Ninh Sơn: Đẩy mạnh phát triển kinh tế

Mặc dù trong điều kiện gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, dịch bệnh, đầu ra sản phẩm nông nghiệp không ổn định làm ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Tuy nhiên với sự đoàn kết, sáng tạo và nỗ lực vượt khó của cả hệ thống chính trị, sau gần 5 năm thực hiện Nghị quyết Đảng bộ huyện lần thứ XI, huyện Ninh Sơn đã đạt nhiều kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực.

Trong gần 5 năm thực hiện Nghị quyết Đảng bộ huyện lần thứ XI, huyện Ninh Sơn đã có sự tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh, đúng định hướng và tương đối ổn định, vững chắc. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản phát triển theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả; tổ chức lại sản xuất ngành nông nghiệp đạt kết quả. Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm tăng bình quân 1,3%; sản lượng lương thực đạt 80 ngàn tấn, tốc độ tăng bình quân hàng năm 0,72%; chuyển đổi 82,5ha diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có giá trị, thích ứng với biến đổi khí hậu. Từng bước triển khai các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, đem lại hiệu quả kinh tế cao, nhất là thực hiện liên kết tốt với các doanh nghiệp đối với cây trồng chủ lực của huyện như: mía, mỳ. Đáng chú ý là mô hình trồng hoa lan nuôi cấy mô và sản xuất nho rượu ứng dụng công nghệ cao rất hiệu quả, đã góp phần nâng cao giá trị ngành trồng trọt trên địa bàn huyện. Chăn nuôi tiếp tục phát triển cả về chất lượng và giá trị kinh tế, tổng đàn gia súc hiện có 72.052 con, tăng 45,66% so với năm 2015; từng bước chuyển đổi mạnh từ phương thức chăn nuôi nông hộ sang chăn nuôi tập trung, quy mô lớn theo hướng trang trại, công nghiệp và bán công nghiệp. Thực hiện tốt các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển lâm nghiệp, giao khoán bảo vệ rừng, tái sinh rừng. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 48,37%.

Một góc thị trấn Tân Sơn (Ninh Sơn). Ảnh: Hữu Phương

Sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và xây dựng tăng trưởng khá mạnh, một số lĩnh vực có bước phát triển đột phá. Tốc độ tăng bình quân hàng năm 26,8% kế hoạch; nhiều dự án thủy điện và điện mặt trời được triển khai đi vào hoạt động đã góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; thúc đẩy phát triển các hoạt động thương mại - dịch vụ, tiêu dùng xã hội; tăng thu ngân sách, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trên địa bàn huyện có 79 doanh nghiệp, với trên 1.700 lao động. Hoạt động đầu tư phát triển được chú trọng, hiệu quả được nâng lên. Đầu tư hàng năm phù hợp với định hướng và cơ cấu theo từng ngành, lĩnh vực, tính chất từng nguồn vốn. Trong 5 năm, tổng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước trên 270 tỷ đồng, được tập trung đầu tư vào các công trình trọng điểm, cấp bách, nhất là khu tái định canh, định cư, xây dựng trường lớp đạt chuẩn, hạ tầng đô thị, thủy lợi, giao thông nông thôn… đã thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện. Đến nay, có 4/7 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân toàn huyện đạt 13,7 tiêu chí, tăng 2 tiêu chí so với năm 2015. Kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm đầu tư, bước đầu có phát triển tích cực; tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua các năm, từ 25,95% đầu nhiệm kỳ, đến nay chỉ còn 9,74%.

Công trình hồ chứa nước Sông Than (Ninh Sơn) đang đẩy nhanh tiến độ thi công.

Đồng chí Nguyễn Tiến Đức, Bí thư Huyện ủy Ninh Sơn cho biết: Nhiệm kỳ 2015-2020, đa số các chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội đạt và vượt so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XI đề ra. Trong thời gian tới, nhiệm vụ đặt ra hết sức nặng nề, đòi hỏi cả hệ thống chính trị cần tập trung, đoàn kết, thống nhất, phát huy mọi nguồn lực, nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu. Trong đó, mục tiêu hàng đẩu là đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống Nhân dân; phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho đầu tư, sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh phát triển kinh tế với trọng tâm là phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, năng lượng tái tạo, chế biến nông, lâm sản, dịch vụ du lịch để nâng cao chất lượng và hiệu quả của nền kinh tế; xây dựng Ninh Sơn trở thành trung tâm động lực về phát triển nông, lâm nghiệp của tỉnh. Huyện phấn đấu nâng thu nhập bình quân của người dân đạt mức khá của tỉnh; tổng giá trị sản xuất đến năm 2025 đạt 8.007 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt 12-13%; thu ngân sách trên địa bàn đạt 210,3 tỷ đồng, trong đó huyện thu đạt 95 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 53,3 triệu đồng (gấp 1,3 lần) so với năm 2020; có 6/7 xã đạt chuẩn nông thôn mới.