Quyết định số 1222/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Tạo đột phá phát triển kinh tế

Bài cuối: Tạo đà phát triển cho nhiệm kỳ mới

Với quyết tâm đổi mới cách nghĩ, cách làm, trong năm 2020, cả hệ thống chính trị trong tỉnh tiếp tục hành động, tiếp tục phấn đấu để tạo sự bứt phá "vượt đích” các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà UBND tỉnh đã đề ra, nhằm tạo đà cho cả nhiệm kỳ mới 2020-2025.

Trong lần trả lời phỏng vấn Báo Ninh Thuận vào cuối năm 2019, Tiến sĩ Trần Du Lịch, Thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng nhóm tư vấn hợp tác phát triển vùng duyên hải miền Trung cho rằng: Trong giai đoạn 2021-2030, các nhóm ngành: Năng lượng sạch; du lịch; nông-lâm-thủy sản; sản xuất chế biến; giáo dục đào tạo; kinh doanh bất động sản tiếp tục là ưu tiên phát triển của Ninh Thuận. Để khai thác hết tiềm năng, lợi thế các nhóm trụ cột này, Ninh Thuận cần phải có quyết tâm chính trị cao; phải thu hút được các doanh nghiệp, các tập đoàn kinh tế lớn, đồng thời phải mở rộng liên kết vùng và tận dụng được các cơ chế, chính sách để Trung ương trao thêm quyền, thêm lực và trách nhiệm để tỉnh có thể phát huy tốt nhất năng lực chủ động sáng tạo của mình.

Công trình đập hạ lưu sông Dinh (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) đang trong giai đoạn hoàn thiện. Ảnh: Như Phương

Nhìn lại bức tranh kinh tế của tỉnh trong giai đoạn 2015 – 2019 để thấy, UBND tỉnh đã chỉ đạo thực hiện được rất nhiều việc, đạt nhiều kết quả khá quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH). Tuy nhiên, do xuất phát điểm thấp và tồn tại nhiều bất lợi trong phát triển, nên đến nay mức GRDP/người của tỉnh cũng mới chỉ bằng 2/3 so với mức bình quân GDP của cả nước và đang là vùng trũng phát triển của khu vực Nam Trung bộ. Khát vọng của tỉnh trong 10 - 15 năm tới là đưa tốc độ tăng trưởng bình quân đạt khoảng 11-12%/năm. Để đạt được mục tiêu này, theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, Ninh Thuận cần đề ra nhiều chính sách để huy động nguồn lực, trước mắt tận dụng thời cơ, tạo bước đột phá với 3 trụ cột kinh tế (năng lượng, du lịch, nông ngư nghiệp và công nghiệp chế biến). Đi liền với đó phải tạo môi trường đầu tư mang tính cạnh tranh vượt trội, ưu tiên cải thiện 3 nhân tố: chính sách, thể chế; đào tạo nguồn nhân lực và chính sách thu hút nguồn nhân lực; đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông. Trong đó, vấn đề thể chế cần được hoàn thiện và đơn giảm hóa tốt hơn ở các cấp, các ngành, nhất là thời gian giải quyết thủ tục hành chính; tăng cường cụ thể hóa và phối hợp giải quyết kịp thời các chính sách liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; minh bạch hơn nữa trong cung cấp thông tin về quy hoạch, đầu tư; kiên quyết xử lý nghiêm tình trạng nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, tạo điều kiện bình đẳng cho mọi doanh nghiệp tiếp cận các yếu tố sản xuất như đất đai, vốn, cơ hội kinh doanh, cơ hội đấu thầu, đấu giá...

Đánh giá về những bất lợi và lợi thế mà Ninh Thuận đang có, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng: Ninh Thuận có nhiều cái nhất nhưng đó là “nhất từ dưới lên”. Tuy nhiên, những bất lợi thế đó lại được Ninh Thuận lật ngược bài bản, chuyển mình để biến thành lợi thế to lớn, đặc biệt là biến tiềm năng nắng, gió làm năng lượng tái tạo, biến tiềm năng rộng lớn về đất đai để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, biến đặc sắc về văn hóa của các dân tộc và biến nét hoang sơ của biển để phát triển du lịch đẳng cấp. Để tránh “vết xe đổ” như các tỉnh, thành khác từng đi trước, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, trong thời gian tới tỉnh cần biến bất lợi thế truyền thống thành lợi thế phi truyền thống; phải khẳng định được vai trò của doanh nghiệp tư nhân và các tập đoàn lớn; phải liên kết vùng để có hướng phát triển. Để làm được điều đó thì mỗi năm Ninh Thuận phải tăng trưởng hai con số, qua đó đến năm 2030, đưa GRDP/người đạt khoảng 3 lần hiện nay.

Điểm du lịch Hang Rái (Ninh Hải) luôn thu hút nhiều du khách. Ảnh: V.Miên

Để đánh giá, phân tích đúng các lợi thế, tiềm năng, dự báo nhân tố mới, cũng như xác định cách tiếp cận, chiến lược phát triển cho giai đoạn tới, cuối năm 2019, tỉnh ta đã tổ chức Hội thảo “Định hướng phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2020 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Tại hội thảo này, nhiều nhà khoa học, chuyên gia kinh tế hàng đầu của Việt Nam được tỉnh mời tham dự. Qua đó, tỉnh đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp, nhiều gợi mở định hướng, cách tiếp cận mới để thực hiện có hiệu quả định hướng phát triển trong giai đoạn tới. Đồng chí Lưu Xuân Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Trên cơ sở các ý tưởng hay, có giá trị thực tiễn đã được trình bày, thảo luận tại hội thảo, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiếp thu, nghiên cứu để bổ sung, phát triển thành các đề án, giải pháp cụ thể để tổ chức triển khai thực hiện. Theo đó, nhiệm vụ trọng tâm mà tỉnh ưu tiên trong 5 năm tới, đó là tiếp tục tận dụng có hiệu quả các cơ chế, chính sách mà Chính phủ đã ban hành tại Nghị quyết số 115/NQ-CP để phát triển ngành năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) trở thành trung tâm đi đầu trong cả nước. Chủ động phối hợp Bộ Công Thương và Tập đoàn điện lực Việt Nam để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình truyền tải, đảm bảo giải tỏa công suất nguồn năng lượng tái tạo đã được phê duyệt, bổ sung quy hoạch. Đối với từng dự án, tỉnh thể hiện quyết tâm tạo sự đồng thuận về mục tiêu phát triển; thực hiện tốt việc an dân trong các vùng dự án; đồng thời chứng minh cho người dân thấy được lợi ích khi chuyển đổi cơ cấu kinh tế, thay đổi nghề nghiệp ở các vùng dự án bằng cách tập trung đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho hộ dân các vùng dự án. Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh khai thác tiềm năng, lợi thế dọc tuyến đường ven biển để phát triển kinh tế biển; thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng cho tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn qua tỉnh; chủ động trong các chương trình liên kết vùng, tập trung xây dựng đề xuất phát triển các chương trình phát triển du lịch chung của vùng tam giác Nha Trang - Phan Rang -Đà Lạt...

Với quyết tâm đổi mới cách nghĩ, cách làm của cả hệ thống chính trị trong tỉnh, tin rằng năm 2020, tình hình KT-XH của tỉnh tiếp tục có sự bứt phá để “vượt đích”, hướng đến tạo đà cho cả nhiệm kỳ mới 2020-2025.