Nguồn cung hàng hóa thiết yếu tại các chợ, siêu thị đáp ứng đủ nhu cầu của người dân

Ngay sau khi Ninh Thuận xuất hiện ca đầu tiên dương tính với virus SARS-COV-2, trên địa bàn tỉnh cũng nhanh chóng xuất hiện tình trạng người dân đổ xô mua sắm, tích trữ các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, các mặt hàng phòng chống dịch. Nhờ nhận định sớm tình hình này, Sở Công thương đã chủ động có phương án chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp sớm có kế hoạch ứng phó nên đã xử lý nhanh các biến động của thị trường, đảm bảo đủ nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho người dân.

Ngày 17-3, chỉ một ngày sau khi các cơ quan thông tấn báo chí thông tin về ca đầu tiên ở Ninh Thuận dương tính với virus SARS-COV-2, tại các siêu thị trên địa bàn tỉnh, sức mua tăng đột biến. Ông Nguyễn Hải Đông, Giám đốc Siêu thị Co.op mart Thanh Hà cho biết: “Tại siêu thị, sức mua trong ngày 17-3 tăng gấp 3 lần so với ngày thường, tập trung vào một số mặt hàng lương thực, thực phẩm và các sản phẩm phòng chống dịch. Để đảm bảo nguồn cung cho tất cả khách hàng, tránh tình trạng thu gom, tích trữ gây thiếu hàng cục bộ, siêu thị đã phải thực hiện phương án giới hạn số lượng được mua đối với một số sản phẩm đặc biệt. Cụ thể, mỗi lượt mua hàng, mỗi khách hàng chỉ được mua không quá 2 chai dung dịch rửa tay sát khuẩn, 1 hộp khẩu trang 5 cái, 1 thùng mì và 5kg gạo”.

Nguồn hàng hóa tại Siêu thị Co.opmart Thanh Hà luôn được bổ sung kịp thời phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.

Tại các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh, khung cảnh mua bán tấp nập chỉ diễn ra chóng vánh từ 8-9 giờ sáng ngày 17-3. Từ sau thời điểm đó, các chợ đều vắng khách hơn ngày thường do tâm lý người dân ngại đến nơi đông người. Chị Nguyễn Thị Liên Phương, người dân phường Phước Mỹ, Tp Phan Rang – Tháp Chàm chia sẻ: “Do nhà gần chợ nên trước đây ngày nào tôi cũng đi chợ để đảm bảo nguồn thức ăn tươi mới cho gia đình. Tuy nhiên, bây giờ tỉnh mình có dịch rồi, nên tôi tranh thủ đi chợ mua thức ăn cho cả tuần luôn để hạn chế phải đi ra ngoài. Nhìn chung giá cả vẫn ổn định, riêng mì gói tăng 5.000 đồng/thùng, thịt heo tăng mạnh nhất từ 10.000-15.000 đồng/kg”.

Để nhanh chóng xử lý các biến động của thị trường, đảm bảo nguồn cung hàng hóa, nhu yếu phẩm phục vụ tiêu dùng của người dân, Sở Công thương đã yêu cầu các siêu thị khẩn trương triển khai phương án tăng cường nguồn cung hàng hóa, nhất là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu của người dân; có phương án điều tiết nguồn hàng từ các nhà cung cấp, từ các điểm bán hàng ngoài tỉnh để tăng lượng cung ứng cho địa bàn tỉnh. Ngoài ra, Sở Công thương phối hợp với Cục Quản lý thị trường trực tiếp kiểm tra, đôn đốc các doanh nghiệp phân phối trên địa bàn tỉnh triển khai các phương án bảo đảm nguồn cung hàng hóa cho thị trường; phối hợp với cơ quan báo chí thông tin về nguồn cung và các biện pháp triển khai để người dân không hoang mang và mua gom hàng hóa tích trữ gây bất ổn thị trường. Ông Trần Quốc Sanh, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: “Hiện tại, nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm, các mặt hàng khẩu trang, dung dịch sát khuẩn phòng chống dịch trên địa bàn tỉnh khá dồi dào, chỉ cần tâm lý người dân không hoang mang, không có hiện tượng đổ xô đi mua tích trữ, hàng hóa sẽ luôn được cung ứng đầy đủ, kể cả trong bối cảnh dịch bệnh.”

Theo ghi nhận của Phóng viên, đến tối ngày 17-3, thị trường đã bình ổn trở lại, nguồn cung hàng hóa vẫn dồi dào. Cùng với sự tin tưởng của người dân vào công tác kiểm soát dịch bệnh của tỉnh nên không còn tâm lý tích trữ hàng hóa, việc đổ xô đi mua hàng tích trữ đã giảm mạnh. Đến ngày 18-3, thị trường hàng hóa gần như đã trở lại bình thường, nguồn cung hàng hóa tại các siêu thị và các chợ khá dồi dào, giá ổn định.