Khánh Hải hướng đến xây dựng đô thị du lịch biển

Thị trấn Khánh Hải có diện tích tự nhiên 1.080 ha với dân số trên 16.000 người, là trung tâm hành chính của huyện Ninh Hải, có vai trò giao thương hàng hóa nông-lâm hải sản-vật tư phục vụ sản xuất và tiêu dùng cho cả khu vực lân cận. Do đặc điểm trên nên Đại hội nhiệm kỳ 2015-2020 của Đảng bộ thị trấn Khánh Hải đã đề ra nghị quyết tiếp tục lãnh đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng thương mại, dịch vụ - du lịch; xây dựng thị trấn Khánh Hải thành đô thị du lịch biển.

Theo đồng chí Trương Minh Mẫn, Bí thư Đảng ủy thị trấn Khánh Hải, thực hiện nghị quyết đại hội nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng ủy và UBND thị trấn đã cùng hệ thống chính trị địa phương có nhiều nỗ lực để đạt được những mục tiêu đề ra. Theo đó, từ năm 2015 đến nay, thị trấn có tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 16,5%; tăng trưởng thương mại, dịch vụ - du lịch 20,4% (mục tiêu từ 20 - 25%), nông nghiệp - thủy sản 10,9 % (mục tiêu từ 10 - 15%), tiểu thủ công nghiệp 18,2 % (mục tiêu từ 18 - 20%); thu nhập bình quân đầu người đến năm 2020 đạt 55 triệu đồng/năm (mục tiêu 45 triệu đồng/năm); tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 1,54% (mục tiêu đến năm 2020 còn dưới 2%) và giải quyết việc làm hằng năm cho 500 lao động (đạt mục tiêu đề ra). Một số dự án từ nguồn vốn ngân sách nhà nước và vốn đầu tư của doanh nghiệp trên địa bàn đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế thương mại, dịch vụ và du lịch, đáp ứng ngày càng nhiều hơn nhu cầu vui chơi, giải trí của nhân dân và du khách. Hiện trên địa bàn thị trấn có 1.339 cơ sở kinh doanh, tăng 318 cơ sở so với năm 2015; tổng doanh thu từ thương mại - dịch vụ và du lịch năm 2020 ước đạt 783 tỷ đồng (tăng 474 tỷ đồng so với năm 2015).

Thị trấn Khánh Hải khai thác lợi thế biển để phát triển kinh tế.

Dựa vào lợi thế có các danh lam thắng cảnh như: Biển Ninh Chữ, núi Đá Chồng, di tích núi Cà Đú, Đầm Nại; Khánh Hải đã đưa các lĩnh vực hoạt động dịch vụ- thương mại-du lịch trở thành ngành chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế. Hoạt động kinh doanh dần phát triển, toàn thị trấn hiện có 33 nhà hàng, khách sạn, cơ sở lưu trú với 630 phòng, tăng 15 cơ sở và 241 phòng. Để hình thành đô thị du lịch biển, Khánh Hải tập trung vào 2 lĩnh vực quan trọng: Tăng cường công tác quản lý đô thị, tạo môi trường xanh, sạch, đẹp và tạo điều kiện thúc đẩy phát triển dịch vụ phục vụ du lịch trên địa bàn. Theo đó, diện mạo đô thị Khánh Hải ngày càng đổi mới, nhiều tuyến đường chính ở trung tâm có hệ thống chiếu sáng, rợp bóng cây xanh, tạo điều kiện cho sự ra đời các tuyến phố kinh doanh ẩm thực, cà phê, giải khát, góp phần giải quyết việc làm và thu nhập cho nhân dân. Riêng kinh tế du lịch, trong những năm gần đây đã có khởi sắc, theo thống kê cuối năm 2019 lượng khách du lịch đến thị trấn có 175.129 lượt người, tăng trên 100 ngàn lượt so với năm 2015. Đáng chú ý Khánh Hải đã được du khách ghi nhận có sự cải thiện về chất lượng phục vụ, tạo được ấn tượng tốt đẹp về hình ảnh Ninh Thuận, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và con người hiền hòa, thân thiện, mến khách.

Theo đồng chí Lê Tâm Trí, Phó Bí thư Đảng ủy thị trấn Khánh Hải, qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị trấn nhiệm kỳ 2015-2020, kinh tế địa phương tiếp tục ổn định, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt mục tiêu đề ra; chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng định hướng, các tiềm năng lợi thế đã từng bước được phát huy, năng lực sản xuất các ngành đều tăng; công tác giảm nghèo được chú trọng và thực hiện có hiệu quả, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tiếp tục được nâng lên. Tuy nhiên, Đảng ủy thị trấn thẳng thắn nhưng tốc độ tăng trưởng vẫn còn chậm, chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của phát triển kinh tế biển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng nhưng chưa đạt yêu cầu. Thương mại - dịch vụ phần lớn còn nhỏ lẻ, chưa có sự thay đổi mạnh về chất lượng dịch vụ để thu hút khách du lịch.

Từ bài học kinh nghiệm nhiệm kỳ qua, trong phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ 2020– 2025, Đảng ủy thị trấn Khánh Hải tiếp tục phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự đồng thuận cao trong hệ thống chính trị và nhân dân; khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế kinh tế của địa phương. Trọng tâm là tiếp tục phát huy lợi thế kinh tế biển, kinh tế du lịch; huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực xã hội, chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ, thương mại - du lịch; xây dựng thị trấn thành đô thị du lịch biển. Theo đó phấn đấu tốc độ tăng trưởng thương mại, dịch vụ - du lịch từ 15-20%, nông nghiệp - thủy sản từ 8 - 10%, tiểu thủ công nghiệp từ 10 - 15%; thu nhập bình quân đầu người 70 triệu đồng/năm; giải quyết việc làm mới hằng năm cho 400 lao động và cuối nhiệm kỳ giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1%.

Để tiếp tục phát triển du lịch, dịch vụ gắn với hình thành đô thị ven biển, Đảng ủy thị trấn xác định cần tiếp tục tuyên truyền, quảng bá hình ảnh và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng của tỉnh, huyện; kêu gọi, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, các thành phần kinh tế đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn như kinh tế biển, dịch vụ - thương mại, du lịch ở địa phương.