Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Đề án An ninh lương thực quốc gia

Ngày 18-3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 53-KL/TW ngày 5-8-2009 của Bộ Chính trị về thực hiện Đề án An ninh lương thực (ANLT) quốc gia đến năm 2020.

Cùng dự có các đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương; Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng. Tham dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta có các đồng chí: Nguyễn Bắc Việt, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Lưu Xuân Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.

Các đồng chí: Nguyễn Bắc Việt, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Lưu Xuân Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta.

Triển khai thực hiện Đề án ANLT quốc gia trong thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các chủ trương, chính sách hỗ trợ thúc đẩy cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững. Ban cán sự Đảng, các bộ, ngành trung ương và 63 tỉnh thành trên cả nước chú trọng công tác tuyên truyền, xây dựng đồng bộ kế hoạch, chương trình hành động đảm bảo vững chắc ANLT quốc gia. Giai đoạn 2009-2019, GDP toàn ngành Nông nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng khá, đạt 2,61%/năm; giá trị sản xuất trồng trọt tăng 2,9% năm, chăn nuôi tăng 5,2%/năm, thủy sản tăng 3,91%/năm. Bình quân lương thực đầu người tăng từ 497 kg/năm lên trên 525 kg/năm, đưa Việt Nam vào nhóm 6 nước hàng đầu về cung cấp ANLT cho các quốc gia khác, mỗi năm xuất khẩu 5-7 triệu tấn gạo. Các kênh phân phối lương thực không ngừng được mở rộng và hoàn thiện, nâng cao khả năng tiếp cận lương thực của người dân; tình trạng thiếu dinh dưỡng được cải thiện đáng kể, giảm từ 18,2% trong giai đoạn 2004-2006 xuống 10,8% hiện nay. Hội nghị đề ra mục tiêu, đến năm 2030 sản xuất khoảng 35 triệu tấn lúa làm nòng cốt đảm bảo ANLT quốc gia và xuất khẩu.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng của việc đảm bảo ANLT quốc gia, xem đây là mục tiêu ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội. Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành Trung ương, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu; nâng cấp, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng nông nghiệp; đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trong việc nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ, đẩy mạnh cơ giới hóa ở những vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn; tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm chủ lực quốc gia. Tăng cường hợp tác quốc tế, tập trung tháo gỡ rào cản kỹ thuật và mở rộng thị trường xuất khẩu lương thực, thực phẩm. Chú trọng phát triển hệ thống lưu thông, tăng khả năng tiếp cận lương thực của người dân đảm bảo an toàn và đầy đủ dinh dưỡng…