Tiếp sức cho doanh nghiệp vượt qua đại dịch

Đại dịch COVID-19 tiếp tục lây lan nhanh trên toàn cầu gây tác động xấu tới nền kinh tế. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh cũng bị ảnh hưởng. Các cấp, các ngành đang tích cực tìm phương án và triển khai nhiều giải pháp để trợ lực, giúp DN vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Doanh nghiệp gặp khó

Trao đổi với chúng tôi, anh Hồ Văn Trung, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất giống thủy sản Hồ Trung, cho biết: Ngay từ đầu năm, tình hình xuất khẩu tôm thương phẩm sang Trung Quốc gặp khó do dịch COVID-19. Đầu ra khó khăn, người dân giảm diện tích nuôi tôm, kéo theo sự suy giảm của ngành sản xuất tôm giống. Từ đầu năm đến nay, công ty chỉ mới xuất bán hơn 100 triệu post, giảm hơn 40% so với cùng kỳ năm 2019. Giờ đây, dịch lại tiếp tục lan nhanh ở các quốc gia châu Âu, châu Mỹ, tình hình kinh tế được dự đoán không mấy sáng sủa. Công ty đang phải gánh nhiều chi phí, sản xuất cầm chừng, cố gắng duy trì hoạt động chờ đến khi tình hình được cải thiện.

Công nhân Công ty TNHH Thông Thuận - Chi nhánh Ninh Thuận chế biến tôm xuất khẩu. Ảnh: V.Miên

Công ty TNHH Long Sơn BLB, đóng tại Cụm Công nghiệp Tháp Chàm, chuyên xuất khẩu hạt điều sang thị trường châu Âu, châu Mỹ, New Zealand, các quốc gia Trung Đông cũng gặp những khó khăn nhất định. Ông Vũ Thái Sơn, Giám đốc công ty, cho biết: Tâm lý mua hàng tích trữ của người dân nhiều nước trên thế giới thời gian qua khiến mặt hàng nhân hạt điều trở nên khan hiếm trên thị trường. Do vậy, công ty nhận được rất nhiều đơn hàng ngắn hạn. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, việc đầu tư thêm dây chuyền công nghệ, tuyển thêm nhân công phục vụ sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường là rất mạo hiểm. Trong khi đó, nếu DN cho lao động, tăng ca quá mức thì vừa vi phạm pháp luật lao động vừa vi phạm các quy tắc ửng xử mà DN đã ký kết với các đối tác. Ngay cả khi hàng hóa luôn sẵn sàng xuất khẩu thì việc nhiều nước triển khai chặt chẽ các biện pháp kiểm soát dịch sẽ ảnh hưởng đến tốc độ luân chuyển hàng hóa từ khâu xuất khẩu, vận chuyển, thông quan, lưu kho, bốc dỡ đến tiêu thụ hàng hóa, gây gián đoạn hoặc chậm trễ trong hoạt động giao thương. Một số quốc gia trong Liên minh châu Âu lập “hàng rào” biên giới để chống dịch, nên ngành vận tải nội khối bị ảnh hưởng, dòng chảy thông thương hàng hóa ít nhiều bị ngưng trệ. Tình hình kinh tế bất ổn, nhiều đối tác của công ty hủy hợp đồng dài hạn thay vào đó là các hợp đồng ngắn hạn, không có tính ổn định, lâu dài. Bởi vậy, bài toán cân đối nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất của DN cũng trở nên khó khăn hơn.

Cảm nhận rõ nhất tác động tiêu cực của dịch COVID-19 ở thời điểm hiện tại chính là ngành du lịch. Tại tỉnh ta, do ảnh hưởng dịch COVID-19, tháng 2, lượng khách du lịch giảm mạnh, nhất là khách nước ngoài. Ước tính lượng khách du lịch tháng 2 đạt 189.500 lượt, giảm 33,9% so với cùng kỳ, đạt 17,3% kế hoạch năm. Trong đó, khách nước ngoài ước đạt 3.500 lượt, giảm 81,2%, khách trong nước ước đạt 186.000 lượt, giảm 30,6% so với cùng kỳ. Thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch giảm 55,3% so với cùng kỳ. Trước tình hình trên, vừa qua, Hiệp hội Du lịch tỉnh đã có tờ trình gửi UBND tỉnh đề nghị xem xét chính sách miễn, giảm thuế đối với các DN hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Không riêng gì thủy sản, hạt điều, du lịch mà nhiều DN vận tải, may mặc, nông sản… trên địa bàn tỉnh cũng bị ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Nhiều giải pháp trợ lực

Lường trước những khó khăn mà DN gặp phải khi xuất hiện dịch COVID-19, ngày 24- 2, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 491/UBND-KTTH về việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát và lây lan mạnh. Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương chủ động liên hệ với DN trên địa bàn tỉnh để nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nếu có khó khăn, vướng mắc thì kịp thời tìm hướng giải quyết; hỗ trợ cho DN thực hiện hoạt động xuất khẩu nguyên liệu, hàng hóa, vật tư, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất thuận lợi; khẩn trương tham mưu, hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh giúp DN nhanh chóng thực hiện dự án, góp phần tăng trưởng kinh tế.

Dây chuyền sản xuất nha đam của Công ty Cổ phần Thực phẩm Cánh Đồng Việt.

Hiện nay, một số ngành như ngân hàng, ngành Thuế, Bảo hiểm xã hội đã triển khai thực hiện tốt, kịp thời nhiều biện pháp hỗ trợ DN theo chỉ đạo của cấp trên, tập trung rà soát, đánh giá mức độ thiệt hại để cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng đối với các khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và có dư nợ gốc hoặc lãi đến kỳ hạn trả trước nợ trong khoảng thời gian từ ngày 23-1 đến ngày 31- 3; tiếp tục cho vay mới đối với khách hàng theo quy định để ổn định sản xuất- kinh doanh. Cụ thể, Bảo hiểm Xã hội tỉnh triển khai xác minh thực tế hoạt động của các DN để có hướng dẫn hỗ trợ tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất đối với DN gặp khó khăn vì COVID-19. Cục Thuế tỉnh cũng đã có văn bản chỉ đạo các Chi cục chủ động nắm bắt tình hình, tiếp nhận, xử lý ngay đơn xin ngừng, nghỉ của DN, hộ cá nhân theo quy định của pháp luật và tích cực hướng dẫn, hỗ trợ, rút ngắn thời gian xử lý đối với hồ sơ giảm thuế của các cá nhân kinh doanh, DN, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nộp thuế.

Đặc biệt, sau khi xuất hiện 2 ca dương tính với SARS-CoV-2 ở thôn Văn Lâm 3, xã Phước Nam (Thuận Nam), UBND tỉnh đã ra công văn hỏa tốc đồng ý chủ trương xin tạm dừng, giãn các cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất và thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch năm 2020 chưa thật sự cấp bách do phía thanh tra tỉnh đề xuất để tạo điều kiện cho DN tập trung sản xuất, kinh doanh, phòng chống dịch.

Những động thái tích cực, kịp thời của chính quyền các cấp, ngành trong việc hỗ trợ DN vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay được phía cộng đồng DN đánh giá cao. “Đây là việc làm cấp bách, có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự tồn tại của DN trong tương lai. Tôi mong muốn, trong quá trình thực hiện, các cấp, ngành tiếp tục đề cao tinh thần vì sự phát triển lớn mạnh, bền vững của DN, tạo mọi điều kiện giúp DN vượt qua “cửa ải” này để tiếp tục ổn định sản xuất, kinh doanh, đóng góp vào sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh nhà”, ông Hồ Văn Trung bộc bạch.