Nhanh chóng triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội đến người dân bị ảnh hưởng dịch COVID-19

Trong suốt mấy ngày qua, kể từ khi Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 được ban hành, dư luận đặc biệt quan tâm. Dự kiến 20 triệu người trong cả nước thuộc 7 nhóm đối tượng bị ảnh hưởng cuộc sống do đại dịch COVID-19 được hỗ trợ từ gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng của Chính phủ.

Rất nhiều người đang sốt ruột chờ đợi nhận được khoản tiền hỗ trợ này để trang trải cuộc sống. Thủ tướng Chính phủ cũng nhắc nhỡ: Chính sách hỗ trợ này phải được thực hiện ngay vì đời sống người dân và lao động nghèo đang rất khó khăn, không thể chờ đợi hơn. Tại cuộc họp trực tuyến giữa UBND tỉnh với các địa phương vào ngày 14-4 để triển khai Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ, đồng chí Lê Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng khẳng định đây là một chính sách xã hội lớn, chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, do đó các sở, ngành, địa phương phải chú ý thực hiện theo phương châm: “Tập trung, khẩn trương, trách nhiệm, đạo lý, tình cảm, làm đúng và trúng”...

Theo lãnh đạo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, hiện nay ngành đã tổng hợp được danh sách nhóm các đối tượng: Người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, người nghèo và cận nghèo trên địa bàn tỉnh. Riêng các nhóm đối tượng khác như: Người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động; hộ kinh doanh cá thể tạm ngừng kinh doanh; lao động tự do… đang được các địa phương tiến hành lập danh sách và rà soát, thẩm định trình ngành chức năng. Khi có hướng dẫn cụ thể của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ thực hiện chi trả để đảm bảo sự hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng... Tuy nhiên, nhiều người còn băn khoăn: Việc kê khai, hỗ trợ cho người có hợp đồng lao động (HĐLĐ) bị mất việc sẽ dễ dàng, bởi vì đã có doanh nghiệp, cơ quan bảo hiểm xã hội nắm rõ. Nhưng với đông đảo lao động tự do, không có HĐLĐ, di cư nhiều nơi, làm nhiều nghề, chỗ ở không ổn định sẽ gặp rất nhiều khó khăn về việc điều tra, thống kê, lập danh sách. Rồi lao động bị mất việc làm nhưng là thành viên của hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo thì được giải quyết như thế nào? Đây chính là việc khó khăn khi triển khai thực hiện chính sách, nếu làm không tốt có thể tạo kẽ hở, làm thất thoát ngân sách, mà đối tượng thực sự khó khăn lại không được hưởng. Chưa kể hỗ trợ không đúng đối tượng lại làm phát sinh thắc mắc, tạo mâu thuẫn, căng thẳng không đáng có trong nội bộ người dân… Do đó, để gói hỗ trợ “chưa từng có” lần này nhanh chóng phát huy hiệu quả, cần triển khai một cách khẩn trương, minh bạch, đúng đối tượng.

Ninh Thuận đã trải qua gần 1 tháng không có ca nhiễm mới, 2 ca nhiễm COVID-19 (bệnh nhân 61 và 67) đã được chữa khỏi và trở lại cộng đồng. Đến nay trên địa bàn tỉnh chưa có ca gây nhiễm COVID-19 tại cộng đồng; người dân Ninh Thuận luôn chấp hành nghiêm Chỉ thị số 15/CT-TTg, Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 cũng như Chỉ thị 08/CT-UBND và Chỉ thị 09/CT-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh, qua đó chứng tỏ các biện pháp phòng, chống dịch quyết liệt của tỉnh đã có kết quả tích cực. Ninh Thuận cũng được xếp vào nhóm các tỉnh, thành phố có nguy cơ thấp và đang vững vàng cùng cả nước kiểm soát chặt đại dịch. Tuy nhiên do ảnh hưởng dịch COVID-19, hiện nay đời sống của người lao động đang gặp rất nhiều khó khăn do thu nhập bị giảm sâu. Do đó, chính quyền địa phương, Mặt trận và các đoàn thể các cấp cần tích cực chuẩn bị thật tốt và nhanh chóng tổ chức giải ngân gói hỗ trợ trên, nhằm bảo đảm sự hỗ trợ kịp thời đến với người dân.