Ngành mới, cơ hội việc làm cao

Nhóm ngành Tài nguyên và môi trường

Theo Bộ Tài Nguyên và Môi trường, nhu cầu nguồn nhân lực được đào tạo các chuyên ngành Tài nguyên và Môi trường cần bổ sung lực lượng, trong đó tập trung tăng cường cho một số lĩnh vực như đất đai, tài nguyên nước, khí tượng thủy văn, đo đạc và bản đồ, địa chất khoáng sản và một số chuyên ngành mới...

Ngành tài nguyên và môi trường là một ngành đa lĩnh vực, mới được hình thành trên cơ sở hợp nhất nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước. Vấn đề quản lý tài nguyên môi trường đang được xã hội rất quan tâm. Cơ hội việc làm khá lớn.

Đặc biệt, vấn đề ô nhiễm môi trường ngày càng trở nên nghiêm trọng. Việt Nam lại là một trong năm nước trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, nên nhóm ngành Môi trường là lĩnh vực nhiều người quan tâm với những ngành học như: Công nghệ viễn thám, khí tượng, quản lý biển đảo, địa chất và khoáng sản, đo đạc và bản đồ… Các chuyên ngành phục vụ quản lý nhà nước như kinh tế tài nguyên và môi trường, quản lý môi trường, quản lý tài nguyên thiên nhiên.

Cả nước có khoảng 78 cơ sở đào tạo bậc ĐH, CĐ các ngành, chuyên ngành về Tài nguyên và Môi trường. Tuy nhiên, trong đào tạo các trường còn mất cân đối giữa giữa các lĩnh vực. Lĩnh vực đất đai, môi trường đào tạo nhiều hơn nhu cầu, trong khi đó các lĩnh lực còn thiếu hụt hoặc chưa có chuyên ngành đào tạo như: Khí tượng, Thuỷ văn, đo đạc và bản đồ, quản lý biển và hải đảo, biến đổi khí hậu, bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học, quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, định giá và kinh tế hoá trong quản lý tài nguyên…

Ngành Điện tử viễn thông

Đây cũng là một ngành được nhiều thí sinh lựa chọn. Điểm đầu vào của trường dao động từ 13 - 23, tùy vào “uy tín” đào tạo của từng trường.

Cử nhân ngành Điện tử viễn thông cung cấp cho sinh viên những kiến thức chuyên sâu của chuyên ngành như: Chuyên ngành Điện tử và kỹ thuật máy tính, Điện tử trong công nghiệp và phòng thí nghiệm – Công nghệ lắp ráp thiết bị điện tử - Mô phỏng mạch điện tử - Thiết kế hệ điều khiển vi xử lý…

Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể đảm nhận công việc là kỹ sư vận hành và bảo trì: bảo đảm vận hành, bảo dưỡng và sửa chữa các hệ thống điện tử, viễn thông; kỹ sư thiết kế : các hệ thống điện tử, viễn thông cho nhà máy, xí nghiệp...; chuyên gia hệ thống: phân tích nhu cầu về hệ thống điện tử, viễn thông của các công ty, nhà máy, mạng viễn thông; chỉ huy dự án: thiết kế, xây lắp hệ thống điện tử và viễn thông và tham gia thi công các dự án đó; tư vấn: cung cấp tư vấn, giải pháp trong lĩnh vực điện tử, viễn thông, tham gia chương trình huấn luyện nhân viên và giáo dục đào tạo; phát triển kinh doanh: trong lĩnh vực thiết bị điện tử, viễn thông hoặc giảng dạy ở các trường ĐH, CĐ...