Đẩy nhanh xây dựng Chính quyền điện tử

Xây dựng chính quyền điện tử (CQĐT), một trong những nhiệm vụ trọng tâm được tỉnh triển khai tích cực, nhằm thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ trong việc phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào hiện đại hóa nền hành chính, tiến tới nền hành chính minh bạch, hiệu quả, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, thu hút đầu tư, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Đồng chí Đào Xuân Kỳ, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, cho biết: Ứng dụng CNTT được xem là nhiệm vụ trọng tâm để triển khai xây dựng CQĐT. Tỉnh đã tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT vào hoạt động của các cơ quan, đơn vị. Trong đó, lấy người dân làm trung tâm, hướng tới nền hành chính hiện đại, minh bạch. Từ đó, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Hiện nay 100% các cơ quan chuyên môn từ tỉnh, huyện đến xã đã có mạng nội bộ (LAN) và kết nối mạng diện rộng (WAN) của tỉnh thông qua mạng truyền số liệu chuyên dùng của Đảng và Nhà nước phục vụ truy cập internet và các phần mềm dùng chung tại các cơ quan, đơn vị; 100% các cơ quan, địa phương trong tỉnh đã triển khai Phần mềm Quản lý văn bản và hồ sơ công việc được tích hợp chứng thư số và được gắn mã định danh. Qua thống kê, có 632 chứng thư số dạng USB token sử dụng trên máy tính (trong đó có 212 tổ chức và 420 cá nhân) và 63 chứng thư số dạng SIM PKI sử dụng trên các thiết bị di động.

Tỉnh cũng triển khai kết nối, liên thông phần mềm Quản lý văn bản và hồ sơ công việc với trục liên thông văn bản quốc gia trong việc gửi nhận văn bản điện tử với 30 bộ và cơ quan ngang bộ thuộc Chính phủ; hoàn thiện trục liên thông văn bản 4 cấp, đảm bảo gửi, nhận văn bản điện tử của các cơ quan nhà nước trong tỉnh với các cơ quan Trung ương, các địa phương khác có kết nối với trục liên thông quốc gia, đáp ứng về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước. Sở Thông tin và Truyền thông đã cấp các hộp thư điện tử với tên miền ninhthuan.gov.vn cho tất cả các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức Đảng, đoàn thể và các cán bộ, công chức, viên chức (CB, CCVC) của tỉnh một hộp thư (trên 4.900 hộp thư). Bên cạnh đó, 100% các cơ quan quản lý nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã đã sử dụng ổn định và hiệu quả phần mềm TDOffice trong việc tiếp nhận, xử lý và phát hành văn bản điện tử trên phần mềm; 100% văn bản điện tử (trừ văn bản mật) đều có ký số qua phần mềm. Chỉ riêng trong năm 2019, đã số hóa và cập nhật trên phần mềm TDOffice được 470.339 văn bản đến và phát hành 158.022 văn bản đi. Qua đó, giúp CB, CCVC ở các đơn vị làm quen với việc sử dụng văn bản điện tử thay thế văn bản giấy, nâng cao hiệu quả công việc cũng như tiết kiệm các chi phí văn phòng, ước tính khoảng 1,5 tỷ đồng/năm, góp phần tăng cường công tác cải cách hành chính của tỉnh.

Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin giải quyết hồ sơ kịp thời cho người dân. Ảnh: Văn Nỷ

Đặc biệt, tháng 7-2019, UBND tỉnh đưa Trung tâm Phục vụ hành chính công vào hoạt động, khẳng định quyết tâm của tỉnh trong việc xây dựng chính quyền đồng hành, phục vụ người dân. Cổng dịch vụ công trực tuyến và một cửa liên thông được nâng cấp, mở rộng và đưa vào vận hành sử dụng tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, các sở, ban ngành và UBND các huyện, thành phố. Hiện nay, toàn tỉnh có 1.966 (đạt 100%) thủ tục được cung cấp trên Cổng dịch vụ Công trực tuyến của tỉnh. 100% các cơ quan sử dụng phần mềm một cửa cho việc tiếp nhận và kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). Đã tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia 4 TTHC. Trong năm 2019, các sở ban ngành, các địa phương đã tiếp nhận, cập nhật được 19.163 hồ sơ trên hệ thống phần mềm dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, trong đó tỷ lệ giải quyết 80,31% hồ sơ trước hạn, 19,69% hồ sơ đúng hạn.

Đồng chí Đào Xuân Kỳ, cho biết thêm: Việc triển khai đồng bộ, duy nhất hệ thống phần mềm Một cửa điện tử liên thông và Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh giúp cho các cá nhân, tổ chức đến cơ quan quản lý nhà nước liên hệ thực hiện TTHC được thuận lợi hơn, dễ dàng tra cứu tình trạng xử lý hồ sơ; giúp cơ quan quản lý nhà nước điều hành hoạt động một cách khoa học, tăng cường tính công khai, minh bạch, hạn chế những hành vi nhũng nhiễu của cán bộ thực hiện TTHC. Cùng với đó, việc xây dựng CQĐT đã làm thay đổi cơ bản nhận thức trong CB, CCVC của tỉnh; tạo ra môi trường làm việc liên thông, hiện đại và chuyên nghiệp, tiết kiệm được thời gian, chi phí, nâng cao hiệu quả công việc, góp phần hình thành nền hành chính chuyên nghiệp; chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng được nâng cao.

Tại cuộc họp BCĐ Xây dựng CQĐT được UBND tỉnh tổ chức, Đồng chí Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ tỉnh, cho rằng: Xây dựng CQĐT là xu hướng tất yếu để nâng cao tính minh bạch trong hoạt động điều hành, đẩy lùi nhũng nhiễu, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động. Thời gian tới, tỉnh sẽ kiện toàn hoạt động của BCĐ xây dựng CQĐT tỉnh, các huyện, thành phố, đồng thời thực hiện lồng ghép các nhiệm vụ ứng dụng CNTT với cải cách quy trình, TTHC. Với quyết tâm chính trị cao, sự vào cuộc tích cực của các ngành, các cấp, tỉnh sẽ nỗ lực đạt được các mục tiêu trong xây dựng CQĐT.