Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên:

Khó khăn việc thu hồi nợ

Sau 3 năm triển khai (từ năm 2008), chương trình tín dụng HSSV đã góp phần giúp cho nhiều gia đình thuộc diện nghèo và cận nghèo có thêm điều kiện để con em tiếp tục học tập.

Theo báo cáo của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) tỉnh, tính đến cuối năm 2010, tổng dư nợ đối với chương trình tín dụng HSSV hơn 263,7 tỷ đồng với 20.403 HSSV còn dư nợ. Sau khi kết thúc khóa học, gia đình HSSV có trách nhiệm trả nợ gốc và lãi theo quy định. Việc trả nợ được chia thành các kỳ hạn (tối đa 6 tháng 1 lần) do phía HSSV và NHCSXH thỏa thuận.

Cán bộ Ngân hàng Chính sách Xã hội hướng dẫn phụ huynh làm thủ tục vay vốn tín dụng HSSV.

Tính đến nay, doanh số thu hồi nợ tín dụng HSSV xấp xỉ 6,65 tỷ đồng. Chi nhánh NHCSXH tỉnh cho biết, phần lớn nợ quá hạn rơi vào các trường hợp học nghề, sinh viên trung cấp khi ra trường chưa xin được việc làm, gia đình khó khăn nhưng không còn thời gian gia hạn nợ. Không ít sinh viên lấy lý do lương thấp, không đủ trang trải cuộc sống nên không chịu trả dần số nợ gốc và lãi đã vay. Anh Phạm Văn Trường, Phó phòng Kế hoạch – Nghiệp vụ, NHCSXH tỉnh cho rằng, với lãi suất ưu đãi 0,5%/tháng và mức trả nợ theo thỏa thuận của gia đình HSSV thì khoản tiền HSSV phải trả theo kỳ hạn chỉ vào khoảng 900.000 – 1.000.000 đồng, không quá khó khăn cho đối tượng được vay.

Chị Nguyễn Thị Hòa (Nhơn Hải - Ninh Hải) vay 24 triệu đồng, hiện đã tốt nghiệp từ tháng 8-2010, đang làm việc tại Tp.Hồ Chí Minh, cho biết: “Lương thử việc của mình hiện nay là 2 triệu đồng/tháng. Trừ các khoản chi phí chỉ còn trên dưới 500.000 đồng để gởi về nhà phụ ba mẹ trả nợ. Mình sẽ cố gắng làm việc thật tốt để có tiền trả nợ nhanh hơn”.

Những người có ý thức như chị Hòa, thực ra chiếm tỉ lệ không nhiều. Khi tìm hiểu để viết bài này, chúng tôi biết không ít gia đình vẫn chưa nắm rõ các quy định trả nợ, thậm chí… chây ỳ! Nhiều gia đình có 2, 3 người con được vay tín dụng HSSV, nhưng khi người con đầu tốt nghiệp ra trường, có việc làm ổn định vẫn không trả nợ. Những trường hợp này đều bị NHCSXH từ chối cho vay đối với các sinh viên trong cùng gia đình.

Theo ông Nguyễn Văn Cúc, Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh, để việc thu hồi nợ có kết quả, các tổ chức ủy thác vay vốn phải tăng cường công tác vận động, nâng cao ý thức tự giác của những gia đình vay vốn, để họ chấp hành nghiêm túc quy định trả nợ.

Bà Phạm Thị Ngai, Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường Mỹ Hải, Tp.Phan Rang-Tháp Chàm chia sẻ kinh nghiệm: “Đối tượng được vay vốn từ chương trình tín dụng HSSV ở địa phương khá đông. Do vậy, các tổ trưởng tổ tiết kiệm - vay vốn, cán bộ tín dụng NHCSXH, cán bộ lao động thương binh – xã hội, ban quản lý các khu phố luôn phối hợp chặt chẽ để đôn đốc các hộ gia đình trả nợ. Đến nay, các đối tượng tham gia chương trình này đều chấp hành rất nghiêm túc việc trả nợ ngân hàng”.