Khan hiếm lao động nghề biển, nhiều chủ tàu gặp khó khăn

Những năm gần đây, một thực trạng chung đã và đang diễn ra là tình trạng nhân lực đi biển ngày càng khan hiếm, điều này khiến cho các chủ tàu gặp nhiều khó khăn khi không đủ lao động cần thiết để phục vụ cho các chuyến biển.

Theo một số chủ tàu cá trên địa bàn tỉnh, vài năm gần đây không chỉ riêng tỉnh Ninh Thuận mà các địa phương khác cùng chung thực trạng thiếu bạn thuyền đi biển, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của ngư dân. Có mặt tại Cảng cá Cà Ná, xã Phước Diêm (Thuận Nam) chúng tôi nghi nhận có rất nhiều tàu phải nằm bờ vì nguyên nhân chính là thiếu bạn thuyền. Trên địa bàn huyện Thuận Nam có 1.021 tàu cá, với tổng công suất 192.787 CV, nên nhu cầu về nhân lực tương đối nhiều, nhưng với tình trạng thiếu nhân lực như hiện nay thì không những tàu lớn trị giá hàng tỷ đồng nằm bờ mà những tàu nhỏ cũng cùng chung cảnh ngộ. Theo các chủ tàu cá, để có nguồn nhân lực cho một chuyến biển các chủ tàu đã phải chịu rất nhiều áp lực về tài chính. Cụ thể, phải ứng trước tiền công và nhiều khoản khác cho bạn thuyền, trong khi đó, hiệu quả đánh bắt phụ thuộc nhiều vào ngư trường từng thời vụ.

Tàu thuyền neo đậu tại Cảng Cà Ná. Ảnh: Văn Nỷ

Trao đổi với chủ tàu cá Đặng Phi Long và Nguyễn Văn Dũng ở xã Phước Diêm, được biết: Việc thiếu nhân lực đi biển đã diễn ra trước đây nhưng không khan hiếm như hiện nay. Nguyên nhân thiếu lao động đi biển do nghề này gặp nhiều nguy hiểm, lao động nặng nhọc, thu nhập không cao, ngư trường đánh bắt hải sản ngày càng cạn kiệt, nên nhiều lao động không còn mặn mà với nghề biển, có xu thế chuyển sang làm việc ở lĩnh vực xây dựng. Anh Trần Văn Nam, thôn Lạc Nghiệp, xã Phước Diêm, cho biết: Trước đây anh làm nghề biển, mỗi chuyến kéo dài từ 10-15 ngày, thu nhập khá cao, những năm gần đây nguồn lợi thủy sản cạn kiệt dần, thu nhập bấp bênh, nên tôi nghỉ biển để cùng vợ đi làm nhân công cho dự án điện mặt trời với mong muốn có công việc ổn định và có thời gian chăm sóc gia đình.

Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, ngư dân trong tỉnh đã tiếp cận được các nguồn vốn ưu đãi để đầu tư tàu công suất lớn vươn khơi bám biển. Việc thiếu nhân lực biển như hiện nay đã làm cho các chủ tàu cá gặp nhiều khó khăn. Do đó, để phát triển đánh bắt xa bờ một cách bền vững, các bộ, ngành chức năng và địa phương cần có những giải pháp căn cơ về đào tạo, hỗ trợ lao động biển để ngư dân yên tâm bám biển, phát triển kinh tế vừa tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.