Hướng tới nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới công nghệ phát triển các sản phẩm chủ lực có lợi thế của tỉnh

Trong quý I, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tập trung thực hiện hoàn thành các nhiệm trọng tâm đề ra, đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kịp thời các kế hoạch công tác quản lý nhà nước về KH&CN. Kết quả này tạo đà để đơn vị hướng tới đạt các chỉ tiêu, nhiệm vụ cả năm.

Trong những kết quả đạt được, nổi lên là sở đã tổ chức theo dõi, quản lý đúng quy trình đối với 22 nhiệm vụ KH&CN; trong đó, 6 nhiệm vụ cấp quốc gia, 16 nhiệm vụ cấp tỉnh. So với cùng kỳ năm trước, điểm mới về hoạt động KH&CN ở những tháng đầu năm 2020 là đẩy nhanh tiến độ nghiệm thu 2 đề tài cấp tỉnh, kết quả đánh giá đều xếp loại đạt yêu cầu. Cụ thể, đề tài “Nghiên cứu đánh giá diễn biến bồi, xói lòng dẫn sông Cái Phan Rang và đề xuất giải pháp quản lý, khai thác, phát triển bền vững” đã cung cấp thông tin, dữ liệu phục vụ đắc lực cho công tác bảo vệ nguồn tài nguyên nước. Đề tài “Nghiên cứu ứng dụng vi sinh vật có khả năng ức chế Vibrio parahaemolyticus gây bệnh hoại tử gan tụy cấp tính trên tôm thẻ chân trắng nuôi thương phẩm tại Ninh Thuận” mở ra triển vọng cho nghề nuôi tôm phát triển bền vững. Cùng với 2 đề tài mới nghiệm thu, Sở KH&CN cũng đã bàn giao sản phẩm, kết quả nghiên cứu của 11 đề tài KH&CN cấp tỉnh của các sở, ngành, địa phương đặt hàng để ứng dụng vào thực tiễn đời sống, xản xuất. Theo đánh giá, các đề tài có tính mới, tính ứng dụng cao, phục vụ đắc lực cho phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, sản xuất nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu.

Nông dân xã Lợi Hải (Thuận Bắc) áp dụng kỹ thuật mới vào trồng măng tây xanh trên đất lúa cho hiệu quả kinh tế cao.

Ghi nhận trong quý 1 có sự nỗ lực của Sở KH&CN trong việc triển khai 2 nhiệm vụ trọng tâm của UBND tỉnh giao, đó là: Xây dựng kế hoạch phát triển KH&CN tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021-2030 phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định chế độ hỗ trợ cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030. Theo đồng chí Nguyễn Hoàng Sơn, Phó Giám đốc Sở KH&CN, đây là những hoạch định chính sách mang tầm chiến lược, tạo tiền đề thúc đẩy hoạt động KH&CN phát triển mạnh mẽ trong thời đại công nghệ 4.0.

Cùng với đó, hoạt động phát triển các sản phẩm đặc thù tỉnh cũng được quan tâm thực hiện. Sở KH&CN phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tham mưu Ban Phát triển sản phẩm OCOP và đặc thù tỉnh ban hành Quy chế hoạt động về thực hiện các nhiệm vụ công tác năm 2020. Quy chế đề cao tinh thần trách nhiệm của các thành viên trong thực hiện chương trình, có sự phân công rõ ràng về trách nhiệm và sự phối hợp giữa các ngành, các địa phương trong tổ chức thực hiện, nhằm đạt hiệu quả cao. Đã đề xuất Sở NN&PTNT thực hiện 18 dự án VietGAP tại 5 huyện và thành phố (Ninh Hải, Ninh Phước, Ninh Sơn, Thuận Nam, Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) theo kế hoạch triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp nông thôn năm 2020; hướng dẫn xây dựng các nội dung đặt hàng nhiệm vụ “Nghiên cứu bổ sung, mở rộng phạm vi và nội dung bảo hộ Chỉ dẫn địa lý “Ninh Thuận” cho sản phẩm  nho” và dự án “Xây dựng nhãn hiệu chứng nhận OCOP Ninh Thuận”.

Đồng chí Nguyễn Hoàng Sơn, cho biết: Thời gian tới, Sở KH&CN sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Kế hoạch số 211-KH/TU ngày 24-12-2019 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Đề xuất Bộ KH&CN hỗ trợ thực hiện đề án “Triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới công nghệ phát triển các sản phẩm trọng điểm, chủ lực có lợi thế của tỉnh trong lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp và công nghiệp chế biến thành các sản phẩm có chất lượng tốt, quy mô lớn, có sức cạnh tranh trên thị trường phục vụ nội tiêu và xuất khẩu”.