Công nghiệp chế biến tạo đột phá trong giá trị gia tăng hàng nông sản

Công nghiệp chế biến được xem là khâu đột phá trong Đề án cơ cấu lại ngành Nông nghiệp để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm. Nhìn nhận đúng vấn đề này, trong những năm qua, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp thu hút phát triển ngành Công nghiệp có lợi thế, tạo chuyển biến tích cực.

Định hướng nông nghiệp đến năm 2020 của tỉnh là phát triển theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, có giá trị gia tăng và bền vững, dựa trên nền tảng nông hộ chuyên nghiệp, kinh tế hợp tác và doanh nghiệp; trong đó, doanh nghiệp đóng vài trò chủ đạo gắn nông dân và HTX với thị trường, xây dựng vùng chuyên canh áp dụng công nghệ cao. Thực hiện mục tiêu này, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi, tiếp sức cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Ngoài các doanh nghiệp hoạt động sản xuất giống cây trồng, thủy sản, tín hiệu đáng mừng gần đây là có một số doanh nghiệp còn tham gia vào lĩnh vực chế biến các mặt hàng nông sản đặc thù của tỉnh, góp phần nâng cao giá trị gia tăng. Đơn cử, Cơ sở Chế biến thực phẩm Viết Nghi với những sản phẩm như rượu vang nho, mật nho, mứt nho, táo sấy khô đã nâng tầm vị thế 2 loại trái cây đặc sản vùng nắng gió trên thị trường cả nước.

Sản phẩm nước nho lên men chất lượng cao của Cơ sở Chế biến thực phẩm Viết Nghi.

Hoạt động chế biến hàng nông sản đang ngày càng phát triển lên tầm cao mới, hình thành một số trang trại nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phục vụ công nghiệp chế biến. Trang trại sản xuất nông nghiệp hữu cơ (An Hải, Ninh Phước) của doanh nghiệp Tiên Tiến tạo ra một số sản phẩm công nghiệp chế biến từ măng tây xanh đảm bảo chất lượng cao, mở đầu cho mô hình kinh tế tuần hoàn đang được tỉnh khuyến khích nhân rộng. Đón nhận cơ hội mới của thời kỳ hội nhập, Doanh nghiệp tư nhân Thương mại và Dịch vụ Ba Mọi; Công ty Cổ phần Rau Câu Sơn Hải; Công ty Cổ phần Thực phẩm Cánh Đồng Việt… đã mạnh dạn đầu tư về nhân lực và dây chuyền công nghệ sản xuất hiện đại để tạo ra những sản phẩm chất lượng đáp ứng nhu cầu sử dụng ngày càng cao của người tiêu dùng.

Nhằm thúc đẩy phát triển ngành Công nghiệp chế biến, tỉnh chỉ đạo tập trung xây dụng vùng nguyên liệu đảm bảo cho các nhà máy hoạt động hết công suất, tạo ra khối lượng hàng hóa dồi dào cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn thực hiện chủ trương của tỉnh, đến nay các ngành, địa phương đã triển khai 12 cánh đồng lớn (mía, lúa, măng tây xanh, bắp); vùng nguyên liệu nho rượu, vùng nuôi tôm trên cát ứng dụng công nghệ cao gắn với liên kết doanh nghiệp trong sản xuất tiêu thụ sản phẩm. Tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ của trung ương, của các tổ chức phi Chính phủ, giai đoạn 2017-2019 tỉnh đã lồng ghép hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp chế biến nho, táo, rong sụn đổi mới, ứng dụng máy móc thiết bị để nâng cao năng lực sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm, với tổng số tiền 1,3 tỷ đồng.

 

Trà măng tây Linh Đan tốt cho sức khỏe, được khách hàng tin dùng. Ảnh: Văn Nỷ

Tỉnh ta có nhiều mặt hàng nông sản đặc thù chất lượng cao, nhưng đa phần được tiêu thụ ở dạng tươi. Việc phát triển công nghiệp chế biến trong thời gian qua đã làm thay đổi hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững. Tuy nhiên, sự phát triển của ngành chế biến nông sản chưa tương xứng với tiềm năng, còn bộc lộ một số tồn tại trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp. Các cơ sở chế biến phần lớn quy mô nhỏ chưa đáp ứng yêu cầu của sản xuất nguyên liệu và thị trường tiêu thụ. Chuỗi liên kết sản xuất còn lỏng lẻo, chưa tạo được sự gắn kết chặt chẽ giữa công nghiệp chế biến với sản xuất nguyên liệu và thị trường tiêu thụ. Trình độ công nghệ chế biến nông sản nhìn chung chưa cao, chủng loại sản phẩm chế biến thiếu phong phú, nên việc nâng cao giá trị gia tăng còn ở mức độ thấp.

Theo đồng chí Phạm Đăng Thành, Giám đốc Sở Công Thương, khâu vô cùng quan trọng trong vấn đề bình ổn giá là tạo đầu ra ổn định cho người sản xuất và đóng vai trò dẫn dắt, kết nối người sản xuất với thị trường. Nếu không quan tâm đến lĩnh vực này, ngành Nông nghiệp không thể phát triển bền vững, nông dân vẫn gặp tình cảnh “mất mùa được giá”. Để ngành chế biến nông, lâm, thủy sản phát triển tương xứng với tiềm năng, ngành chức năng, các địa phương cần rà soát, xây dựng quy hoạch phát triển công nghiệp chế biến gắn với vùng sản xuất hàng hóa tập trung; đồng thời, thực hiện chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, các thành phần kinh tế đầu tư vào công nghiệp chế biến.