Quyết định số 1222/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Tạo đột phá phát triển kinh tế

Bài 1: Đổi mới quy hoạch để thu hút đầu tư

Thời điểm năm 2020 đã đến, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo Quyết định số 1222/QĐ-TTg ngày 22-7-2011 của Thủ tướng Chính phủ đã gần hết hiệu lực, nhưng tầm nhìn phát triển cho Ninh Thuận vẫn còn nguyên giá trị. Vấn đề đặt ra là động lực nào để thu hút đầu tư, tạo bước đột phá phát triển các ngành và lĩnh vực trụ cột của tỉnh trong thời gian tới, nhất là giai đoạn 2021-2025?

Với tư duy mới, có tầm nhìn chiến lược, cách đây 10 năm, tỉnh ta đã mạnh dạn thuê nhà tư vấn nước ngoài: Tập đoàn Monitor của Mỹ và Arup của Anh lập Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1222/QĐ-TTg ngày 22-7-2011. Theo đó, 6 nhóm ngành kinh tế trụ cột được đề xuất ưu tiên phát triển, gồm 4 nhóm ngành cơ bản là: Năng lượng sạch, du lịch, nông-lâm-thủy sản, sản xuất chế biến và 2 ngành phụ trợ là giáo dục đào tạo và kinh doanh bất động sản. Để cụ thể hóa các mục tiêu, định hướng phát triển theo quy hoạch được duyệt, từ năm 2011 đến nay, tỉnh ta đã chỉ đạo hoàn thành, phê duyệt gần 40 quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH; trong đó có 7 quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH các huyện, thành phố; 31 quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu. Bên cạnh đó, tỉnh còn ban hành 2 kế hoạch quan trọng về phát triển KT-XH 5 năm giai đoạn 2011-2015 và 2016-2020 cùng nhiều chương trình, nghị quyết, đề án, kế hoạch để chỉ đạo triển khai thực hiện.

Đường ven biển Bình Tiên - Cà Ná kết nối mạng lưới giao thông khu vực, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Ảnh: Duy Anh

Đồng chí Phạm Đồng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Thông qua công tác quy hoạch tỉnh đã phát hiện và đánh giá đúng mức các tiềm năng, thế mạnh, nhất là tiềm năng lợi thế mới về kinh tế biển, năng lượng tái tạo; định hướng phát triển kinh tế xanh – sạch, thân thiện với môi trường, qua đó huy động được nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển KT-XH của tỉnh. Đáng chú ý là tỉnh đã đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là tiến độ hoàn thành tuyến đường ven biển từ Bình Tiên đến Cà Ná kết nối với mạng lưới giao thông khu vực. Mặt khác, tỉnh còn chủ động đề xuất, kiến nghị các cơ chế, chính sách đối với Trung ương, nhờ đó tháng 8 năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP về thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển KT-XH, ổn định sản xuất, đời sống nhân dân giai đoạn 2018 – 2023. Đây là những cơ chế, chính sách mạnh mẽ tập trung vào các nhóm ngành đột phá, trụ cột của tỉnh về phát triển năng lượng tái tạo, thủy điện tích năng, tổ hợp điện khí, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao.... qua đó, mở ra cơ hội có một không hai đối với các nhà đầu tư trong việc tham gia đầu tư vào Ninh Thuận.

Đi liền với việc đẩy mạnh phát triển 6 trụ cột, tỉnh ta còn huy động các nguồn lực để tái tổ chức không gian phát triển hợp lý, chỉ rõ danh mục dự án đầu tư và lộ trình triển khai thực hiện theo hướng phát triển hai hành lang, ba khu vực. Trong đó, hai hành lang được xác định là Quốc lộ 1A và đường ven biển để huy động nguồn lực đầu tư các tuyến đường kết nối, từng bước hình thành các trục hành lang Đông – Tây nhằm phá thế chia cắt giữa các địa phương. Ba khu vực được ưu tiên theo hướng, phía Bắc của tỉnh dành cho phát triển du lịch, với những khu nghỉ dưỡng cao cấp, có quy mô lớn dọc theo ven biển từ Bình Tiên đến Vĩnh Hy; vùng phía Nam được dành cho phát triển công nghiệp, trọng tâm là Khu Công nghiệp Phước Nam và Cà Ná, còn lại vùng đồng bằng dành để phát triển đô thị và dịch vụ - thương mại, trong đó lấy Tp.Phan Rang – Tháp Chàm làm động lực phát triển, tạo sức lan tỏa để thu hút đầu tư, tạo nên thế kiềng 3 chân vững chắc, hướng đến những đột phá cho phát triên kinh tế trong những năm tới.

Khai thác đá Granite của Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Tân Sơn Hoa Cương (Ninh Hải). Ảnh: Phương Nam

Rút kinh nghiệm từ các địa phương đi trước, trong công tác quy hoạch hạ tầng, xúc tiến, mời gọi đầu tư tỉnh đã đổi mới mang tính chủ động, có chiều sâu để chọn lựa những nhà đầu tư có quyết tâm và năng lực tốt nhất. Không chỉ tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư tại tỉnh, UBND tỉnh còn phối hợp tổ chức nhiều Hội nghị xúc tiến đầu tư tại Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và mở rộng sang nước Hàn Quốc. Đặc biệt, thông qua con đường ngoại giao giữa Việt Nam và các quốc gia trên thế giới, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của tỉnh đã chủ động gặp gỡ, giới thiệu, mời gọi các nhà đầu tư của nhiều nước trên thế giới tham gia tìm hiểu, đầu tư vào những ngành, lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh. Trong năm 2018 và 2019, tại các nước: Nga, Nhật Bản, Thái Lan, Ấn Độ,... trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, đồng chí Lưu Xuân Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký thỏa thuận, trao biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với các Tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới trên các lĩnh vực Ninh Thuận có thế mạnh.

Với sự nỗ lực không ngừng, đến nay có thể nói công tác thu hút đầu tư của tỉnh ta đã tạo nên luồng sinh khí mới, làn sóng đầu tư mới. Nhờ đó, đã thu hút được các tập đoàn, tổng công ty lớn có thương hiệu, có năng lực, uy tín trong và ngoài nước như: Vingroup, FLC, Tập đoàn Hoa Sen, Tập đoàn T&T, CMX (Canada), Adani (Ấn Độ), Blue Circle và Sinergy (Singapore)..., đăng ký đầu tư vào các lĩnh vực đột phá, trụ cột về năng lượng tái tạo, du lịch, kinh doanh bất động sản... Trong năm 2018, thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của tỉnh đạt 2.867 tỷ đồng, cao gấp 10,6 lần so với năm 2011. Năm 2019, tỉnh tiếp tục thu hút vốn đăng ký đầu tư đạt 24.000 tỷ đồng, với 34 dự án và huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt trên 22.000 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với năm 2018. Đặc biệt, số doanh nghiệp thành lập mới trong năm qua đạt cao nhất từ trước đến nay, với 513 doanh nghiệp, tăng 24,8% so với năm 2018, nâng tổng số doanh nghiệp của tỉnh tăng lên trên 3.170 doanh nghiệp.