Thuận Bắc: Huy động mọi nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông nông thôn và thủy lợi nội đồng

Tập trung đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông nông thôn (GTNT) và thủy lợi nội đồng (TLNĐ) là một trong những tiêu chí quan trọng trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) mà huyện Thuận Bắc đã phấn đấu đạt được. Qua đó, góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn.

Nhằm từng bước hoàn thiện mạng lưới hệ thống GTNT, huyện Thuận Bắc chú trọng đề ra giải pháp, tập trung chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, UBND các xã tổ chức rà soát, đề xuất các tuyến đường trọng điểm, cần ưu tiên thực hiện. Từ việc coi trọng lập quy hoạch chi tiết, cụ thể, đã hình thành một số tuyến GTNT liên hoàn, phục vụ tốt nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân trong khu vực. Đối với hạ tầng TLNĐ, chủ trương của huyện tập trung thực hiện đồng bộ các công trình thủy lợi theo hướng đa mục tiêu, trọng tâm là nâng cấp, mở rộng hệ thống các tuyến kênh mương, đáp ứng hiệu quả hoạt động sản xuất nông nghiệp ở địa phương.

Người dân xã Phước Kháng (Thuận Bắc) tham gia xây dựng đường giao thông nông thôn.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM huyện Thuận Bắc, trong giai đoạn 2016-2020, cùng với nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, địa phương huy động vốn nhà nước và nguồn vận động từ các doanh nghiệp, đóng góp từ cộng đồng dân cư, với tổng kinh phí trên 354,7 tỷ đồng. Từ nguồn lực trên, huyện triển khai thực hiện hàng chục công trình kết cấu hạ tầng nông thôn trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, tập trung nâng cấp, bê tông tuyến đường liên thôn, nội đồng với tổng chiều dài hơn 23,5 km, nâng tỷ lệ cứng hóa đường GTNT trên địa bàn huyện đạt 81%, giao thông nội đồng đạt 96%; 100% tuyến đường từ trung tâm huyện đến các xã đều được nhựa hóa. Ngoài các hệ thống thủy lợi có sẵn, địa phương còn đầu tư hoàn thành, đưa vào sử dụng 2 trạm bơm và 1 đập dâng, kiên cố hóa trên 8,4 km tuyến kênh mương các loại; tạo nước tưới ổn định cho 3.412 ha đất canh tác, chiếm 50,9% diện tích đất sản xuất nông nghiệp ở địa phương.

Điều đáng ghi nhận hơn, mặc dù địa phương còn nhiều khó khăn, trên 70% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống; tuy nhiên, với sự linh hoạt, đa dạng trong công tác tuyên truyền, phong trào chung tay xây dựng các công trình phúc lợi được đông đảo người dân hưởng ứng, tạo sự lan tỏa rộng khắp trên địa bàn. Đơn cử như xã miền núi Phước Kháng, dựa trên cơ sở quy hoạch về hạ tầng GTNT, TLNĐ trong Đề án xây dựng NTM của xã, cùng với nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước, địa phương tích cực vận động người dân cùng làm để rút ngắn thời gian hoàn thành 2 tiêu chí này. Đồng chí Chamaléa Hiêu, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Qua thực hiện Chương trình xây dựng NTM, trên địa bàn có gần 8,5 km đường GTNT và 3,3 km đường nội đồng được đầu tư nâng cấp, sửa chữa. Hệ thống kênh mương nội đồng do xã quản lý có 5 tuyến, dài 5,6 km; hầu hết các tuyến đường đều được bê-tông. Trong đó, có 22 hộ dân trực tiếp hiến 2.714 m2 đất và một số gia đình tự nguyện phá dỡ hàng dào, lùi một phần đất sản xuất, tham gia hàng trăm ngày công để thi công mở rộng đường.

Qua rà soát, huyện Thuận Bắc đã đạt tiêu chí về giao thông và thủy lợi. Hướng tới phát triển đồng bộ hệ thống GTNT, TLNĐ, trong thời gian tới, huyện tiếp tục huy động nguồn mọi lực đầu tư, nâng cấp công trình giao thông, thủy lợi; tăng cường công tác quản lý, vận hành, thường xuyên duy tu, bảo dưỡng, đảm bảo phát huy hiệu quả sử dụng lâu dài.