Ninh Hải tập trung ứng phó với hạn và xâm nhập mặn

Những ngày này, đi về các vùng nông thôn huyện Ninh Hải có thể thấy sự nỗ lực của các cấp, các ngành và người dân trong công tác chống hạn. Sự nỗ lực thể hiện rõ trước hết là trong công tác chỉ đạo của huyện, kể từ ngày 11-3, vào sáng thứ ba hàng tuần, UBND huyện tổ chức họp giao ban định kỳ với UBND các xã, thị trấn và các ngành có liên quan nhằm kịp thời nắm tình hình và xử lý các thiệt hại do hạn, xâm nhập mặn gây ra …Việc giao ban trên duy trì cho đến khi tỉnh công bố hết hạn.

Đồng chí Võ Thể, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Hải cho biết: “Hạn chủ yếu ảnh hưởng tới sản xuất, hiện các xã ở vùng cuối kênh Bắc đang thiếu trầm trọng nước tưới cho đồng lúa”. Dù vừa qua UBND huyện đã phối hợp cùng Công ty TNHH MTV Khai thác các công trình Thủy lợi tỉnh điều tiết nước cứu được 64,5 ha lúa ở các đồng thuộc vùng Hộ Hải, Phương Hải, Khánh Hải nhưng so với diện tích 358,5 ha lúa đang thời kỳ làm đòng, mà tâm điểm là 324 ha ở xã Phương Hải, thì chẳng thấm vào đâu. Tình hình thiếu nước sản xuất còn diễn ra gay gắt ở các xã ven biển. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Hải, do thời tiết nắng nóng kéo dài, các hồ chứa, kênh mương trên địa bàn huyện đều cạn dần nước. Tính đến ngày 11-3, hồ Thành Sơn (Xuân Hải) còn 880.000 m3/2.046.000 m3; hồ Nước Ngọt (Vĩnh Hải) còn 420.000 m3/1.8000.000 m3, tức dưới mực nước chết và đang tiếp tục xuống thấp; riêng hồ Ông Kinh (Nhơn Hải) với dung tích nước 830.000 m3 đã hoàn toàn cạn trơ đáy từ trước đó.

Nông dân Ninh Hải khoan giếng lấy nước tưới cho cây trồng dài ngày.

Đến hồ Ông Kinh tìm hiểu, chúng tôi được biết nguồn nước phục vụ sản xuất hiện tại chủ yếu là giếng khoan. Ông Trần Văn Hoàng, thôn Mỹ Tường 1, đang khoan giếng với độ sâu 35 m (chi phí 25 triệu đồng) để lấy nước tưới cho 5 sào đất canh tác trồng nho và hành, than thở: “Mạch nước lên rất yếu không đủ bơm tưới”. Theo nhiều người dân ở khu vực này, lúc trước nhờ có dòng nước dẫn từ kênh hồ Ông Kinh tưới cầm chừng, bây giờ đã khô hết nên họ phải vào lòng hồ để khoan giếng, nhưng dù khoan sâu đến 45-50 m vẫn không có nước. Bên trong các rẫy, nhiều nông dân phải khoan giếng sâu 100 m mới có nước, trung bình kinh phí khoan giếng độ sâu này là 70 triệu đồng. Thông cảm với nông dân, những người khoan giếng chỉ lấy đủ tiền nếu giếng khoan có nước, còn không có nước chỉ lấy nửa giá. Theo ghi nhận, thực tế có giếng khoan xong không có nước phải bỏ, cũng có người phải khoan đến giếng thứ 3 mới có nước.

Nông dân xã Nhơn Hải (Ninh Hải) khoan giếng ứng phó với hạn. Ảnh: Văn Nỷ

Để duy trì sinh trưởng của cây trồng lâu năm, nông dân xã Nhơn Hải áp dụng mô hình tưới nước tiết kiệm, tưới phun cho 33 ha đất trồng nho, táo và cỏ. Anh Đỗ Anh Quân, thôn Mỹ Tường 1, có 2 sào nho và 3 sào cỏ, trước đây để bơm tưới anh đào một cái giếng “khủng”, có đường kính 7,2 m và sâu 9 m. Thông thường, giếng này đủ cho anh sản xuất, nhưng đến tháng 11 mạch nước yếu nên anh phải bơm nước từ giếng khoan vào chứa, nghĩa là biến giếng đào thành “ao” chứa nước, rồi sau đó bơm dẫn lên tưới bằng hệ thống tưới tiết kiệm. Nhiều nông dân khác chọn cách xây các hồ xi-măng để chứa nước bơm từ giếng khoan lên và dành riêng phục vụ tưới. Theo những nông dân nơi đây, cứ mùa mưa sử dụng giếng đào, mùa khô dùng giếng khoan, mỗi nương rẫy trung bình có 2-3 giếng khoan. “Giếng khoan của tôi có độ sâu gần 100 m, những ngày vừa qua lượng nước bơm lên đã giảm dần, tôi lo rằng có thể qua tháng 4, nước sẽ cạn hơn, đến lúc đó chưa biết đủ nước duy trì tưới hay không”-anh Quân chia sẻ.

Năm nào cũng “sống chung với hạn” nên người dân xã Nhơn Hải có kinh nghiệm ứng phó. Tuy nhiên với cách khai thác triệt để bằng giếng khoan, dễ thấy rằng mạch nước ngầm cũng sẽ cạn kiệt, dẫn đến nhiều hệ quả môi trường không lường được. Thiên nhiên đang bắt đầu cảnh báo Nhơn Hải, gần đây khu vực đất sản xuất vùng bàu Mỹ Tường 2, vùng gần ao Mỹ Tường 1, vùng phía Nam bàu Lát Khánh Nhơn 2, vùng phía Nam ao bàu chùa Khánh Nhơn 1 xuất hiện hiện tượng nước giếng bị mặn; riêng vùng đất đồng, trong đó có khu vực hồ Ông Kinh có dấu hiệu đất bị nhiễm phèn. Đối với các vùng khác, tình hình không khá hơn là bao, đơn cử vùng ảnh hưởng của hồ Nước Ngọt (Vĩnh Hải) đang ở dưới mực nước chết, dự báo nếu vẫn không mưa cũng sẽ cạn kiệt trong thời gian tới. Trước tình hình trên, huyện khuyến cáo người dân xã Vĩnh Hải không trồng cây ngắn ngày, dành ưu tiên cho nước phục vụ sinh hoạt và huy động người dân địa phương tự nạo vét ao, hồ lớn sẵn có hoặc đào thêm giếng để lấy nước tưới cho diện tích nho trồng và vườn cây ăn trái lâu năm của thôn Thái An.

Theo đồng chí Võ Thể, việc khai thác triệt triệt để nguồn nước ngầm ở Nhơn Hải rất đáng lo, song thực ra tình trạng này năm nào cũng diễn ra, huyện đã chỉ đạo ngưng sản xuất tại các vùng thuộc ảnh hưởng tưới của hồ, khuyến khích áp dụng mô hình tưới nước tiết kiệm để cứu các cây trồng lâu năm, giờ chỉ còn mong có mưa chứ không còn giải pháp nào khác hơn. Hiện nay, để ứng phó với hạn, Ninh Hải xác định trọng tâm là bảo đảm cho người dân có đủ nước sinh hoạt, ưu tiên nước tưới cho cây trồng lâu năm có giá trị kinh tế cao và nước uống cho gia súc, đồng thời kiến nghị đơn vị chức năng tăng cường điều tiết cấp nước cho các xứ đồng thuộc các xã Phương Hải, Xuân Hải, Hộ Hải và thị trấn Khánh Hải.