Đảm bảo đời sống cho người lao động trong mùa dịch COVID-19

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp (DN) trong tỉnh phải thu hẹp sản xuất, thậm chí tạm ngưng hoạt động, dẫn đến việc làm, đời sống của nhiều lao động gặp khó khăn.

Nhiều lao động tạm nghỉ việc

Qua khảo sát của Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh tại 165 DN (đã có tổ chức công đoàn), đến đầu tháng 4, có 8 DN phải cho công nhân tạm nghỉ việc, tổng số lao động nghỉ việc là 204 người. Nhiều DN khác phải giãn giờ làm, giảm giờ tăng ca hoặc cho người lao động (NLĐ) nghỉ phép năm… do hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ngừng trệ. Mặc dù nghỉ việc, tuy nhiên, người lao động vẫn được DN đóng BHXH; một số DN vẫn trả lương cho NLĐ bằng mức lương tối thiểu vùng theo Nghị định 90/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Đây là các giải pháp giúp DN giữ chân NLĐ, cũng như cầm cự chờ dịch bệnh đi qua trở lại ổn định hoạt động sản xuấtm kinh doanh. Công ty TNHH Phú Thủy là một trong những điển hình nỗ lực thực hiện tốt chế độ cho NLĐ trong tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn. Là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, gia công hạt điều, hầu hết nguyên liệu được nhập khẩu, khi xảy ra dịch COVID-19, nguồn nguyên liệu nhập từ các nước bị ngưng trệ. Đến đầu tháng 4, DN buộc phải cho 80 công nhân tạm thời nghỉ việc. Tuy nhiên, DN vẫn đóng đầy đủ BHXH và trả lương cho NLĐ bằng mức lương tối thiểu vùng là 3.430.000 đồng/người/tháng.

Công ty TNHH May Tiến Thuận nỗ lực ổn định sản xuất bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động.

Đối với Công ty TNHH May Tiến Thuận, từ đầu tháng 3, việc nhập khẩu nguyên, vật liệu gia công sản phẩm của các đơn hàng bị chậm lại. Để ổn định sản xuất, kinh doanh và bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động, trong thời gian chờ nguồn nguyên, vật liệu nhập về, công ty linh hoạt sử dụng nguồn nguyên liệu dự phòng may đồng phục cho NLĐ thay vì chờ đến tháng 9, 10 theo kế hoạch. Nếu trước đây, người lao động phải tăng ca 45 phút/ngày để kịp tiến độ sản xuất, giao hàng, thì hiện giờ tăng ca được rút ngắn lại chỉ còn 15 phút/ngày. Điều này làm ảnh hưởng thu nhập của NLĐ. Tuy nhiên, khi được hỏi, hầu hết công nhân đều tỏ ra rất phấn khởi, hài lòng với công việc của mình. Chị Nguyễn Thị Nhàn, một công nhân chia sẻ: Dịch COVID-19 đã khiến nhiều DN tạm ngưng hoạt động, nhiều lao động phải nghỉ việc; trong khi đó, công nhân trong công ty vẫn đi làm, công việc ổn định, các chế độ: lương, thưởng... được thực hiện đầy đủ. Thời gian tăng ca giảm làm thu nhập mấy tháng gần đây có giảm, nhưng không nhiều, không làm ảnh hưởng đến đời sống.

Đối với các DN hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ du lịch, khách sạn, đến nay hầu hết đều ngưng hoặc hoạt động cầm chừng, buộc phải cho nhân viên nghỉ việc. Điển hình như Công ty TNHH Hoàng Phát Long nhiều tháng qua đã cho toàn bộ nhân viên nghỉ việc không lương, tuy nhiên vẫn tham gia BHXH cho NLĐ. Hay Công ty CP Du lịch Sài Gòn-Ninh Chữ cho nhân viên nghỉ giãn công hoặc nghỉ không lương… Đời sống của NLĐ hết sức khó khăn. Chị Nguyễn Thị Nhung, ở phường Thanh Sơn (Tp.Phan Rang- Tháp Chàm) nhân viên kế toán của một DN hoạt động trong lĩnh vực này cho biết: Hơn 2 tháng qua tôi không có việc làm, không có thu nhập, mọi chi phí sinh hoạt đều dựa vào gia đình.

Phát huy vai trò của công đoàn

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, công đoàn các cấp đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm bảo vệ quyền, lợi ích cho NLĐ. LĐLĐ tỉnh chỉ đạo công đoàn các huyện, thành phố, ngành trực tiếp đến các DN, đặc biệt là các DN tập trung nhiều lao động để tìm hiểu nắm bắt tình hình; ngoài ra yêu cầu các công đoàn cơ sở dựa vào tình hình sản xuất, kinh doanh của DN mình chủ động đề xuất các giải pháp bảo đảm quyền, lợi ích cho NLĐ và báo cáo ngay cho công đoàn cấp trên khi có bất kỳ biến động, khó khăn tại DN để LĐLĐ tỉnh có cơ sở báo cáo, tham mưu, đề xuất với tỉnh giải pháp tháo gỡ khó cho DN.

Các biện pháp phòng, chống dịch cũng được các cấp công đoàn phối hợp chính quyền triển khai thực hiện quyết liệt. Qua khảo sát thực tế cho thấy các DN thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch như: trang bị khẩu trang, nước rửa tay, nước sát khuẩn cho NLĐ sát khuẩn tay trước khi vào làm việc; vệ sinh khu vực sản xuất, làm việc, khu vực căn tin, bếp ăn... sạch sẽ, thông thoáng... Điển hình trong công tác này phải kể đến như Công ty TNHH May Tiến Thuận. Ngoài trang bị đầy đủ bảo hộ, đo thân nhiệt cho NLĐ, công ty tổ chức cho công nhân các xưởng may vào làm việc vào các thời điểm khác nhau; đồng thời tổ chức ăn trưa thành 4 đợt, thay vì 2 đợt như trước đây nhằm giảm mật độ tiếp xúc, hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm cho NLĐ...

Đồng chí Nguyễn Hữu Hòa, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, Chủ tịch Công đoàn Các Khu công nghiệp cho biết thêm: Ngoài tiếp tục theo dõi tình hình; chỉ đạo các công đoàn cơ sở phối hợp thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch tại các DN, LĐLĐ tỉnh cập nhật các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của của cấp trên về thực hiện các chính sách hỗ trợ của Chính phủ để kịp thời tham mưu cho tỉnh triển khai thực hiện tốt, giúp NLĐ, DN vượt qua giai đoạn khó khăn do dịch COVID-19 gây ra.