Ninh Phước: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong mùa hạn

Trước tình hình nắng nóng kéo dài, lượng nước tích trữ tại các hồ trên địa bàn đang xuống thấp làm ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp, huyện Ninh Phước đã chủ động thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm đảm bảo sản xuất bềm vững, từng bước mang lại hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho nông dân.

Đồng chí Huỳnh Tuấn Anh, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Phước, cho biết: Với mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, huyện đã xác định chuyển đổi cơ cấu cây trồng cạn ở những khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng của hạn hán, coi đó là giải pháp hữu hiệu, chỉ đạo tập trung thực hiện. Theo đó, huyện đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch chuyển đổi cụ thể cho từng mùa vụ, giao chỉ tiêu cho các xã, thị trấn tổ chức thực hiện. Đồng thời, ngành Nông nghiệp huyện còn tập trung xây dựng các mô hình sản xuất có hiệu quả; tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thực hiện rà soát, thống kê các diện tích đất sản xuất kém hiệu quả để vận động nông dân chuyển đổi sang trồng các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, gắn với thị trường tiêu thụ. Qua khảo sát thực tế, trong vụ đông – xuân 2019-2020, huyện đã chuyển đổi từ đất lúa, đất gò đồi và các công trình thủy lợi sang trồng bắp, đậu xanh, cỏ chăn nuôi…được 77 ha. Nhìn chung các diện tích chuyển đổi đều mang lại hiệu quả kinh tế, giúp nông dân hạn chế được tình trạng đất bỏ hoang trong mùa nắng hạn.

Nông dân huyện Ninh Phước chăm sóc cây măng tây xanh. Ảnh: Anh Tùng

Phước Thái là một trong những xã đi đầu trong việc chuyển đổi cây trồng từ đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang cây trồng cạn. Ông Đàng Năng Tom, Bí thư, Chủ tịch UBND xã Phước Thái, cho biết: Trước đây, một số vùng canh tác tại các khu vực hồ Tà Ranh, Trạm bơm 1 và Trạm bơm 2 thuộc các thôn Tà Dương, Đá Trắng thường xuyên thiếu nước vào mùa nắng hạn, nên tình hình sản xuất của bà con gặp nhiều khó khăn. Để tránh tình trạng bỏ hoang đất, xã đã thông báo đến các hộ dân về tình trạng nắng hạn, đồng thời tập trung rà soát từng khu vực để chủ động chuyển đổi cây trồng hợp lý, nhằm ổn định sản xuất cho người dân. Xã vận động người dân tại một số vùng không sản xuất lúa chuyển sang trồng bắp, đậu xanh, cỏ chăn nuôi nhằm tiết kiệm nước tưới, mang lại thu nhập cho người dân. Tính riêng trong vụ đông – xuân 2019-2020, toàn xã đã vận động nông dân chuyển đổi được 10 ha đất lúa sang cây trồng cạn. Qua đó, không chỉ giảm áp lực về nguồn nước tưới trong mùa nắng hạn, mà còn nâng cao giá trị đơn vị diện tích.

Với sự tích cực của chính quyền địa phương xã Phước Thái, nông dân đã nâng cao nhận thức, chủ động đưa các giống cây trồng có khả năng chịu hạn vào thay thế cây lúa, mang lại thu nhập ổn định. Ông Võ Văn Tin, thôn Đá Trắng, cho biết: Tôi có 3 sào đất trồng lúa, nhưng vào mùa nắng hạn thường thiếu nước sản xuất, khi được địa phương vận động, gia đình đã chuyển đổi toàn bộ diện tích sang trồng bắp liên kết với Công ty Cổ phần Giống cây trồng Đông Nam. Nhờ chủ động điều tiết nước hợp lý, được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, diện tích bắp phát triển tốt, đã thu hoạch năng suất đạt 7 tạ/sào, với giá bán hiện nay là 8.500 đồng/kg, sau khi trừ chi phí thu lãi gần 5 triệu đồng/sào, cao gấp 2 lần so với trồng lúa.

Nông dân xã Phước Vinh (Ninh Phước) thu hoạch bắp lai giống.

Ngoài một số cây trồng ngắn ngày như cây bắp, đậu xanh, cỏ chăn nuôi, trên địa bàn huyện còn hình thành vùng chuyển đổi cây trồng mới như: bưởi da xanh, dừa xiêm, mãng cầu…với diện thích hơn 10 ha, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh việc triển khai đồng bộ các giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, huyện còn kêu gọi các doanh nghiệp, các hợp tác xã đẩy mạnh việc ký kết thông qua hoạt động đầu tư, hợp tác sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Qua đó, tạo cơ sở để nông dân yên tâm mở rộng diện tích chuyển đổi, nâng cao thu nhập.

Việc đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong thời gian qua trên địa bàn huyện Ninh Phước không chỉ biến những khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng của nắng hạn trước đây trở thành những cánh đồng sản xuất ổn định, mà còn giúp nông dân tiếp cận được các hình thức mới, từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung theo hướng bền vững. Đồng chí Nguyễn Hữu Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước, cho biết: Từ những kết quả đạt được, trong thời gian tới, huyện tiếp tục rà soát đất trồng lúa kém hiệu quả, thường xuyên thiếu nước tưới chuyển sang trồng các cây chịu hạn, cây ăn quả, nhằm tăng thu nhập cho nông dân. Đồng thời, tổ chức hướng dẫn nông dân chuyển đổi cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng từng khu vực; xây dựng các mô hình sản xuất có hiệu quả. Tiếp tục duy trì hoạt động liên kết với các doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm để nâng cao giá trị cây trồng, tăng thu nhập cho nông dân.