâm và ý chí, tinh thần trách nhiệm để hoàn thành tốt nhiệm vụ, an toàn trở về.

Nhớ lại những ngày đầu đặt chân đến vùng đất Bentiu, CH Nam Sudan, thiếu úy Phạm Thị Thùy kể, dù đã tìm hiểu qua sách báo, xem trên mạng rất nhiều nhưng cô vẫn không thể tưởng tượng được thời tiết ở đây lại khắc nghiệt như thế. Nắng nóng đến nỗi muốn cháy da cháy thịt. Mùa khô thì bụi mịn như bột mì dày từng lớp từng lớp, tới mùa mưa những lớp bụi mịn đó lại trở nên bết nhão dính chặt như lớp đường mạch nha.

Có lẽ khó khăn nhất của vùng đất này chính thiếu nước. Thiếu úy Thùy cho biết, thông thường khoảng tháng 3 đã mưa nhưng vào năm đơn vị làm nhiệm vụ phải tới tháng 4-5 mới có mưa. Thiếu nước tắm và nước sinh hoạt, mọi người phải đi xin nước ở ngoài, rồi cùng nhau dùng rất dè xẻn để đảm bảo đủ nước cho hoạt động ở bệnh viện.

Trung uý Sa Minh Ngọc, Trợ lý Phòng Công tác địa bàn, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam tham gia gìn giữ hòa bình ở CH Nam Sudan. Ảnh NVCC.

“Anh em trong đơn vị thường tắm xong rồi lấy lại nước tắm đó để giặt đồ. Thiếu nước, nhiều khi các chiến sĩ nam nhường nước cho chị em. Hay có những lần nước đục trắng, mọi người cũng phải tắm và nói đùa với nhau là mình đang tắm bằng sữa”, Thùy cười nói.

Mùa mưa tới đặc sản của vùng này là muỗi và sốt rét. Thiếu úy Thùy cho hay, mặc dù hàng tuần đã phun thuốc khử trùng và dọn vệ sinh nhưng cũng không tránh được ký sinh trùng dẫn tới bệnh sốt rét. Cũng có một số anh em trong đơn vị mắc phải căn bệnh này. Tuy hầu hết các nữ quân nhân không bị sốt rét nhưng lại trải qua những đợt cúm mùa, dị ứng da vì nguồn nước sinh hoạt không đảm bảo hay thời tiết hanh khô khiến cho gót chân nứt nẻ và rướm máu. “Tối đến trước khi đi ngủ tôi phải bôi thuốc dưỡng da ở gót chân rồi đeo tất vào thì hôm sau mới đỡ nứt và chảy máu”, Thùy cho biết.

Trong chuyến tham gia công tác tại CH Nam Sudan, thiếu úy Huỳnh Cẩm Thư có nhiệm vụ xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm. Máy móc thô sơ, vật tư hóa chất còn thiếu khiến dịch bệnh diễn biến phức tạp, cho công việc của người làm trong phòng xét nghiệm khó khăn và vất vả hơn gấp bội.

“Nếu như ở Việt Nam mình sử dụng máy xét nghiệm tự động thì qua bên này phải làm quen hoàn toàn với máy xét nghiệm bán tự động. Không có kỹ sư đi cùng tôi phải tự mày mò để cài đặt cho máy chạy. Thời gian đầu phải nhờ những bạn trong đơn vị kiểm tra lại mẫu. Máy móc đã xong thì lại thiếu vật tư, hóa chất. Mỗi tháng nảy sinh dịch bệnh khác nhau hóa chất lại không phù hợp. Vì làm máy bán tự động nên cũng nhiều hạn chế không phát hiện được nhiều nồng độ cao trong máu và bắt buộc phải làm nhiều thủ thuật hơn”, Cẩm Thư nói.

Thiếu úy Cẩm Thư cho biết, vào mùa khô người dân thường mắc bệnh tiêu chảy, mùa mưa thì bệnh sốt rét, còn chuyển mùa thì cúm mùa. Những ngày đông bệnh nhân một buổi sáng chỉ có thể làm được vài ca, vì máy móc thô sơ và dịch bệnh ở đây có nhiều thay đổi nên mỗi ca như vậy phải mất từ 2 - 3 tiếng đồng hồ mới xong. “Sinh phẩm ở đây cũng ít hơn Việt Nam và lại mất nhiều thời gian để làm xét nghiệm nên có những ngày làm đến 1 - 2 giờ mới ăn cơm”, Thư chia sẻ.

Tại CH Nam Sudan, Đại úy Nguyễn Thị Thu Ngân là bác sĩ của khoa khám bệnh. Công việc của chị là tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân. Sau giờ làm việc tại bệnh viện, Đại úy Thu Ngân được ra ngoài khám bệnh cho những nhân vật quan trọng của bang Bentiu. Đại úy Ngân cho biết, ở ngoài khu căn cứ do dễ xảy ra bạo loạn nên rất nguy hiểm. Vì vậy mỗi lần ra ngoài thăm khám chị được người của LHQ đưa đi và có người bảo vệ. Nguy hiểm là thế nhưng đại úy Ngân lại cho rằng, mình khá may mắn trải nghiệm nhiều thứ và tận mắt chứng kiến cuộc sống người dân nơi đây thiếu thốn trăm bề.

Một Việt Nam thân thiện trong mắt bạn bè quốc tế

Đối với đại úy Nguyễn Thị Thu Ngân, mỗi một bệnh nhân đến khám là một ấn tượng và là một kỷ niệm khác nhau. Khi được khám và điều trị xong họ rất vui, có người hết bệnh họ quay lại bệnh viện để gặp chị và chia sẻ. “Sau đó không còn là quan hệ giữa bệnh nhân với bác sĩ mà giống như những người bạn với nhau”, đại úy Ngân cho biết.

Trung tá Đỗ Thị Hằng Nga, Phó Trưởng phòng Hợp tác Quốc tế, Cục gìn giữ hòa bình Việt Nam trong lần tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở CH Nam Sudan. Ảnh NVCC.

Nhớ lại lần đầu tiên đến nhà của thống đốc bang Bentiu để khám bệnh, đại úy Ngân kể: Dù đã biết tình hình hỗn loạn nhưng khi đến nhà của thống đốc bang Bentiu để khám bệnh cho ông chị vẫn khá bất ngờ vì thấy quá nhiều súng đạn chất bên ngoài. Tuy nhiên, sự thân thiện, niềm nở tiếp xúc của thống đốc đã phá tan đi sự e ngại ban đầu của chị.

Khi vợ của vị thống đốc này không may bị sốt rét kèm thương hàn khi mang thai ở tuần thứ 35, nguy cơ sảy thai là rất cao, nhờ sự thăm khám và cho thuốc kịp thời, bà đã được chuyển viện kịp thời và hạ sinh an toàn.

Còn đối với nữ thiếu úy trẻ Phạm Thị Thùy, điều làm Thùy tự hào và ấn tượng nhất chính là rất nhiều người biết về lịch sử Việt Nam. Đặc biệt là khối các nước ở châu Phi họ rất nể và thích lịch sử Việt Nam. Thùy kể, trong một lần đi học cùng với các đơn vị khác do LHQ đào tạo, khi họ hỏi tôi ở đâu, tôi trả lời: Tôi ở Việt Nam. Thế là ngay lập tức họ nhắc đến Bác Hồ và nói rất rõ về hai cuộc kháng chiến của Việt Nam chống Pháp và chống Mỹ. “Họ còn nói tôi rất thần tượng Bác Hồ và tinh thần chiến đấu chống giặc của Việt Nam. Điều đó khiến cho Thùy rất ngạc nhiên vì không nghĩ họ có thể biết được nhiều đến vậy. Nhiều người hỏi tại sao một nước nhỏ bé như Việt Nam lại có thể đánh thắng được các nước lớn như Pháp, Mỹ. Lúc đó mình rất tự hào và trả lời: Đó là nhờ vào tinh thần sức mạnh đoàn kết dân tộc”, Thùy kể.

“Tôi nhận thấy cảm xúc về tinh thần dân tộc rất mạnh mẽ và rất tự hào mỗi lần có người hỏi mình ở đâu và mình trả lời là người Việt Nam. Với sự hiếu khách nhiệt tình của những chiến sĩ “mũ nồi xanh” chỉ sau một tháng rất nhiều người biết đến Việt Nam. Mỗi lần gặp người dân, họ nhìn thấy bộ quân phục có hình lá cờ màu đỏ sao vàng, họ đều vẫy tay chào “Việt Nam, Việt Nam”, Thùy chia sẻ.

Trung tá Bùi Đức Thành, Giám đốc Bệnh viện dã chiến cấp 2.1 tự hào nói: “Trong buổi trao Huy chương vì sự nghiệp GGHB LHQ, ngài Tư lệnh đã phát biểu “Mặc dù Bệnh viện dã chiến cấp 2 của Việt Nam lần đầu tiên triển khai thực hiện nhiệm vụ tham gia hoạt động GGHB LHQ nhưng đây là Bệnh viện dã chiến cấp 2 chuyên nghiệp nhất tại phái bộ cho tới nay”.

Không chỉ thực hiện nhiệm vụ khám chữa bệnh cho người dân ở vùng chiến sự CH Nam Sudan, các chiến sĩ “mũ nồi xanh” của Bệnh viện dã chiến cấp 2.1 còn cải tạo phủ xanh mảnh đất khô cằn, hoang sơ bằng chính những hạt giống, cây mầm mang từ Việt Nam sang và hướng dẫn người dân ở vùng chiến sự trồng trọt để cải thiện thêm đời sống của họ.

Không những thế, vườn rau xanh của Bệnh viện dã chiếp cấp 2.1 cũng thu hút sự tò mò của những đơn vị bạn đóng quân cùng phái bộ. Mô hình tăng gia sản xuất của bệnh viện trở thành mô hình được các đơn vị bạn tham quan, học hỏi thường xuyên. Chỉ huy đại đội công binh Vương Quốc Anh trước khi hoàn thành nhiệm vụ về nước còn xin một quả mướp khô do Bệnh viện dã chiến cấp 2.1 trồng để đem về gieo trồng ở vườn nhà.

Ngoài ra, các nữ chiến sĩ còn làm tốt công tác đối ngoại bằng sự chân tình gần gũi của người dân Việt Nam, mang hình ảnh văn hóa, ẩm thực của Việt Nam giới thiệu tới bạn bè thế giới trong công cuộc gìn giữ hòa bình.

Trước khi trở về Việt Nam, Phạm Thị Thùy cũng đã tặng những người đồng nghiệp ở các đơn vị khác những tấm bưu thiếp nhỏ có hình ảnh danh lam thắng cảnh Việt Nam như Hoàng Thành Thăng Long, Cố đô Huế, Hạ Long… và chia sẻ về những danh thắng lịch sử qua những món quà trên. Yêu quý những người chiến sĩ Việt Nam, một người bạn trong đơn vị ở Mông Cổ cũng đã tặng Thùy tấm ảnh người lính Mông cổ. Thùy được biết, trước khi nhận nhiệm vụ ở đây người bạn này được đơn vị tặng cho bức tượng người lính Mông Cổ thể hiện sự kiên cường, dũng cảm của người lính.

“Một năm ở đây tuy ngắn nhưng lại rất nhiều kỷ niệm và tôi thấy mình trưởng thành hơn từ chuyến đi này. Chứng kiến cuộc sống khó khăn của người dân nơi đây tôi càng thấu hiểu được một phần sự tàn phá của chiến tranh, và thấy mình thật hạnh phúc khi được sống trong hòa bình”, Thiếu úy trẻ Phạm Thị Thùy chia sẻ.

Theo lãnh đạo Cục GGHB Việt Nam, đến nay Việt Nam đã cử 2 Bệnh viện dã chiến (cấp 2.1 và 2.2) tham gia GGHB LHQ, trong đó mỗi bệnh viện có 10 nữ y bác sĩ với tuổi đời khoảng 30-35 tuổi. Hầu hết các y bác sĩ đều có chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, trình độ từ Đại học trở lên, có nhiều người đã tốt nghiệp Đại học ở nước ngoài trước khi về đơn vị và đang giữ nhiều trọng trách quan trọng trong Cục GGHB Việt Nam.

Qua báo cáo, sau hơn 12 tháng chính thức tiếp quản Bệnh viện dã chiến cấp 2 của Vương Quốc Anh, Bệnh viện dã chiến cấp 2.1 đã thu dung và điều trị cho tổng số 2022 lượt bệnh nhân (ngoại trú 1958 ca, nội trú 64 ca, phẫu thuật 62 ca trong đó có 21 ca trung - đại phẫu và 41 ca tiểu phẫu), vận chuyển thành công bằng đường không lên Bệnh viện tuyến trên 7 trường hợp. Các bệnh nhân đến khám và điều trị đều đảm bảo về chất lượng điều trị, không xảy ra tai biến tai nạn.
Theo TTXVN/Báo Tin tức