Quyết định số 1222/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Tạo đột phá phát triển kinh tế

Bài 2: Nhiều lĩnh vực kinh tế được cải thiện rõ nét

Ninh Thuận là một tỉnh nhỏ, điều kiện phát triển khó khăn, nhưng khát vọng phát triển và ý chí vươn lên thì không hề nhỏ. Minh chứng cụ thể là tỉnh đã thuê Tập đoàn Monitor xây dựng Quy hoạch phát triển cho mình, đây là bước đi tiên phong, qua đó xác định các nhóm, ngành, sản phẩm ưu tiên để biến bất lợi thành lợi thế phát triển phù hợp.

Trong vòng 10 năm trở lại đây, tư duy phát triển kinh tế của tỉnh đã được các đồng chí lãnh đạo tỉnh mở rộng ra nhiều lĩnh vực, trong đó trọng tâm là phát triển năng lượng tái tạo, du lịch, kinh tế biển, nông nghiệp công nghệ cao... Để thực hiện mục tiêu đề ra, ngoài việc thành lập Văn phòng phát triển kinh tế (EDO), đầu năm 2019, tỉnh còn đưa vào hoạt động Trung tâm phục vụ hành chính công. Đây là đầu mối tập trung hướng dẫn, tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan cấp tỉnh đối với các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân. Qua đây, nhằm tạo bước đột phá trong tăng cường, đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, giúp cho người dân, doanh nghiệp có điều kiện thuận lợi trong giải quyết nhu cầu công việc và tiết kiệm được thời gian, chi phí, đi lại…, hướng đến cải thiện mạnh mẽ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Điện gió Đầm Nại. Ảnh Văn Miên

Cùng với đẩy mạnh cải cách hành chính, những năm gần đây, tỉnh còn chỉ đạo các sở, ngành và chính quyền các địa phương nỗ lực vận động, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân, qua đó đã tổ chức thu hồi được hơn 2.000 ha đất giao cho nhà đầu tư. Nhiều nhà đầu tư ngay sau khi được bàn giao đất đã thể hiện rõ năng lực, quyết tâm biến những vùng đất hoang hóa, khô cằn, thành những dự án phát triển năng lượng tái tạo mang tầm cỡ quốc gia, khu vực và thế giới. Đến thời điểm đầu năm 2020, trong tổng số 31 dự án năng lượng tái tạo được cấp quyết định chủ trương đầu tư đã có 3 dự án điện gió, 18 dự án điện mặt trời đưa vào vận hành, khai thác, với tổng công suất hòa lưới điện quốc gia đạt trên 1.330MW. Các dự án điện gió, điện mặt trời đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành giai đoạn 2018 – 2019 với tiến độ đầu tư nhanh, an toàn đã bổ sung kịp thời nguồn điện mới cho hệ thống điện quốc gia, góp phần quan trọng đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu sinh hoạt của người dân. Bên cạnh đó, một số dự án trọng điểm như: Hệ thống thủy lợi Hồ Tân Mỹ, hồ Sông Than, Đập hạ lưu Sông Dinh..., cũng đang được UBND tỉnh chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ. Qua đó, thúc đẩy giá trị sản xuất ngành công nghiệp – xây dựng của tỉnh trong năm qua đạt trên 13.680 tỷ đồng, tăng 26,4% so với cùng kỳ.

Không những bứt phá về phát triển năng lượng (điện gió, điện mặt trời), bức tranh du lịch của tỉnh cũng đã có những mảng màu tươi sáng và trở thành điểm dừng chân lý tưởng của du khách trong và ngoài nước. Nhiều sự kiện về du lịch liên tục được tổ chức như: Lễ hội nho và vang; ngày văn hóa – du lịch Ninh Thuận; đua xe địa hình trên cát; Festival ván diều quốc tế... Đặc biệt, thông qua các chương trình liên kết vùng tam giác du lịch Phan Rang - Đà Lạt - Nha Trang; liên kết với các thành phố lớn như: Thủ đô Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Trung – Tây nguyên, tỉnh ta liên tục đón những đoàn famtrip của các đơn vị lữ hành đưa khách từ các tỉnh phía Bắc, phía Nam đến tham quan, trải nghiệm, nghỉ dưỡng và tìm hiểu tiềm năng, lợi thế về du lịch tại đây; qua đó, các đơn vị lữ hành đã xây dựng được những tour, tuyến mới tại Ninh Thuận. Kết quả, trong 3 năm 2016 – 2018 du lịch Ninh Thuận đã thu hút 5.700.000 lượt du khách, tăng bình quân 11,9%/năm. Riêng năm 2019, du lịch của tỉnh tiếp tục cán đích với dấu mốc mới khi đón 2.530.000 lượt khách, đạt doanh thu hơn 1.250 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2018. Khách du lịch tăng nhanh là động lực thúc đẩy các dự án về hạ tầng du lịch tăng cả về lượng lẫn về chất. Tính đến cuối năm 2019, tỉnh ta đã thu hút 21 dự án đầu tư lĩnh vực du lịch, với tổng vốn đăng ký gần 13.000 tỷ đồng. Nhiều dự án nghỉ dưỡng, khách sạn ven biển của các nhà đầu tư có thương hiệu nổi tiếng trong nước và quốc tế đẩy nhanh tiến độ. Trong đó, có một số dự án trọng điểm, quy mô lớn, đẳng cấp cao như Khu du lịch sinh thái Nam Núi Chúa, Mũi Dinh Ecopark; đặc biệt tại Ninh Thuận đã hình thành sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế với sự ra đời của khu nghỉ dưỡng Amanoi Resort bên bờ vịnh Vĩnh Hy.

Trang trại FARA Farm ở Nhị Hà 3, xã Nhị Hà (Thuận Nam) trồng dưa lưới áp dụng công nghệ cao. Ảnh: Hữu Phương

Nắng - Gió tưởng như bất lợi nay đã trở thành lợi thế của vùng đất Ninh Thuận. Không chỉ thuận lợi để phát triển năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) và du lịch, nắng - gió còn giúp cho Ninh Thuận phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao và trở thành đặc sản của địa phương như: nho, táo, hành, tỏi, măng tây, nha đam, dê, cừu... Bên cạnh đó, nhiều loại cây ăn trái như: bưởi da xanh, măng cụt, sầu riêng, chôm chôm..., cũng đơm bông kết trái, giúp người nông dân làm giàu ở những vùng đất một thời khô khát. Ngay cả những loài cây tưởng như chỉ trồng được ở những vùng có khí hậu ôn đới như: Dưa lưới, dâu Tây, nhưng nay cũng đã trồng được ở xứ nắng Ninh Thuận và cho kết quả bất ngờ, góp phần làm phong phú và đa dạng các giống cây trồng, giúp cho người nông dân có cơ hội làm giàu từ chính mảnh vườn, thửa ruộng của mình.

Với quyết tâm cải cách mạnh mẽ, sau gần 10 năm thực hiện các định hướng theo quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thành tích phát triển kinh tế của Ninh Thuân được cải thiện rõ rệt. Tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh cao dần đều. Đà tăng trưởng được xác lập vững, sức hấp dẫn đầu tư của tỉnh tăng rõ rệt. Cụ thể, trong giai đoạn 2011-2018 tốc độ tăng trưởng bình quân của tỉnh đạt 7,9%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần khu vực phi nông nghiệp từ 56,5% năm 2011 lên 62,1% vào năm 2018. Riêng năm 2019, GRDP của tỉnh đạt 13,18% (thuộc nhóm 5 tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất cả nước); đây cũng là năm thứ hai liên tiếp tỉnh thực hiện hoàn thành vượt mức 15/15 chỉ tiêu phát triển KT-XH. Đặc biệt, thu ngân sách đạt trên 4.270 tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt hơn 2.895 tỷ đồng, đạt 125,1% dự toán Bộ Tài chính giao, đạt 120,6% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 16,8% so với số thu năm 2018, hoàn thành trước 3 năm so với kế hoạch của cả nhiệm kỳ 5 năm (2015-2020). Giải quyết việc làm mới cho trên 17.000 lao động. Đưa thu nhập bình quân đầu người tăng lên 50,4 triệu đồng/người/năm. Giảm tỷ lệ hộ nghèo chung của tỉnh xuống còn 6,74%.