Hoạt động các ngành, địa phương

* Trong quý 1 năm 2020, ngành Y tế huyện Thuận Bắc đã khám và điều trị bệnh cho 9.057 lượt người, trong đó, tuyến huyện 5.946 lượt và tuyến cơ sở 3.111 lượt; bên cạnh đó, công tác tuyên truyền lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản, kế hoạch hoá gia đình và các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế đều thực hiện tốt, đã phát hiện và xử lý 6 ca sốt xuất huyết, 1 ca tay chân miệng và 2 ca bệnh lao.

* Trong quý II-2020, trên lĩnh vực Công nghiệp-Xây dựng, UBND tỉnh tập trung hoàn thành việc cấp quyết định chủ trương đầu tư và đẩy nhanh tiến độ thi công Dự án điện mặt trời Phước Minh (Thuận Nam), công suất 450 MW; kết hợp đầu tư hạ tầng truyền tải 500 kV và các công trình hạ tầng truyền tải điện khác để giải tỏa công suất 2.000 MW. Phối hợp đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng dự án thủy điện tích năng Bác Ái; triển khai thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư Dự án điện khí LNG Cà Ná; hoàn thành thủ tục khởi công dự án cảng biển tổng hợp Cà Ná. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án BT và các đồ án quy hoạch chuyên đề, quy hoạch phân khu, bổ sung danh mục các dự án đầu tư sử dụng đất có giá trị thương mại cao.

Địa điểm dự kiến khởi công dự án cảng biển tổng hợp Cà Ná (Thuận Nam). Ảnh: Văn Nỷ

* Theo báo cáo của Liên minh HTX tỉnh, tính đến nay, toàn tỉnh có 6/7 huyện, thành phố đã xây dựng mô hình Hợp tác xã điển hình kiểu mới trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất, dịch vụ gắn với chuỗi giá trị, làm cơ sở nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong đó, huyện Ninh Phước 2 HTX: Tuấn Tú, Phước An; huyện Hinh Hải: HTX SX và TM Nông nghiệp An Xuân; huyện Thuận Bắc: HTX Dịch vụ nông nghiệp Suối Đá; huyện Bác Ái: HTX Dịch vụ sản xuất tổng hợp Phước Đại; huyện Ninh Sơn: 2 HTX: Saemaul Tân Lập 2 và HTX Mỹ Sơn; Tp.Phan Rang - Tháp Chàm: HTX Nho Evergreen Ninh Thuận. Trên cơ sở đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu UBND tỉnh lựa chọn 2 HTX, gồm: HTX Dịch vụ nông nghiêp Tuấn Tú và HTX Nho Evergreen Ninh Thuận tham gia Đề án “Lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021-2025”.

* Đến nay, trên toàn tỉnh có 5 cơ sở, doanh nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử Bưu điện Việt Nam (Postmart), gồm: Cơ sở Lê Nhân; cơ sở Nước mắm nhỉ cá cơm truyền thống Chi Ninh Cà Ná (Thuận Nam); hộ kinh doanh Nguyễn Công Trường; hộ kinh doanh Chamléa Sơn; hộ kinh doanh Vũ Quang Hưng… Trong đó, chỉ có Cơ sở Lê Nhân và hộ kinh doanh Nguyễn Công Trường phát sinh giao dịch thành công, với tổng giá trị đơn hàng gần 32,2 triệu đồng.

* Tính đến 15 giờ, ngày 6-4, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã tiếp nhận ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19 cả về tiền, trang thiết bị, vật tư y tế, nhu yếu phẩm, với tổng trị giá 12.068.904000 đồng. Đã có 75 cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm và người dân đăng ký và ủng hộ. Từ nguồn lực trên, Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã phối hợp Sở Y tế, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và các cơ quan liên quan phân phối hàng hóa đến các cơ sở điều trị, các khu cách ly; các y, bác sĩ, nhân viên phục vụ phòng, chống dịch, những người cách ly, các đối tượng khó khăn đột xuất, người bán vé số dạo trên địa bàn tỉnh với tổng giá trị hơn 3,3 tỷ đồng.

* Trong nhiệm kỳ 2015-2020, huyện Ninh Phước huy động, lồng ghép thực hiện các nguồn vốn đầu tư công hơn 246,2 tỷ đồng. Việc phân bổ và giải ngân nguồn vốn đảm bảo hàng năm đạt trên 98% kế hoạch vốn. Việc triển khai đầu tư nguồn vốn có trọng tâm, trọng điểm, theo danh mục ưu tiên, đã góp phần hoàn thành các tiêu chí hạ tầng kinh tế-xã hội trong xây dựng nông thôn mới, đô thị thị trấn Phước Dân…

* Thực hiện tốt Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ và nhân rộng các mô hình sản xuất được huyện Ninh Phước triển khai có hiệu quả. Qua thống kê, nhờ cơ cấu lại đã góp phần nâng giá trị sản phẩm lên 195,2 triệu đồng/ha, gấp 1,06 lần so với năm 2015; giá trị sản xuất 2.759 tỷ đồng, tăng gấp 1,2 lần năm 2015, chiếm tỷ trọng 32% toàn ngành kinh tế. Đến nay, địa phương đã hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung theo hướng nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ, bước đầu gắn với du lịch. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch theo hướng phát huy các lợi thế và có giá trị kinh tế cao. Các hình thức tổ chức sản xuất tiếp tục đổi mới.

* Trong quý I năm 2020, tổng vốn đầu tư toàn xã hội huyện Thuận Bắc ước đạt 844 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước giảm 31%. Trong đó: vốn ngân sách nhà nước đạt 87 tỷ đồng, chiếm 10,3% và vốn các thành phần kinh tế 757 tỷ đồng, chiếm 89,7%. Bên cạnh đó, các ngành, địa phương đã thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, phối hợp nhà đầu tư giải phóng mặt bằng dự án điện mặt trời Trung Nam, điện mặt trời Xuân Thiện và và cao tốc Bắc-Nam đi qua địa bàn huyện.

* Hội Nông dân huyện Thuận Bắc vừa giải ngân 68 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện cho 4 thành viên thuộc Tổ hội nghề nghiệp “Chăn nuôi bò vỗ béo” thôn Suối Giếng, xã Công Hải vay để triển khai mô hình nuôi bò vỗ béo. Đây là chương trình nhằm giúp các hội viên đầu tư phát triển chăn nuôi, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.