Hỏi - đáp Luật bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIII và Đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016

Hỏi: Đại biểu Quốc hội phải có những tiêu chuẩn gì?

Trả lời: Theo Điều 3 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội đã được sửa đổi bổ sung năm 2010, đại biểu Quốc hội phải có những tiêu chuẩn sau:

Một là, trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới vì sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; làm cho dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh;

Hai là, có phẩm chất đạo đức tốt, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; kiên quyết đấu tranh với mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng và các hành vi vi phạm pháp luật;

Ba là, có trình độ năng lực thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội, tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước;

Bốn là, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm;

Năm là, có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội;

Hỏi: Vị trí và chức năng của Hội đồng Nhân dân được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời: Theo quy định của pháp luật hiện hành, chính quyền địa phương được hiểu bao gồm Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân; trong đó Hội đồng nhân dân có vai trò rất quan trọng trong bộ máy chính quyền địa phương vì: “Hội đồng Nhân dân là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, do nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan Nhà nước cấp trên”.

Hội đồng nhân dân có hai chức năng quan trọng:

Một là, quyết định những chủ trương, biện pháp quan trọng để phát huy tiềm năng của địa phương; xây dựng và phát triển địa phương về kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, không ngừng cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân địa phương, làm tròn nghĩa vụ của địa phương đối với cả nước.

Hai là, thực hiện quyền giám sát đối với hoạt động của Thường trực Hội đồng Nhân dân, Uỷ ban nhân dân, Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân cùng cấp; giám sát việc thực hiện các Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân; giám sát việc tuân theo pháp luật của cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và của công dân ở địa phương.

(Tài liệu do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy – Sở Tư pháp biên soạn)

(Xem tiếp kỳ sau)